Xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không đủ nhân tài, rất khó phát triển đất nước

04/11/2022, 10:50

Bộ trưởng Thông tin và truyền thông (TT&TT) thừa nhận trách nhiệm chậm triển khai đấu giá tần số và hứa sẽ triển khai vào đầu năm 2023.

Đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam

Tại phiên chất vấn sáng 4/11, đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên) đặt câu hỏi giải pháp gì để thúc đẩy xây dựng nền tảng số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại Việt Nam và giải pháp để thu hút, giữ chân những nhân tài lập trình, quản trị khi họ luôn được các doanh nghiệp nước ngoài trả gấp 5 lần, 7 lần, thậm chí 10 lần.

img

Đại biểu Lý Văn Huấn (đoàn Thái Nguyên)

Trả lời, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, nền tảng số là giải pháp đột phá của chuyển đổi số Việt Nam. Nền tảng số trên không gian mạng cũng giống như hạ tầng trong thế giới thực.

Nếu như chúng ta không làm chủ các nền tảng số Việt Nam, người dân Việt Nam sinh sống, làm ăn, vui chơi, giải trí trên các nền tảng số nước ngoài bị thu thập dữ liệu thông tin cá nhân. Mà dữ liệu số thì được gọi là tài nguyên.

"Bộ TT&TT đặt trọng tâm phát triển các nền tảng. Năm 2022, đã xây dựng xong và hoạt động khai thác 52 nền tảng số Việt Nam. Tín hiệu đáng mừng là trong năm 2022, đã có hàng triệu người Việt Nam cài đặt các nền tảng số Việt Nam, chiếm 30% tổng số cài đặt của người Việt Nam và con số này đang tăng lên", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Về giải pháp tiếp theo, Bộ trưởng nêu rõ "có việc thì sẽ có người, có việc khó thì sẽ có người giỏi, có việc vĩ đại thì sẽ có người vĩ đại". Lý giải cho câu nói này, Bộ trưởng chia sẻ, người ở đây được hiểu là cả người và doanh nghiệp.

Hai năm qua, Bộ đã công bố các bài toán chuyển đổi số quốc gia ở cả mức Trung ương và các địa phương, cùng với việc có trang web để công bố các bài toán cần lời giải cũng như một trang web chuyên về các giải pháp số để giải các bài toán chuyển đổi số Việt Nam. Thông qua các trang web này, đã tìm kiếm các nhân tài và trao giải.

img

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Về vấn đề chảy máu chất xám nhân tài công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, rất nhiều quốc gia coi nhân tài là nguồn lực cơ bản quốc gia, là yếu tố quyết định trong việc làm chủ và ứng dụng khoa học công nghệ.

"Muốn thu hút nhân lực chất lượng cao cần có mức thu nhập tốt. Hiện nay, đã có doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao trả được mức lương tương đương doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề là các doanh nghiệp Việt Nam có tạo ra lợi nhuận cao không, giá trị gia tăng cao hay không để thu hút được nhân tài", Bộ trưởng Hùng nói.

Cho rằng bên cạnh yếu tố thị trường, Đảng, Nhà nước cũng cần có thêm chính sách thu hút nguồn nhân lực và làm nhiều hơn nữa để có đủ nhân tài cho phát triển khoa học công nghệ, Bộ trưởng TT&TT nhấn mạnh: "Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa, nếu không đủ nhân tài, đất nước rất khó phát triển".

Nhanh chóng thí điểm đại học số để sớm có nguồn nhân lực về công nghệ số

img

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ)

Cũng tham gia chất vấn, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho biết, trong báo cáo, Bộ TT&TT nhận định việc đào tạo nhân lực chuyên trách về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang thiếu hụt về số lượng và chất lượng. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?

Bên cạnh đó, việc chậm tổ chức đấu giá việc sử dụng tần số vô tuyến điện gây lãng phí lớn tài nguyên tần số, trách nhiệm của Bộ TT&TT về vấn đề này như thế nào?

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin bao gồm cả người lao động có 1,2 triệu người, trong đó nhân lực có trình độ từ cao đẳng trở lên là 550.000 người.

Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu đặt mục tiêu lượng người làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số là khoảng 5% dân số. Đặt tỷ lệ này ở Việt Nam sẽ là 5 triệu người.

"Nếu chúng ta kém hơn một chút cũng phải đạt 2-3 triệu người", Bộ trưởng TT&TT nói và cho biết mỗi năm cả nước đào tạo 60-70 nghìn người trong lĩnh vực này ở bậc đại học và cao đẳng.

Giải pháp được ông nêu ra là đại học số, bởi đào tạo theo phương pháp truyền thống đã đạt đến giới hạn do cơ sở vật chất các trường.

Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ GD&ĐT trong năm nay sẽ cấp 5 giấy phép về đại học số. Ông Hùng nhận định nếu nhanh chóng thí điểm đại học số, chúng ta sẽ sớm có được nguồn nhân lực về công nghệ số.

"Nguồn nhân lực công nghệ Việt Nam không chỉ phục vụ chuyển đổi số trong nước mà còn cho các nước khác. Hiện đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đã làm tốt, doanh thu hàng tỷ USD khi làm chuyển đổi số cho Mỹ, Nhật Bản", ông Hùng nói.

Đồng thời, ông cũng cho rằng ngoài đại học, cao đẳng, mỗi người Việt Nam cần trở thành người có kỹ năng về chuyển đổi số. Một giải pháp được nêu ra là xây dựng nền tảng đào tạo trực tuyến hướng đến nhiều đối tượng khác nhau.

Hiện một nền tảng với tên gọi One Touch đã được vận hành 6 tháng và có 10 triệu người sử dụng để học tập. Tại đây, cũng có phần dành riêng cho cán bộ, công chức có thể tự học, đánh giá và sẽ được cấp chứng chỉ.

Sẽ triển khai đấu giá tần số vào đầu năm 2023

Đối với câu hỏi chậm đấu giá tần số, Bộ trưởng TT&TT thừa nhận vấn đề này và cho biết, trước năm 2016, tần số cấp ra đủ nên các nhà mạng không có nhu cầu cấp thêm.

Sau 2016, bắt đầu xuất hiện nhu cầu, trong giai đoạn 2010 khi Luật Tần số viễn thông có hiệu lực, đến năm 2016 đã hoàn thiện thể chế quy định về đấu giá tần số, quy hoạch tần số nào đưa ra đấu giá.

Lúc này, Bộ TT&TT đã thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện. Tuy nhiên, sau đó các Luật mới như Luật tài sản công, Luật đấu giá có hiệu lực, trong đó có quy định quyết định cách thức đấu giá, xác định giá khởi điểm phải là Nghị định của Chính phủ, chứ không phải là Quyết định của Thủ tướng.

Bộ TT&TT muốn trong giai đoạn giao thời làm tiếp cách cũ, tuy nhiên sau khi tham khảo ý kiến các bộ ngành cho thấy thiếu cơ sở pháp lý nên dừng lại để xin phép Thủ tướng cho làm Nghị định, tháng 4/2020 đã làm Nghị định về đấu giá và đến cuối 2021 mới xong.

Theo Bộ trưởng, hiện nay đang sử dụng Nghị định 88 để thực hiện các tiến trình đấu giá tần số (cụ thể là đấu giá tần số cho 4G và sắp tới đấu giá tần số cho 5G).

Trong lúc chưa đấu giá tần số, Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng đưa tần số 2G sang làn 3G, đưa tần số 3G sang làn 4G, hiện nay tốc độ di động của Việt Nam đứng thứ 52.

Bộ trưởng TT&TT nhận trách nhiệm trong việc triển khai chậm đấu giá tần số và hứa với Quốc hội, Nghị định đã có, đầy đủ điều kiện pháp lý sẽ thực hiện đấu giá vào đầu năm 2023.

img

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên)

Còn 300 điểm vùng lõm sóng di động

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) về chương trình "Máy tính cho em" với gói hỗ trợ 6.000 tỷ đồng và hiện còn rất nhiều vùng lõm không có sóng viễn thông hoặc sóng rất yếu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chương trình 1 triệu "Máy tính cho em" được triển khai với 600.000 máy tính được huy động từ nguồn lực xã hội hóa, trong đó 500.000 máy tính đã được chuyển đến cho các em, còn 100.000 nữa đang thực hiện.

Ngoài ra, 400.000 máy tính còn lại từ nguồn ngân sách của quỹ viễn thông công ích. Bộ TT&TT đang làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo để quyết định thời điểm cho số máy tính này.

Về sóng vùng lõm, ông Hùng cho biết khi dịch Covid-19 xuất hiện và học sinh phải học trực tuyến mới bắt đầu thực hiện khảo sát xem còn bao nhiêu vùng lõm, chưa có 3G và 4G.

Theo báo cáo hiện còn 2.500 thôn bản chưa đáp ứng được hạ tầng này, trong đó 2.200 điểm đã được cải thiện và 300 điểm chưa xong, trong đó có 200 điểm chưa có điện và những điểm còn lại do ít người dân sinh sống.

"Bộ TT&TT đặt kế hoạch đến hết năm nay hoặc đến quý 1/2023 sẽ giải quyết xong tình trạng này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và lưu ý, để phát hiện những điểm lõm về sóng phải do chính quyền địa phương báo cáo về Bộ để từ đó, Bộ tổng hợp và chỉ đạo thực hiện. Và hiện nay, đã có Quỹ để phủ sóng vùng lõm này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.