5 nguyên nhân ngập úng đô thị từ núi cao tới ven biển
Chiều 3/11, Quốc hội bắt đầu chất vấn với nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực xây dựng, người trả lời là Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị ngồi "ghế nóng" trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị
Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) về thực trạng ngập úng ở đô thị đang diễn ra ở khắp nơi từ núi cao như Lào Cai, Đà Lạt tới ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng… hay ở giữa như Hà Nội; tình trạng ùn tắc giao thông do mật độ xây dựng quá cao, không đảm bảo hạ tầng giao thông với mật độ dân cư, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị xác nhận, tình trạng ngập úng ở các đô thị chưa được giải quyết cơ bản làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Bộ trưởng Xây dựng chỉ ra 5 nguyên nhân của sự tồn tại trên. Đó là, do tác động của biến đổi khí hậu; Đô thị hóa diễn ra nhanh, lấp hồ ao kênh rạch, diện tích bê tông hóa tăng dẫn đến tiêu nước tự nhiên giảm xuống; Công tác quy hoạch chưa đáp ứng tầm nhìn; Các dự án triển khai theo quy hoạch thoát nước được phê duyệt còn hạn chế; Nguồn lực đầu tư để đảm bảo đáp ứng hạ tầng giao thông và thoát nước còn hạn chế.
Ông Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian tới, với trách nhiệm quản lý nhà nước của mình thì Bộ Xây dựng sẽ tập trung nâng cao chất lượng quy hoạch, rà soát quy hoạch, quy hoạch phải tính đến vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng kết hợp với quy hoạch thủy lợi vùng lân cận để hoàn thiện quy hoạch.
Ngoài ra, sẽ xác định cao nền để khống chế toàn đô thị, quản lý công tác quy hoạch, cấp phép cao nền đô thị và tập trung nguồn lực xây dựng đồng bộ công trình thoát nước theo quy hoạch.
Các trụ sở bộ, ngành chậm di dời ra khỏi nội đô vì sao?
Trả lời đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) về tiến độ di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô Hà Nội, Bộ trưởng Nghị thừa nhận việc chậm di dời các trụ sở bộ, ngành ra khỏi nội đô và cho biết nguyên nhân là do các cơ quan chưa quyết liệt; chậm xây dựng các đề án di dời; nguồn ngân sách bố trí cho di dời, xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế.
Đại biểu Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc)
Về trách nhiệm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ xây dựng chịu trách nhiệm chung về giám sát, đôn đốc. Công tác này chưa thực sự hiệu quả trong thời gian qua. Ngoài ra, các cơ quan chịu trách nhiệm cụ thể thì chưa quyết liệt.
Về giải pháp, ông Nguyễn Thanh Nghị đề nghị bộ, ngành và TP Hà Nội tích cực lập quy hoạch ngành quốc gia; danh mục cơ sở cần di dời, lộ trình di dời; đồng thời có cơ chế chính sách và ngân sách phục vụ di dời theo đúng lộ trình Thủ tướng Chính phủ giao.
Các Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Lao động - thương binh và xã hội khẩn trương hoàn thiện các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô trình Thủ tướng phê duyệt, lập danh mục, xây dựng biện pháp, lộ trình di dời cũng như sử dụng quỹ đất sau di dời.
Bộ Tài chính tăng cường phối hợp với các bộ, ngành và TP. Hà Nội và các tỉnh trong vùng Thủ đô xây dựng cơ chế, chính sách di dời, đảm bảo mục tiêu theo Quyết định 130.
TP. Hà Nội khẩn trương triển khai rà soát, lập nhiệm vụ đồ án điều chỉnh quy hoạch chung được Thủ tướng chấp nhận, lập quy hoạch phân khu đô thị, xác định quỹ đất phù hợp, hiệu quả về kiến trúc cảnh quan, đô thị.
Giải pháp cuối cùng là quan tâm nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ di dời.
Điều chỉnh quy hoạch đô thị còn nhiều bất cập
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam)
Đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) thông tin, tại báo cáo ngày 28/10, Bộ Xây dựng chỉ ra hạn chế việc điều chỉnh quy hoạch đô thị bao gồm cả cục bộ và tổng thể còn tùy tiện, không tuân thủ pháp luật và yêu cầu của xây dựng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Xây dựng cho biết nguyên nhân và trách nhiệm của việc này.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, việc điều chỉnh quy hoạch đô thị gồm hai cấp độ là điều chỉnh tổng thể và cục bộ. Điều chỉnh này theo quy định là yêu cầu khách quan và tất yếu nhằm điều chỉnh những định hướng không còn phù hợp thực tiễn.
Tuy nhiên, thời gian qua, công tác điều chỉnh quy hoạch đô thị còn bất cập, như tùy tiện, không tuân thủ pháp luật do công tác rà soát, đánh giá quy hoạch chưa kịp thời. Theo quy định, các cơ quan có trách nhiệm rà soát quy hoạch chung, phân khu sau 5 năm từ thời điểm phê duyệt để khắc phục bất cập không còn khả thi.
Tuy nhiên, trong quá trình rà soát, nội dung đánh giá chưa đầy đủ, thấu đáo nên phải điều chỉnh nhiều lần. Việc lấy ý kiến người dân còn nặng tính hình thức. Có nơi điều chỉnh quy hoạch do muốn thu hút đầu tư. Công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
"Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan lập, thẩm định quy hoạch và cơ quan được giao rà soát đánh giá quy hoạch. Bộ Xây dựng có trách nhiệm về việc thiếu đôn đốc, kiểm tra, thanh tra để hướng dẫn, xử lý vi phạm; chưa kịp thời rà soát bổ sung quy định về điều chỉnh quy hoạch đảm bảo chặt chẽ đúng quy định", Bộ trưởng Nghị nói.
Thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn và hoàn thiện quá trình lập quy hoạch, quy trình điều trình cục bộ quy hoạch. Trong đó, thành phần, trách nhiệm của hội đồng thẩm định được quy định rõ hơn. Việc kiểm, thanh tra điều chỉnh quy hoạch ở địa phương được đẩy mạnh.
Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu cho biết, trong những năm qua và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV đến nay, Bộ Xây dựng đã luôn nỗ lực, cố gắng và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được phân công theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và an sinh xã hội của đất nước.
Ông nhận thức rõ trách nhiệm của mình về những hạn chế tồn tại của ngành. "Chúng tôi đã, đang thực hiện kế hoạch để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước nhằm sớm khắc phục các hạn chế tồn tại của ngành, bộ", ông nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận