Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cùng đoàn công tác làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa vào chiều ngày 23/9 (Ảnh: P.Tuấn) |
Chiều 23/9, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác Bộ GTVT đã có buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa về tình hình phát triển KTXH, quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GTVT, phát triển cơ sở hạ tầng GTVT và đảm bảo TTATGT trên địa bàn.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị Bộ GTVT bố trí vốn để thực hiện Dự án nạo vét luồng chính tàu ra vào cảng Nghi Sơn;Quy hoạch cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng hàng không quốc tế; Xây dựng cầu vượt giữa QL1A với QL10; Đầu tư nâng cấp, mở rộng ga Khoa Trường và xây dựng mới tuyến đường sắt từ ga Khoa Trường đến Cảng biển Nghi Sơn; Nâng cấp 2 tuyến đường thủy nội địa lên tuyến Đường thủy nội địa Trung ương; Sửa chữa các đoạn hư hỏng, xuống cấp trên QL45, QL47B…
Liên quan đến dự án nạo vét luồng cảng Nghi Sơn, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và đầu tư (Bộ GTVT) cho biết: Dự án đã được Bộ GTVT tổng hợp, đưa vào danh mục đầu tư trong kế hoạch trung hạn 2016-2020. Bộ GTVT cũng đã đề nghị Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Bộ GTVT cũng đã giao Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì kêu gọi nhà đầu tư nghiên cứu lập đề xuất đầu tư theo các hình thức xã hội hóa, tham khảo triển khai theo hình thức Xây dựng – Cho thuê – Chuyển giao (hình thức BLT) tương tự như đang áp dụng đối với luồng Thọ Quang (TP. Đà Nẵng).
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho rằng địa phương cần tính toán khoa học, lên phương án, cơ chế phù hợp cho nhà đầu tư tại dự án nạo vét luồng chính vào cảng Nghi Sơn, trong đó cũng cần phải tận thu sản phẩm nạo vét để giảm thiểu chi phí cho ngân sách.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nêu ý kiến tại buổi làm việc. |
Đối với quy hoạch Cảng hàng không Thọ Xuân thành cảng quốc tế, ông Hoằng cho biết, sân bay Thọ Xuân đã được đầu tư nhiều hạng mục công trình. Tuy nhiên, theo quy hoạch, sân bay Thọ Xuân là sân bay quân sự cấp I, sử dụng dùng chung quân sự và dân dụng. Mặt khác, theo đánh giá, tại khu vực lân cận đã có các cảng hàng không quốc tế như: Nội Bài, Cát Bi, Vinh, vì vậy việc xem xét nâng cấp sân bay Thọ Xuân thành cảng quốc tế cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng về nhu cầu vận tải, đặc biệt là thị trường phục vụ, tính cạnh tranh, hoạt động quân sự, khả năng và hiệu quả đầu tư.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đang phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hóa |
Liên quan tới dự án nâng cấp, cải tạo QL45, QL47, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, Tổng cục đã có văn bản báo cáo Bộ đưa vốn bảo trì năm 2017. Thanh Hóa cần phải quan tâm đến việc xử lý các điểm đấu nối từ đường phụ ra đường chính, tập trung xử lý các “điểm đen” gây nguy cơ mất ATGT.
"Trong thời gian qua, việc xử lý xe quá tải Thanh Hoá làm rất tốt. Song hiện nay trên tuyến đường 513 đi khu kinh tế Nghi Sơn lại tái diễn tình trạng xe quá tải. Đề nghị tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phối hợp với Tổng cục để xử lý xe quá tải triệt để", ông Huyện nói.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhìn nhận, Thanh Hoá đã và đang có nhiều bứt phá trong việc phát triển KTXH, du lịch, văn hóa xã hội. Với các kiến nghị của địa phương về GTVT, Bộ trưởng ghi nhận và đề nghị, Thanh Hoá phải sát cánh cùng Bộ chọn lựa và chia sẻ những khó khăn về nguồn vốn, trình với Chính phủ về quyết tâm làm đường cao tốc Bắc – Nam, bởi dự án này đòi hỏi nguồn vốn rất lớn.
Bộ trưởng đồng tình với đề nghị của Thanh Hóa về đầu tư đường sắt và đường thuỷ nội địa, việc đầu tư đường sắt Khoa Trường - Nghi Sơn cần được quan tâm sớm bởi dự án sẽ góp phần phát huy hiệu quả của tuyến đường sắt Bắc –Nam. Đối với dự án QL45, QL47, cần nghiên cứu theo phương án làm mới, minh bạch các thủ tục và nếu là cấp bách, không có sự lựa chọn khác thì tỉnh cần lấy ý kiến HĐND, người dân để xem xét việc đầu tư hình thức BOT trên tinh thần toàn dân phải đồng lòng.
Về dự án đường ven biển, Bộ trưởng cho rằng, quan điểm của Chính phủ hiện nay, đây là tuyến phát triển kinh tế của các địa phương, vì vậy địa phương nào quan tâm sẽ chủ động triển khai trước bằng nội lực của mình.
”Phải hết sức quan tâm tới hệ thống cảng Nghi Sơn vì đây là đặc khu kinh tế công nghiệp có quy mô lớn và quan trọng. Trong đó, những cảng nào làm xong sớm thì sẽ cho đi vào hoạt động sớm. Việc nạo vét luồng tàu chính ở cảng Nghi Sơn cần ưu tiên và tính toán phương án tận thu để tận dụng nguồn vốn”, Bộ trưởng lưu ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận