Đảm bảo an toàn hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng nhận định trong năm 2023, VATM đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới và trong nước có nhiều biến động.
Hoạt động bay nội địa tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, nhiều chuyến bay quốc tế được khai thác trở lại. Tổng sản lượng vận tải hành khách hàng không năm 2023 đạt khoảng 74 triệu hành khách, tăng 34,5% so với năm 2022 (vận chuyển khách quốc tế, tăng 70% và vận chuyển khách nội địa tăng 12% so với thời điểm năm 2019).
Trong bối cảnh đó, VATM đã hoàn thành trách nhiệm cung cấp dịch vụ đảm bảo hoạt động bay theo chuẩn mực quốc tế, tuân thủ nghĩa vụ và trách nhiệm của quốc gia thành viên ICAO. Điều này mang ý nghĩa to lớn về chính trị và kinh tế, góp phần cùng các đơn vị quân đội bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Đánh giá năm 2023, dù các đơn vị quân đội thực hiện nhiều hoạt động bay quân sự, nhiều tàu bay lạ xuất hiện trong cả hai vùng thông báo bay, điều kiện thời tiết không thuận lợi làm tăng khối lượng công việc và tính chất phức tạp của công tác đảm bảo điều hành bay, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng VATM đã đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm, duy trì đảm bảo các dịch vụ cung cấp bảo đảm hoạt động bay được liên tục, ổn định, đặc biệt là công tác điều hành bay trên trục Hà Nội – TP.HCM – một trong 4 tuyến bay nội địa có mật độ bay đông nhất trên thế giới.
Doanh nghiệp cũng cố gắng trong quản trị điều hành, hướng đến xây dựng cơ cấu tổ chức và bộ máy hiệu quả. VATM đảm bảo tuân thủ các quy định của ICAO và nhà chức trách hàng không Việt Nam trong việc bố trí nhân viên trong dây chuyền cung cấp dịch vụ điều hành bay trong vùng trời trách nhiệm và tại các cảng hàng không, sân bay trên cả nước, nhất là với các sân bay có hoạt động bay thấp nhưng được sử dụng làm sân bay dự bị.
Trong việc cung cấp dịch vụ điều hành bay đảm bảo an toàn, không để xảy ra sự cố nghiêm trọng và tai nạn do yếu tố con người.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng còn những tồn tại, hạn chế mà VATM cần tập trung giải quyết như: Một số dự án còn dang dở, chưa giải quyết dứt điểm; Công tác đầu tư xây dựng có nhiều nỗ lực nhưng hiệu quả chưa cao, tiến độ thực hiện một số dự án trọng điểm còn chậm so với kế hoạch được duyệt; Giải ngân chưa đạt kế hoạch; Công tác quản lý tài sản, đất đai đã triển khai nhưng còn một số tồn tại.
Dự báo nhu cầu vận tải hàng không năm 2024 sẽ tiếp tục phục hồi và với phương châm "Năm sau làm tốt hơn năm trước, sản lượng năm sau cao hơn sản lượng năm trước", Bộ trưởng đề nghị VATM thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tiếp tục duy trì sự ổn định, tăng cường đoàn kết, thống nhất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong công tác cung cấp dịch vụ, phối hợp cùng lực lượng phòng không, không quân tham gia bảo vệ vùng trời, chủ quyền biển đảo việc bảo đảm điều hành an toàn các chuyến bay chuyên cơ.
"Quan trọng nhất là đảm bảo an toàn bay, sẵn sàng ứng phó và giải quyết tốt nhất những tình huống phát sinh", bộ trưởng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu doanh nghiệp hoàn thiện rà soát hệ thống trang thiết bị và xây dựng kế hoạch ưu tiên tập trung đầu tư cho các dự án về trang thiết bị. Các trang thiết bị phải hiện đại nhất có thể, có tính bảo mật cao.
Cạnh đó, doanh nghiệp phải quản lý và điều hành tốt Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024 và quản lý sử dụng hiệu quả vốn và tài sản của Nhà nước; Phải có nhiều giải pháp cụ thể để bảo đảm tiến độ các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án quan trọng của ngành hàng không.
Đối với dự án thành phần 2 dự án đầu tư xây dựng Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, bộ trưởng yêu cầu VATM tập trung rà soát tiến độ các hạng mục, khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu thi công lắp đặt phần thiết bị và thi công các hạng mục đảm bảo chất lượng, tiến độ, phối hợp chặt chẽ với ACV để kết nối đồng bộ cả về xây dựng và công nghệ thiết bị.
Với Dự án Trung tâm kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh, đánh giá đây là công trình quan trọng, cấp bách, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị doanh nghiệp tập trung giải quyết các vướng mắc để triển khai xây dựng.
VATM cũng cần khẩn trương đôn đốc các nhà thầu sớm hoàn thiện Đài kiểm soát không lưu (KSKL) tại sân bay Điện Biên vào dịp kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng (3/2/2024) và chuyển đổi khai thác từ Đài KSKL hiện hữu sang Đài KSKL mới trong quý I/2024.
Một số dự án, gói thầu chưa đáp ứng về tiến độ phải tập trung, quyết liệt triển khai, tháo gỡ các vướng mắc, bổ sung nhân lực có năng lực, kịp thời báo cáo, kiến nghị đối với các nội dung vượt thẩm quyền.
Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay VN Lê Hoàng Minh khẳng định, VATM sẽ nhận diện thẳng thắn và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian sớm nhất có thể, nhất là trong việc đảm bảo an toàn bay, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phục vụ cho việc bảo vệ quốc phòng, an ninh, bảo vệ vùng trời Tổ quốc và thực hiện các nhiệm vụ khác, để hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.
Điều hành hơn 750 nghìn chuyến bay trong năm 2023
Trước đó, phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Công Long, Quyền Tổng giám đốc Tổng công ty Quản lý bay VN cho biết trong năm 2023, VATM đã thực hiện tốt công tác phối hợp, hiệp đồng, thông báo, điều hành bay, bảo đảm an toàn cho các chuyến bay đi/đến và bay qua vùng trời trách nhiệm.
Doanh nghiệp đã triển khai kịp thời, chính xác 10.526 phép bay đột xuất tới các cơ quan và cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu; Điều hành 310 lần chuyến bay chuyên cơ trong nước và quốc tế, 107 chuyến bay cứu thương
Công tác không lưu, thông báo tin tức hàng không, khí tượng được VATM thực hiện hiệu quả. Các đường hàng không, phương thức bay dần được tối ưu hóa, đáp ứng yêu cầu của các hãng hàng không và các cơ sở điều hành bay, góp phần tiết kiệm kinh phí cho hãng hàng không, giảm khối lượng công việc cho lực lượng kiểm soát viên không lưu.
Doanh nghiệp cũng áp dụng nhiều giải pháp tăng năng lực điều hành bay, góp phần giảm thời gian bay chờ của tàu bay, đặc biệt là trong các vùng trời có mật độ hoạt động bay cao.
"Điều này nâng cao năng lực tiếp thu tàu bay, đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của người dân vào các dịp cao điểm như tết Nguyên đán, cao điểm hè, dịp lễ Quốc khánh, góp phần hoàn thành mục tiêu chung của ngành GTVT, đem lại các lợi ích thiết thực về khai thác và kinh tế cho các hãng hàng không và hành khách", ông Long cho hay.
VATM đã hoàn thành các điều kiện bảo đảm khai thác trở lại Đài KSKL Điện Biên sau cải tạo, nâng cấp với các thông số kỹ thuật và phương thức khai thác mới.
Trong quản lý luồng không lưu, doanh nghiệp đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Kế hoạch thử nghiệm phối hợp ra quyết định tại sân bay (ACDM) tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất và Nội Bài, áp dụng quy trình phối hợp điều tiết luồng không lưu trong điều kiện thời tiết bất lợi để hạn chế tình trạng bay chờ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.
"VATM đã triển khai thử nghiệm khai thác công tác quản lý luồng không lưu (ATFM) cho các sân bay của Việt Nam. Đây là bước quan trọng để chuẩn bị áp dụng ATFM đa điểm nút mức 3 tại các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất", lãnh đạo VATM thông tin.
Các nhiệm vụ cung cấp dịch vụ thông báo tin tức hàng không, công tác khí tượng hàng không, bảo đảm an toàn, an ninh và tìm kiếm cứu nạn đều đạt được kết quả tích cực.
Kết quả hoạt động kinh doanh, trong năm 2023, sản lượng điều hành bay ước đạt hơn 750 nghìn chuyến, bằng 114,55% so với kế hoạch năm 2023. Tổng doanh thu ước đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng 38,5% so với thực hiện năm 2022. Lợi nhuận trước thuế tăng hơn 154% so với năm 2023, ước đạt hơn 1.100 tỷ đồng.
Năm 2024, VATM đặt mục tiêu có tổng sản lượng điều hành bay đạt gần 790 nghìn chuyến, tổng doanh thu đạt 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.108 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận