Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng |
Một trong những kỳ vọng khi triển khai Chính phủ điện tử là các cơ quan Nhà nước sẽ đổi mới cách thức làm việc, hiệu quả và minh bạch hơn, cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn, giảm tiêu cực, phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Chủ trương này thực ra đã có gần 20 năm nay nhưng mục tiêu cốt lõi vẫn chưa đạt được. Báo Giao thông trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng nhằm làm rõ hơn vấn đề này.
Quen dùng giấy tờ để “né” giám sát
Theo Bộ trưởng, những nguyên nhân, yếu tố nào tác động, cản trở việc thực hiện mục tiêu nói trên?
Trước hết phải nói đến việc xây dựng thể chế chưa được quan tâm đúng mức. Nếu không có định hình thể chế rõ ràng, không có quy định, yêu cầu rõ ràng để bắt buộc thay đổi từ sử dụng giấy tờ truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, có sự kiểm soát, giám sát của người dân và trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước thì rất khó thực hiện. Bởi, lâu nay chúng ta quen dùng giấy tờ, né tránh sự giám sát, kiểm soát của các cơ quan.
Rào cản tiếp theo chính trong tư tưởng. Vẫn còn tư tưởng lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ của một số cơ quan nên không muốn chia sẻ bất cứ cái gì. Trong khi đó, chúng ta chưa hoàn thành nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia mà những cái đó rất quan trọng, là cái gốc của vấn đề khi xây dựng Chính phủ điện tử.
Hiện nay, tính kết nối thông tin giữa các bộ, ngành, địa phương còn yếu. Mỗi bộ, ngành đều đầu tư hệ thống dữ liệu thông tin riêng, nhưng lại không kết nối, chia sẻ gây lãng phí, phiền hà. Theo ông, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?
Đúng là hiện nay có tình trạng các bộ, ngành, địa phương đều có trung tâm CNTT riêng nên nguồn lực đầu tư phân tán, dàn trải. Nhưng cái quan trọng nhất là hiện nay chưa kết nối được từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương. Nếu có kết nối thì đường truyền, hạ tầng chưa đảm bảo. Bên cạnh đó, chúng ta không chia sẻ được với nhau, chưa tạo được sự thống nhất, chuẩn hóa về dữ liệu, báo cáo.
Chúng tôi đã đi tham quan thực tế tại một số nước như: Estonia, Pháp, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore thì thấy mỗi nước đều có một thành tựu. Như Estonia được coi là một nước số hoá, đứng đầu thế giới vì có 99,99% dịch vụ công trực tuyến. Mỗi năm, Estonia tiết kiệm được khoảng 2% GDP. Còn ở Hàn Quốc, họ xây dựng trung tâm dữ liệu quốc gia chung, từ đó chia sẻ, phân phối dữ liệu thông tin cho các cơ quan và chia sẻ thông tin cho người dân, doanh nghiệp. Những thông tin đó luôn phục vụ cho chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo đất nước trên từng lĩnh vực. Họ nắm mọi thông tin, dữ liệu nên khi ra các quyết định hoàn toàn có cơ sở, chính xác, khách quan.
VPCP cũng đang có trao đổi với các chuyên gia tư vấn của các nước và trong nội bộ, tạo ra các nền tảng để làm sao có sự kết nối và chia sẻ, trở thành quy định bắt buộc, cùng với đó là đào tạo cán bộ đáp ứng được yêu cầu này.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh hướng dẫn công dân lấy số thứ tự để giải quyết thủ tục hành chính - Ảnh: Thanh Tùng |
Giảm tham nhũng, tiêu cực và phiền hà
Một trong những kỳ vọng khác khi triển khai Chính phủ điện tử là sẽ giảm tham nhũng, tiêu cực và phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Vậy, cơ chế nào khi vận hành Chính phủ điện tử sẽ giúp hạn chế những việc này, thưa Bộ trưởng?
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước là một giải pháp rất hữu hiệu để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan Nhà nước, giảm tham nhũng, tiêu cực. Những hiện tượng tiêu cực, nhũng nhiễu sẽ được hạn chế tối đa khi người dân có đủ thông tin, được tiếp cận đầy đủ và hiểu rõ quyền và lợi ích của mình trong quá trình thực hiện các giao dịch với Nhà nước. Chính phủ điện tử với việc tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng giúp làm giảm bớt tiếp xúc trực tiếp giữa người sử dụng dịch vụ công với cán bộ, công chức và vì thế làm giảm tiêu cực có nguy cơ phát sinh từ những cuộc tiếp xúc này.
Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo ra công khai, minh bạch và đặc biệt, tạo ra những kênh phải giải trình của các cơ quan hành chính Nhà nước. Nhưng muốn làm được thì chúng ta phải thay đổi nhận thức. Trước hết chúng ta thay vì làm giấy tờ truyền thống hãy chuyển đổi xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hóa. Tất cả vấn đề định danh cá nhân, rồi xử lý hồ sơ công việc bằng số hoá sẽ tạo ra những cái thuận lợi, môi trường lành mạnh, giảm chi phí, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ.
Xây dựng hệ thống bảo vệ khi kết nối dữ liệu quốc gia
Như ông nói, hiện nay vướng nhất vẫn là về vấn đề liên thông, kết nối. Bên cạnh đó, cũng không ít người lo ngại về tính bảo mật thông tin. Vậy, chúng ta giải quyết câu chuyện này thế nào, thưa Bộ trưởng?
"Cùng với việc phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, việc quan trọng là vấn đề đào tạo nguồn lực. Về phía người dân, DN cũng cần có sự thay đổi, từ việc quen mang hồ sơ giấy tờ đến trực tiếp, không quan tâm đến kết nối điện tử thì phải thay đổi cách tiếp cận, vì nếu chỉ có thay đổi từ phía cán bộ thì cũng không thể có hiệu quả. Nếu vượt qua được rào cản đó thì chúng ta sẽ thành công." Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP |
Chúng tôi đang áp dụng xây dựng kết nối, chia sẻ theo kinh nghiệm của một số nước đã thực hiện. Chúng ta sẽ tạo ra những ngăn lớp, hệ thống bảo vệ, như Hàn Quốc thành lập một trung tâm dữ liệu quốc gia, họ thành lập 9 lớp bảo vệ. Khi có sự xâm nhập thì trong trung tâm điều hành đều cập nhật để cảnh báo và xử lý.
Còn thực tế hiện nay chúng ta đang phân tán 100%, chưa có dữ liệu nền tảng cơ bản mà chỉ là dữ liệu của các bộ, ngành. Nếu chúng ta phân tán như vậy cũng không thể quản lý được.
Chúng tôi đang đi theo hướng đề xuất xây dựng dữ liệu vừa có tập trung, vừa có phân tán. Những gì cốt lõi, những tài liệu, dữ liệu là “nguyên khí quốc gia” thì phải tập trung, Thủ tướng sẽ điều hành toàn bộ những dữ liệu đó để có sự chia sẻ, tránh việc coi như sự độc quyền, tránh việc coi kho dữ liệu đó là “của anh”, “của tôi” không muốn chia sẻ cho người khác.
Chúng tôi đã nghĩ tới những yêu cầu cấp thiết để xây dựng nền tảng dữ liệu quốc gia, nhưng đồng thời cũng phải nghĩ tới làm sao có quy định vấn đề chia sẻ, đặc biệt rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ an toàn hệ thống và bảo vệ cơ sở dữ liệu. Đây là vấn đề an ninh quốc gia rất quan trọng của đất nước.
Thủ tướng vừa qua yêu cầu khẩn trương thực hiện gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, trong đó, VPCP và các bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu. Vậy, VPCP đã thực hiện việc này thế nào?
VPCP tổ chức nhiều hội thảo triển khai việc này, hướng tới tạo dựng ra một đường truyền chuyên liên thông quốc gia từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, tới cả cấp xã để nhận văn bản trên nền điện tử. Các văn bản điện tử này được xác lập và có giá trị như những văn bản mà chúng ta thường gọi là “văn bản đóng dấu đỏ”. Cùng với đó, xây dựng các quy định liên quan đến lưu giữ hồ sơ điện tử. Nhưng đây mới chỉ là văn bản gửi nhận 2 chiều giữa các cơ quan hành chính Nhà nước, còn cái quan trọng nhất là tiếp tục có kết nối giữa các cơ quan hành chính Nhà nước và Chính phủ với địa phương, tạo ra kênh tương tác, kết nối và chia sẻ.
Việc chúng ta cần quan tâm đầu tiên là ban hành thể chế và cơ sở pháp lý, tới đây sẽ xây dựng Nghị định về yêu cầu chia sẻ dữ liệu thông tin, Nghị định quy định về dữ liệu mở hay bảo vệ thông tin cá nhân. Chúng tôi cũng giúp Thủ tướng xây dựng Trung tâm điều hành của Chính phủ, trung tâm thông tin báo cáo để giảm bớt tất cả việc tổ chức hội nghị.
VPCP cũng là cơ quan gương mẫu đi đầu trong ứng dụng CNTT, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện VPCP phi giấy tờ, hướng tới giúp cho Chính phủ phi giấy tờ.
Như Estonia, trước đây họ họp Chính phủ từ 4-5 tiếng nhưng hiện nay rút xuống chỉ còn khoảng 30 phút thôi. Các bộ trưởng, các thành viên Chính phủ thường xuyên sử dụng, xử lý thông tin, văn bản trên mạng hết, đến khi họp chỉ bàn vấn đề quan trọng và biểu quyết thôi.
Thực tế có những địa phương công bố cải cách, thực hiện chính quyền điện tử, thành lập một cửa liên thông nhưng người dân vẫn phải nộp hồ sơ bằng giấy, thưa Bộ trưởng?
Đúng vậy. Không phải địa phương nào cũng làm tốt như: Bắc Ninh, Quảng Ninh. Vừa rồi chúng tôi đi Cà Mau - đây là vùng xa xôi nhưng với quyết tâm của lãnh đạo, họ đã xây dựng được một trung tâm hành chính công rất tốt, giải quyết thông tuyến từ tỉnh đến huyện, xã, thị trấn, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính.
Đặc biệt, theo tư tưởng của Thủ tướng, phải nhìn rộng nhưng bắt đầu từ cái nhỏ nhất, hành động nhanh nhất, không làm ồ ạt nhưng không thể chậm trễ, cái gì làm được trước phải làm trước, huy động toàn thể các nguồn lực.
Nhưng chúng tôi cũng rất lo khi các địa phương quyết liệt trong xây dựng chính quyền điện tử, trong khi các phần mềm lại được mua trôi nổi, không có đảm bảo pháp lý vững chắc nên khi kết nối vào trục liên thông quốc gia không đảm bảo. Vì thế, cần sớm công bố khung Chính phủ điện tử để yêu cầu các bộ, ngành địa phương nếu có xây dựng phần mềm và kết nối thì phải dựa trên khung đó để có tính kết nối và tương tác.
Dự kiến, ngày 1/1/2019 sẽ mời Thủ tướng ấn nút trục liên thông quốc gia, khi đó sẽ có sự kết nối tất cả các bộ, ngành, địa phương và có sự liên thông chia sẻ. Muốn làm được việc này, đầu tháng 9 phải bắt đầu thí điểm từ một số bộ, ngành, địa phương mà theo kế hoạch là sẽ kết nối với 10 bộ và 15 địa phương.
Đặc biệt, phải xây dựng phương án dự phòng, khi có sự cố ở trung tâm này thì phải có phương án dự phòng khác, không để khi có trục trặc thì phải dừng toàn bộ quá trình. Chúng ta phải lường được mọi vấn đề để hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất.
Cũng cần phải nói rằng, có thực tế không ít người không muốn thay đổi thói quen từ làm giấy tờ truyền thống sang sử dụng CNTT trên nền điện tử là vì họ không muốn rời bỏ quyền lợi, đặc ân của mình riêng có?
Đúng thế. Tính đến nay, khó khăn, vướng mắc lớn nhất khi triển khai Chính phủ điện tử vẫn là do tư tưởng con người, đặc biệt là người đứng đầu và lực lượng cán bộ công chức thi hành công vụ. Họ vẫn quen kiểu giải quyết thủ tục hành chính thì người dân, DN phải tìm đến mình. Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì chúng ta không chấp nhận việc đó.
Ví dụ, hiện nay VPCP sẽ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất nên phải đi đầu. Hiện đang thực hiện mục tiêu VPCP phi giấy tờ, toàn bộ sử dụng quản lý văn bản và giải quyết hồ sơ công việc trên nền điện tử hết, như vậy, người dân, DN không cần phải gặp gỡ, không cần phải đến. Và khi phát hành thì văn bản đến ngay được thay vì việc cứ phải điện thoại thông báo “anh đến lấy văn bản đi”. Giờ chúng ta không chấp nhận, không cho phép việc ấy.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận