Lựa chọn cán bộ có tài, có đức
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 và Hội nghị cán bộ công chức của Thanh tra Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết trong năm 2023, Thanh tra Bộ đã đạt được kết quả toàn diện trên các mặt.
Ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Thanh tra Bộ và lực lượng thanh tra ngành GTVT đã đạt được, bộ trưởng nhận định trong quá trình triển khai, thực hiện chức năng nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, lực lượng thanh tra Bộ GTVT đã có nhiều nội dung đổi mới quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm.
Thanh tra Bộ GTVT phát hiện nhiều vi phạm trong tổ chức triển khai thực hiện, đặc biệt là công tác đào tạo sát hạch, cấp GPLX tại 63 tỉnh, thành. Những sơ hở, bất cập trong các chính sách đã được thanh tra Bộ kiến nghị, tham mưu cho lãnh đạo Bộ điều chỉnh kịp thời.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng đánh giá công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo được thanh tra thực hiện hiệu quả, chuẩn chỉ, qua đó nhận diện kịp thời những nội dung có dấu hiệu vi phạm để chuyển sang cơ quan điều tra.
Đặc biệt, công tác phòng chống tham nhũng đã được tham mưu đầy đủ, quyết liệt để Bộ GTVT ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời.
"Thanh tra Bộ đã tham mưu để tăng cường phòng ngừa kết hợp tuyên truyền, quán triệt, tạo thay đổi tích cực trong nhận thức của các đơn vị, cán bộ, công viên chức", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói và cho rằng, lực lượng thanh tra đã làm tốt vai trò cơ quan đầu mối trong tiếp đón, làm việc với các đoàn thanh, kiểm tra các cấp ngành, làm tốt vai trò là cơ quan đôn đốc các cơ quan trong Bộ triển khai nhiệm vụ, khắc phục những tồn tại hạn chế sau kiểm tra.
Bên cạnh những thành tích đạt được, bộ trưởng cho rằng còn những tồn tại cần khắc phục. Theo người đứng đầu ngành GTVT, nhận thức pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của một số thủ trưởng, cán bộ công viên chức tại một số đơn vị còn hạn chế.
Do đó, cần tích cực cảnh tỉnh và trong công tác lựa chọn cán bộ, cần chọn những người có tâm, có tầm, tinh thông và có đạo đức.
Trong năm 2024, đánh giá bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới còn nhiều biến động phức tạp khó lường, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc phát triển kết cấu hạ tầng vẫn là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy đầu tư công, tác động đến liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Khối lượng công việc rất nhiều và dễ xảy ra những sai sót vi phạm nên công tác thanh, kiểm tra càng cần sát sao. Khi đẩy mạnh phân cấp phân quyền, việc tăng cường thanh, kiểm tra giám sát cũng cần đặc biệt quan tâm.
Từ đây, bộ trưởng đề nghị lực lượng thanh tra cần quán triệt tinh thần để chỉ đạo triển khai thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao, triển khai kịp thời kế hoạch thanh, kiểm tra năm 2024 đã ban hành.
Cùng đó, chủ động nhận diện để xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2025 và những năm sau, nắm bắt thông tin dư luận để tham mưu cho bộ thanh, kiểm tra đột xuất những lĩnh vực nhạy cảm, những đơn vị có tiềm ẩn sai phạm.
"Xác định không có vùng cấm, không có ngoại lệ, tập trung vào những vấn đề nóng và phân định rõ ràng phạm vi thanh kiểm tra, không để khoảng trống hay chồng lấn", tư lệnh ngành GTVT nhấn mạnh và yêu cầu việc thanh, kiểm tra phải đồng bộ các lĩnh vực.
Quá trình kiểm tra cần phát hiện nhiều nhất những lỗ hổng, các vấn đề chưa đúng, chưa phù hợp, các vấn đề mà cơ chế chính sách chưa phù hợp để kịp thời chấn chỉnh, xử lý, khắc phục. Phân cấp phân quyền cho các cơ quan có chức năng thanh, kiểm tra mạnh mẽ, quyết liệt.
Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT, Chánh Thanh tra Bộ GTVT Lâm Văn Hoàng khẳng định thời gian tới, lực lượng thanh tra sẽ nỗ lực khắc phục những tồn tại hạn chế, tiếp tục đoàn kết phấn đấu, bảo đảm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Phát huy sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống thanh tra ngành GTVT
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Chánh Thanh tra Lâm Văn Hoàng cho biết năm 2023, Thanh tra Bộ đã chỉ đạo tăng cường thanh tra, mở các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Kiểm soát tải trọng phương tiện; Hoạt động đào tạo, sát hạch, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn, hoạt động đăng kiểm phương tiện trong lĩnh vực đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải... phát huy sức mạnh, sự vào cuộc của cả hệ thống thanh tra ngành GTVT.
"Năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm, gắn với yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực", ông Hoàng khẳng định.
Thanh tra Bộ đã đề xuất, tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT triển khai nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất, chuyên đề, diện rộng toàn quốc như AIC, Damco, thu phí không dừng, điều phối giờ cất/hạ cánh, đăng kiểm phương tiện thủy, quản lý đào tạo, sát hạch lái xe, quản lý hoạt động vận tải đường bộ, một số dự án, công trình trọng điểm (dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021-2025...) thông qua nhận diện thông tin dư luận xã hội, qua hoạt động quản lý Nhà nước và đánh giá tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực.
Cụ thể, với lĩnh vực đầu tư xây dựng công trình trọng điểm, tham mưu Bộ GTVT triển khai các đoàn thanh tra chuyên đề công tác quản lý chất lượng công trình đối với một số dự án xây dựng tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông.
Với công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, nhận diện đây là lĩnh vực tiềm ẩn có nguy cơ cao tham nhũng, tiêu cực, Bộ GTVT thành lập 3 đoàn kiểm tra công tác quản lý của 63 sở GTVT trên toàn quốc.
Đồng thời, chỉ đạo Cục Đường bộ VN và các sở GTVT thanh tra, kiểm tra tất cả các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe thuộc phạm vi quản lý.
Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Các sở GTVT đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính 196 đơn vị. Trong đó, đình chỉ hoạt động có thời hạn với 100 đơn vị. Bộ GTVT và các sở GTVT đã chuyển thông tin vi phạm của 10 cơ sở đào tạo đến cơ quan công an để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Thanh tra Bộ đã chủ trì, phối hợp tham mưu Bộ trưởng ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu các sở GTVT kiểm tra khắc phục ngay các tồn tại, tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động vận tải.
Ở lĩnh vực đăng kiểm phương tiện thủy, Thanh tra Bộ cũng kiến nghị xử lý nhiều vi phạm (rà soát, thu hồi 15 Giấy chứng nhận ATKT&BVMT đã cấp; Thu hồi văn bản xác nhận, thông báo năng lực của 2 đơn vị đăng kiểm; Yêu cầu 1 đơn vị đăng kiểm dừng hoạt động; Đình chỉ hoạt động hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng kiểm viên với 16 đăng kiểm viên thuộc 11 đơn vị đăng kiểm).
Trong công tác đào tạo, cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa, lực lượng thanh tra đã xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở đào tạo, huấn luyện (3 hàng hải, 2 đường thủy nội địa) với tổng số tiền phạt là 215 triệu đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn 4,5 tháng với mỗi cơ sở đào tạo, huấn luyện.
Cùng đó, kiến nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ, TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính 3 cơ sở đào tạo, huấn luyện trong lĩnh vực đường thủy nội địa theo thẩm quyền.
Trong quản lý, điều phối giờ hạ, cất cánh tại một số cảng hàng không, sân bay (slot), năm qua, Cục Hàng không VN được yêu cầu rà soát, tham mưu sửa đổi quy định về slot, cũng như rà soát lại công tác điều phối slot để kịp thời nhận diện những khâu tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tiêu cực và cải tiến phần mềm hỗ trợ việc điều phối slot để công khai, minh bạch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận