Tinh giản bộ máy, trả lương theo hiệu quả công việc
Chiều nay (3/9), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi làm việc với Ban QLDA 2 về tình hình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch năm 2019 của đơn vị.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của Ban QLDA 2 trong sự nghiệp phát triển ngành GTVT. Theo Bộ trưởng, đây là ban quản lý dự án có truyền thống, bề dày lịch sử, đã thực hiện quản lý nhiều công trình giao thông lớn trong cả nước.
“Trong quá trình hình thành và phát triển, dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, biến động về tổ chức, nhưng đến nay, Ban QLDA 2 vẫn thể hiện được tinh thần vượt khó, nội bộ đoàn kết, thực hiện tốt công tác chuyên môn từ việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến quyết toán các dự án hoàn thành, đặc biệt là những công trình giao thông sử dụng vốn ODA”, Bộ trưởng đánh giá.
Nhận định Ban QLDA 2 là một trong những ban đang gặp nhiều khó khăn nhất của Bộ GTVT hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu nội bộ đơn vị cần tiếp tục đoàn kết thống nhất, quyết tâm vượt qua khó khăn và xây dựng chiến lược để Ban QLDA 2 phát triển bền vững trong thời gian tới.
“Không chỉ riêng Ban QLDA 2, sắp tới, tất cả các ban quản lý dự án khác cần phải có báo cáo cụ thể về toàn bộ các vấn đề đang còn khó khăn, vướng mắc từ cơ chế tiền lương, tổ chức cán bộ đến quyết toán công trình,… để Vụ Kế hoạch - Đầu tư và Cục QLXD&CLCTGT tổng hợp báo cáo Bộ GTVT xem xét, tháo gỡ”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Đề cập đến giải pháp trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, Ban QLDA 2 cần xem xét lại vấn đề trả lương cho cán bộ viên chức và nguồn trả lương phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật. “Ban cần nghiên cứu để có giải pháp tiếp tục tinh giản biên chế, bộ máy tổ chức, nên duy trì khoảng 60 - 80 người để sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, khi nào có thêm việc sẽ tuyển thêm".
"Cơ chế trả lương cần căn cứ theo hiệu quả công việc, người làm tốt, làm nhiều được hưởng nhiều, ai làm ít hưởng ít, không nên trả theo chế độ bình quân như hiện nay”, Bộ trưởng gợi ý và yêu cầu Ban QLDA 2 tiếp tục tập trung cho công tác quyết toán các dự án hoàn thành. Đồng thời, phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan chức năng để bố trí vốn kịp thời, kết thúc sớm đối với các dự án đang dang dở.
“Đối với dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn triển khai theo hình thức PPP, phần vốn góp của Nhà nước đã được giao đủ kế hoạch, Ban QLDA 2 cần bám sát địa phương để tập trung giải ngân phần vốn chi trả đền bù giải phóng mặt bằng, việc này phải được đặc biệt chú trọng. Đồng thời, đơn vị cần xem xét, rà soát lại phần vốn đăng ký kế hoạch giải ngân trong năm 2020 cho công tác xây lắp của dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn”, Bộ trưởng lưu ý.
Liên quan đến 3 dự án giao thông sử dụng vốn ODA do Ban QLDA 2 đang chuẩn bị thực hiện gồm: Dự án QL19 (vốn vay WB), dự án kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc (vốn vay ADB), dự án cầu yếu (vốn vay EDCF), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Ban QLDA 2 bám sát các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ triển khai, sớm khởi động các dự án.
Cuối cùng, người đứng đầu ngành GTVT chỉ đạo Ban QLDA 2 chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ của các dự án đã lập đề xuất dự án nhưng chưa được bố trí nguồn vốn để Vụ KH-ĐT tổng hợp, đưa vào danh mục kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ GTVT. Đồng thời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng yêu cầu Ban QLDA 2 tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, quản lý dự án phải đảm bảo chất lượng tốt, tiến độ kịp thời và kết quả giải ngân cao.
Nguồn thu không đảm bảo kinh phí chi thường xuyên
Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban QLDA 2 cho biết, về công tác giải ngân, năm 2019, Ban QLDA2 được giao kế hoạch 1.117 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2019, Ban QLDA 2 đã giải ngân được 739,8 tỷ đồng, đạt 66% kế hoạch giao. Theo dự kiến của Ban QLDA 2, hết năm 2019 dự kiến giải ngân 1.075 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch giao.
Theo ông Sơn, giai đoạn vừa qua, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn về nguồn công việc, khi không có một dự án mới nào được giao triển khai. Trong khi, 3 dự án sử dụng vốn vay ODA gồm: Dự án QL19 (vốn vay WB), dự án kết nối các tỉnh miền núi phía Bắc (vốn vay ADB), dự án cầu yếu (vốn vay EDCF) cũng chưa thể triển khai trong thời gian qua do các dự án này mới được Quốc hội thông qua danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 vào tháng 11/2018.
Đồng thời, một số dự án Ban QLDA 2 đang triển khai nhưng do yêu cầu nhiệm vụ nên Thủ tướng Chính phủ chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền như cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chuyển cho UBND tỉnh Lạng Sơn, dự án cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Mộc Bài dự kiến chuyển UBND TP.Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, một số công trình sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ có thể triển khai được ngay như các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nhưng Ban QLDA 2 chỉ được giao thực hiện một dự án đoạn QL45 - Nghi Sơn.
“Sau 3 lần sáp nhập và hợp nhất vào các năm 2008, 2013 và năm 2017, số lượng cán bộ viên chức hiện tại lớn hơn rất nhiều công việc của Ban được Bộ GTVT giao. Vì vậy, nguồn thu của Ban không đảm bảo kinh phí chi thường xuyên”, ông Sơn chia sẻ.
Trước những khó khăn của đơn vị, ông Sơn kiến nghị Bộ GTVT giao Ban QLDA 2 các dự án mới để đảm bảo ổn định việc làm và đủ chi phí cho hoạt động của Ban trong những năm tiếp theo gồm các dự án Bộ GTVT đã giao Ban QLDA 2 lập đề xuất dự án nhưng chưa bố trí được nguồn, dự án cao tốc Bắc - Nam (giai đoạn 2) và các dự án lĩnh vực đường sắt, hàng không.
Giám đốc Ban QLDA 2 cũng kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Chính phủ giao kế hoạch bổ sung vốn trung hạn 2016 - 2020 và ghi vốn 2020 cho các dự án của đơn vị đang thực hiện. Trước tiên là dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên, kế hoạch vốn trung hạn vốn nước ngoài đã được giao 715 tỷ đồng, còn vốn đối ứng chưa được giao.
“Kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao vốn đối ứng hơn 31 tỷ đồng chi phí quản lý dự án và gần 12 tỷ đồng trả nợ công tác chuẩn bị đầu tư”, ông Sơn nói và đề xuất, Bộ GTVT trình Chính phủ bổ sung vốn đối ứng hơn 64 tỷ đồng để chi trả GPMB và chi phí QLDA, chi phí tư vấn đối với dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Còn lại, dự án QL3 mới đoạn Hà Nội - Thái Nguyên đã hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2015, chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí hơn 502 tỷ đồng vốn đối ứng để chi trả nợ khối lượng hoàn thành của các gói thầu xây lắp theo Nghị quyết 84 ngày 14/6/2019 của Quốc hội”, ông Sơn nói và kiến nghị Bộ GTVT chủ trì làm việc với các ban QLDA, có ý kiến với Bộ Xây dựng để điều chỉnh tỷ lệ trích chi phí quản lý dự án phù hợp với tính chất công việc của công tác quản lý công trình giao thông theo hình thức PPP.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận