Xây dựng quy chế để người lao động ra nước ngoài
Chiều 18/3, tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã giải đáp nhiều vấn đề liên quan công tác bảo hộ, hỗ trợ công dân ở nước ngoài.
Tham gia chất vấn, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, có không ít trường hợp du học sinh, giảng viên các trường đại học trong nước được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài rồi không về nước, làm ảnh hưởng đến các đối tượng khác, đi học khó khăn.
"Vậy trách nhiệm của Đại sứ quán, Tổng lãnh sự như thế nào, có biện pháp gì can thiệp, trục xuất các đối tượng này về nước để lập lại kỷ cương?", ông Hòa nêu câu hỏi.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch Covid-19, giao lưu giữa Việt Nam với quốc tế tiến hành rất mạnh mẽ.
Năm 2022 chỉ có khoảng 3,8 triệu lượt công dân Việt Nam ra nước ngoài, trong khi con số này năm 2023 lên tới hơn 10 triệu lượt người. Như vậy, số lượng lao động, du học sinh của chúng ta quay trở lại các nước học tập, lao động tăng lên rất nhanh.
Về tình trạng xảy ra vi phạm pháp luật ở nước ngoài của lao động, du học sinh, Bộ trưởng Sơn cho rằng có ảnh hưởng đến hoạt động giao lưu, hợp tác với các nước khác.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng quy định, quy trình, quy chế để lao động chúng ta ra nước ngoài đảm bảo chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội và quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Du học sinh chúng ta ra nước ngoài rất đông, số ở lại đều có tâm tư, nguyện vọng về đất nước cống hiến, phục vụ, nhưng cũng băn khoăn, trong khi bên đó vẫn đang có các điều kiện để các em ở lại học tập, đóng góp.
"Vừa rồi, lãnh đạo cấp cao của chúng ta qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc kiều bào cũng có trả lời, nếu các cháu du học sinh cảm thấy việc ở lại có thể phát huy vai trò công việc của mình sau khi học xong ở nước sở tại thì rất tốt, vừa góp phần đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng quan trọng hơn là làm cầu nối hữu nghị giữa hai nước.
Đồng thời, tri thức của các bạn sẽ được trau dồi, thể hiện trên thực tế, sau này đóng góp tốt hơn", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.
Công tác bảo hộ công dân rất kịp thời
Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, Bộ đã triển khai các biện pháp gì để nhằm bảo hộ, bảo đảm an toàn cho công dân Việt Nam tại các địa bàn xảy ra xung đột trong thời gian vừa qua? Những khó khăn và giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua xung đột xảy ra rất nhiều nơi và khó lường. Tại xung đột ở Dải Gaza, chúng ta có khoảng 700 công dân ở Israel, với 500 người định cư lâu dài, 200 người sang học tập. Khi có sự cố, chúng ta đã phối hợp sơ tán ngay các gia đình về chỗ an toàn, mọi việc đều tốt.
Hoặc ở Nga - Ukraine, chúng ta có 7.000 công dân thì vừa qua, cả 7.000 công dân đã được sơ tán đến nơi an toàn, trong đó 2.000 người về Việt Nam. Công tác bảo hộ công dân làm rất kịp thời.
Không có việc nhẹ, lương cao
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu về thực trạng nhiều thanh thiếu niên, nhất là ở vùng sâu vùng xa bị lừa ra nước ngoài làm việc, bị cưỡng bức lao động.
Để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, ông Hùng đề nghị Bộ trưởng Ngoại giao giải thích rõ nguyên nhân, thực trạng và giải pháp trong thời gian tới.
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay thời gian gần đây có nhiều trường hợp "di cư bất hợp pháp ra nước ngoài" theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau. Khẩu hiệu chúng đưa ra để dụ dỗ công dân chủ yếu là "việc nhẹ lương cao".
Để hạn chế vấn đề này, vừa qua Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và nước ngoài để đề nghị, phối hợp đưa nhiều nhóm lao động bất hợp pháp ở nước ngoài về nước.
Ngoài việc ngăn chặn di cư bất hợp pháp, ông Sơn đề nghị tuyên truyền mạnh hơn nữa để thanh thiếu niên hiểu rằng "không có việc nhẹ lương cao".
Theo ông, tất cả những lời dụ dỗ toàn theo con đường vi phạm pháp luật.
Trả lời thêm sau đó, Bộ trưởng Ngoại giao cho biết, tình trạng dụ dỗ, lừa đảo, cưỡng bức lao động diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước.
Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
"Phải chặt đứt đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo thanh thiếu niên", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.
Bộ đã tiếp tục cảnh báo, thông tin cho các địa phương về công dân ra nước ngoài, nhất là trước lời mời làm việc dễ dàng, lương cao nhưng thực ra là làm ở các lĩnh vực bất hợp pháp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận