Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp |
TNGT và xe quá tải vẫn nóng
Gợi ý những vấn đề nổi cộm cần tập trung làm rõ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, thời gian qua, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, số vụ và số người bị thương giảm nhiều nhưng số người chết lại chỉ giảm có 0,43%, quá thấp so với chỉ tiêu. “Đường sắt liên tiếp xảy ra tai nạn, đường bộ xe quá tải vẫn phức tạp, xe dù, bến cóc tiếp tục hoành hành. Tôi nghe nói vẫn có tình trạng thuê thùng xe đi đăng kiểm, việc này có hay không? Nếu có, đăng kiểm có biết không? Xe quá khổ, quá tải vẫn đang phá đường, chẳng lẽ mình “bó tay”?
Trước những câu hỏi của Bộ trưởng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, ngoài việc liên tục xảy ra những vụ tai nạn nghiêm trọng trong lĩnh vực đường sắt khiến Bộ trưởng phải triệu tập gấp cuộc họp riêng để đưa ra những giải pháp cấp bách, TNGT đường bộ đang có diễn tiến xấu. “Chỉ tính riêng đầu tháng 5 đến nay đã có 9 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra như vụ tại Hà Tĩnh giữa xe khách và xe rơ-moóc khiến 2 người chết và 7 người bị thương; Vụ ô tô đâm vào mô tô đi ngược chiều lại Lai Châu làm 2 người tử vong tại chỗ. Hay vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng tại Khánh Hòa khi xe chở cán bộ hưu trí bị lật khiến 2 người chết, 5 người bị thương nặng, 16 người bị thương nhẹ”, ông Hùng thông tin.
Trước đó, báo cáo Bộ trưởng, Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch cho biết: 5 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra hơn 7.400 vụ TNGT, làm chết hơn 3.400 người, bị thương hơn 5.700 người. So với 5 tháng đầu năm 2017, số vụ TNGT giảm 534 vụ (giảm 6,66%), số người chết giảm 15 người (giảm 0,43%), số người bị thương giảm 825 người (giảm 12,52%).
Riêng trong tháng 5, toàn quốc xảy ra 1.470 vụ, làm chết 688 người, bị thương 1.126 người. So với tháng cùng kỳ năm 2017 giảm 185 vụ (giảm 11,18%), giảm 8 người chết (giảm 1,15%), giảm 342 người bị thương (giảm 23,30%).
Tái diễn hiện tượng cơi nới thành thùng xe
Liên quan đến những giải pháp giảm thiểu TNGT, ông Khuất Việt Hùng cho biết, riêng với đường sắt, Bộ trưởng đã có buổi họp riêng và chỉ đạo cụ thể. Về đường bộ, ông Hùng đề nghị Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia lập ngay Đoàn kiểm tra liên ngành về việc thực hiện các quy định pháp luật về ATGT đối với phương tiện kinh doanh vận tải, bao gồm những vấn đề liên quan đến xe dù, bến cóc, chế độ lao động với lái xe... “Đoàn liên ngành hạn chế kiểm tra trực tiếp ở DN vận tải mà kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật ở các Sở GTVT”, ông Hùng cho hay.
Một thông tin đáng chú ý được ông Hùng đề xuất với Bộ GTVT là thành lập Tổ soạn thảo quy chế báo cáo và đánh giá kết quả ATGT. “Chúng ta cần cập nhật cách thức báo cáo số liệu và đánh giá kết quả theo thông lệ quốc tế. Hiện nay, chúng ta lấy theo số tuyệt đối về số vụ, số người chết và số người bị thương, trong khi ở các nước lấy số liệu theo dân cư, số phương tiện. Làm như vậy, đánh giá với địa phương sẽ khách quan hơn, phản ánh đúng hơn mức độ phức tạp về tình hình ATGT”, ông Hùng kiến nghị.
Liên quan đến vấn đề kiểm soát xe quá tải, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Nguyễn Văn Huyện cho biết, đang tái diễn hiện tượng cơi nới kích thước thùng. Ông Huyện đề xuất khi lực lượng thực thi công vụ quay được hình ảnh bằng camera về xe quá tải cơi nới thành thùng sẽ gửi thông tin hình ảnh cho Cục Đăng kiểm VN để yêu cầu xử lý khi xe này đến đăng kiểm. “Làm triệt để về kích thước thùng hàng xe quá tải sẽ giảm”, ông Huyện nói và cho biết, xe quá tải đang tồn tại không quá 10%, những xe này chủ yếu hoạt động tại các mỏ vật liệu ở các địa phương, còn xe đường dài cơ bản chấp hành tốt.
Về việc kiểm soát thùng xe, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình cho hay, khi xe đến đăng kiểm, hình ảnh thùng xe được chụp ở 2 góc độ khác nhau và in trên giấy chứng nhận. Đăng kiểm viên cũng thực hiện kiểm tra việc trùng khớp của seri in trên thùng xe với seri khi sản xuất lắp ráp.
“Điều này giúp lực lượng chức năng kiểm soát rõ kích thước thùng xe. Nếu có nghi ngờ về việc sai kích thước thùng xe, cơ quan chức năng có thể tiến hành đo và so sánh với kích thước được cung cấp toàn bộ trên giấy chứng nhận”, ông Hình thông tin.
Không để giải ngân chậm Cũng trong buổi giao ban sáng qua, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã có những chỉ đạo quyết liệt liên quan đến vấn đề xây dựng VBQPPL, đề án chiến lược, vấn đề giải ngân, quyết toán…“Chúng ta đã thực sự cố gắng hết sức cho công tác xây dựng VBQPPL, thể chế chính sách chưa? Đã tập trung như thế nào đến công tác cải cách hành chính, cải cách thủ tục hành chính? Đề án chiến lược có hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng?”, Bộ trưởng nói và cho biết, nghị định, thông tư, văn bản ra đời có đi vào cuộc sống hay không mới quan trọng. Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị khi làm báo cáo ngoài việc làm rõ đơn vị nào chậm cũng cần đánh giá chất lượng của các văn bản. Nếu chỉ xét tiến độ, thời gian mà không đánh giá được chất lượng là không được bởi văn bản có chất lượng mới giúp tạo đột phá. Về giải ngân, Bộ trưởng yêu cầu làm rõ việc tại sao một số nguồn vốn, một số dự án chậm trong khi số khác lại không? Ban QLDA của chúng ta đều chuyên nghiệp hết, tại sao tiến độ lại chậm? “Vốn không có nhiều mà vẫn triển khai chậm, giải ngân kém là không thể chấp nhận được. Nếu giải ngân chậm, áp lực xã hội sẽ tăng. Công trình càng kéo dài càng bức xúc, lãng phí, càng phát sinh khó khăn”, Bộ trưởng chỉ rõ. Bộ trưởng một lần nữa “thúc” vấn đề quyết toán. “Chủ trương nhất quán của Bộ GTVT là ban nào, đơn vị nào, chủ đầu tư nào quyết toán chậm không giao thêm nhiệm vụ. Sử dụng vốn ngân sách Nhà nước, phải đảm bảo chất lượng tiến độ, quyết toán đúng hạn”, Bộ trưởng chỉ đạo. Với những công trình trọng điểm đang triển khai, Bộ trưởng lưu ý các đơn vị cần báo cáo đúng thực chất, tuyệt đối không tô hồng. “Khó ở đâu, vướng ở đâu cần báo cáo ngay ở đó để kịp thời tháo gỡ. Phải nhìn trực diện vấn đề, có như vậy mới giải quyết được thấu đáo”, Bộ trưởng nói. T.Bình |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận