Năm 2020, ngành GTVT quyết liệt thực hiện nhiệm vụ và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Giao thông nhân dịp Tết Tân Sửu 2021, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết vẫn còn nhiều điều khiến ông trăn trở. Ông cũng khẳng định, trong năm 2021, khẩu hiệu “Quyết liệt - Chất lượng - Hiệu quả” sẽ là kim chỉ nam để Bộ GTVT nỗ lực vượt khó và bứt phá, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2021 và những năm tiếp theo.
Nhìn lại một năm qua, Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả mà ngành GTVT đã đạt được?
Năm 2020 là năm mà Bộ GTVT có nhiều nhiệm vụ nặng nề. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà Bộ GTVT hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ 2016-2020, là một trong những Bộ, ngành, địa phương có kết quả thực hiện nhiệm vụ tốt nhất.
Cụ thể, về thể chế, chúng tôi đã trình dự thảo Luật GTĐB sửa đổi, thực hiện tốt Nghị định 100, Nghị định 10 của Chính phủ. Do đó, trật tự ATGT và hoạt động vận tải tương đối tốt.
Năm 2020, chúng tôi cũng hoàn thành 100% nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó đặc biệt nhất là công tác giải ngân. Bộ GTVT là một trong những Bộ giải ngân cao nhất cả nước. Năm nay, chúng tôi phấn đấu giải ngân 100% vốn Nhà nước và vốn TPCP. Riêng vốn ODA, thấp nhất cũng phải đạt 95%.
Bên cạnh đó, tình hình ATGT của năm nay cũng chuyển biến rất tích cực. Số vụ, số người chết và số người bị thương đã giảm sâu hơn Nghị quyết Chính phủ đặt ra.
Dù khởi công đồng loạt cao tốc Bắc - Nam, tuy nhiên nhìn nhận khách quan, hạ tầng giao thông nói chung vẫn chưa có nhiều đột phá và hiện vẫn là một trong những điểm nghẽn của nền kinh tế. Tới đây, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng vẫn rất hạn hẹp, nhất là khi dịch Covid-19 còn phức tạp. Trong hoàn cảnh này, ngành GTVT cần làm gì để vượt khó, bứt phá vươn lên, thưa Bộ trưởng?
Nhu cầu phát triển giao thông là rất lớn, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Đây là những dự án có ý nghĩa kinh tế, chính trị rất lớn. Trách nhiệm của ngành GTVT là phải thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ, của Quốc hội để nhanh chóng hình thành hệ thống đường cao tốc, đường trọng điểm để phát triển kinh tế - xã hội. Chúng tôi ý thức rất rõ về việc này. Do đó, với những dự án đã được bố trí vốn, chúng tôi chỉ đạo quyết liệt, tổ chức đấu thầu, triển khai thi công, giám sát tiến độ, chất lượng.
Với một số dự án thực hiện theo hình thức PPP, Bộ GTVT đã chỉ đạo lựa chọn nhà đầu tư. Với dự án không đạt yêu cầu thì nhanh chóng báo cáo Chính phủ, Quốc hội để sớm có hướng giải quyết. Đến thời điểm này, chúng tôi đã thực hiện tương đối tốt những dự án trọng điểm quốc gia.
Giai đoạn sắp tới, nhu cầu cũng rất lớn. Bộ GTVT đã phối hợp với các Bộ ngành, đặc biệt là các địa phương, xác định các dự án trọng điểm, trọng tâm của từng khu vực để làm sao khi xây dựng hệ thống giao thông này sẽ kết nối tốt với các cảng biển phục vụ phát triển KT-XH, kết nối tốt với các khu, cụm công nghiệp, các trung tâm kinh tế lớn, tạo thuận lợi về giao thông.
Nhu cầu là rất lớn, nhưng ngân sách còn hạn chế, Bộ GTVT sẽ vận dụng Luật PPP để tham mưu Chính phủ triển khai các dự án theo phương thức này để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, tăng nguồn lực của tư nhân, bao gồm cả vốn nước ngoài, đảm bảo sớm hình thành hệ thống GTVT tốt nhất.
Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ, Quốc hội, đảm bảo thực hiện tốt nhất chức trách của mình.
Ngoài cao tốc Bắc - Nam, năm 2021 người dân cũng kỳ vọng lớn vào dự án CHK quốc tế Long Thành. Đây là công trình tầm cỡ quốc gia, khi hoàn thành tạo tiền đề để hàng không Việt Nam bứt phá. Bộ trưởng có chỉ đạo gì để dự án triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng?
Hiện, Chính phủ đã chính thức giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) thực hiện dự án này. ACV trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN. Bộ GTVT với trách nhiệm của Bộ quản lý chuyên ngành sẽ nắm chắc yêu cầu của Chính phủ, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo ACV thực hiện tốt nhất để hoàn thành dự án.
Cách đây 5 năm, khi trình dự án, chúng ta đã đặt chỉ tiêu khởi công vào quý I/2021, hoàn thành giai đoạn 1 vào cuối năm 2025. Đến thời điểm này, tôi đánh giá tiến độ dự án đang bám sát yêu cầu của Nghị quyết Quốc hội.
Cuối năm 2020, chúng ta đã bàn giao được 1.810ha mặt bằng giai đoạn 1 và dự án đã được khởi công đầu tháng 1/2021.
5 năm tới, trong quá trình triển khai dự án chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn vướng mắc. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo tập trung của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của Bộ GTVT và cơ quan liên quan, chúng tôi tin rằng dự án sẽ hoàn thành đúng tiến độ.
Như Bộ trưởng vừa nói, chúng ta đã có Luật PPP. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trở ngại để Luật PPP thực sự đi vào cuộc sống. Bằng chứng là việc thu hút vốn đầu tư vào các dự án còn hạn chế. Tới đây, Bộ GTVT sẽ có giải pháp nào, đề xuất Chính phủ, các cơ quan chức năng những nội dung gì để Luật PPP có thể phát huy hiệu quả?
Việc thu hút đầu tư theo hình thức PPP hạn chế có nhiều nguyên nhân, không phải do Luật PPP không tốt.
Thứ nhất, Luật PPP và trước đó theo Nghị quyết 437 của Quốc hội, với những dự án PPP, BOT, chúng ta không được làm trên đường hiện hữu mà phải xây dựng đường song hành. Khi đó, chi phí đầu tư rất lớn, vì thế thời gian thu hồi vốn sẽ dài. Thậm chí nhiều dự án không đảm bảo phương án tài chính, không khả thi.
Thứ hai, đến thời điểm này, các ngân hàng thương mại không còn nhiều dư địa để cho vay do đã đầu tư khá nhiều nguồn lực vào các dự án BOT trước đó. Điều này khiến việc bố trí thu hút vốn khó khăn.
Thứ ba, tại một số dự án BOT đang vấp phải một số vấn đề xã hội. Bộ GTVT phối hợp với các Bộ, ngành khác, tham mưu Chính phủ các giải pháp căn cơ. Khi chúng ta chưa giải quyết tốt các dự án BOT hiện hữu, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án sắp tới.
Đây là 3 nguyên nhân chính khiến chúng ta chưa thực hiện được nhiều dự án BOT, PPP trong thời gian qua. Riêng với Luật PPP, tôi cho rằng có nhiều tiến bộ và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Thực tế, đến thời điểm này chúng ta chưa vận dụng được Luật PPP.
Tôi thấy Luật PPP có nhiều điểm mới, trong đó có việc chia sẻ trách nhiệm, chia sẻ rủi ro, chia sẻ lợi nhuận, có cam kết rõ ràng minh bạch giữa Nhà nước và nhà đầu tư. Tôi tin rằng, khi Luật PPP có hiệu lực, công tác thu hút vốn xã hội để phát triển giao thông sẽ tốt hơn. Còn cụ thể tốt như thế nào, trong năm 2021, khi chúng ta thực hiện Luật sẽ thấy được tác dụng. Với quyết tâm lớn, Chính phủ sẽ có những giải pháp để thu hút tốt hơn nguồn lực xã hội triển khai các công trình giao thông trọng điểm quốc gia.
Hiện, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển như vũ bão cả trong và ngoài nước, tuy nhiên nhìn nhận khách quan, việc ứng dụng ở nhiều lĩnh vực của ngành GTVT đang chậm. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này thế nào và có giải pháp gì để thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong ngành GTVT?
Cách mạng công nghiệp 4.0 là con đường tất yếu phải theo. Chúng tôi cũng nhìn nhận trong giai đoạn vừa qua, mặc dù Bộ GTVT đã cố gắng rất nhiều, nhưng việc ứng dụng thành tựu công nghệ, đặc biệt trong việc tự động hóa vẫn còn hạn chế. Giai đoạn sắp tới, quan điểm của Bộ GTVT là ưu tiên đặc biệt cho các dự án CNTT, Chính phủ điện tử.
Chúng tôi yêu cầu thủ trưởng các cơ quan đơn vị phải chịu trách nhiệm trong việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực của mình. Đơn vị nào thực hiện chưa tốt, sẽ truy trách nhiệm người đứng đầu.
Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo Trung tâm CNTT của Bộ làm cầu nối, điều hành toàn bộ hoạt động ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực điều hành của ngành GTVT. Trung tâm sẽ làm việc với từng Cục, từng đơn vị, xây dựng cơ sở dữ liệu của các cơ quan đơn vị, tích hợp với Trung tâm CNTT của Bộ, từ đó kết nối với Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ hoặc Một cửa quốc gia.
Bộ GTVT cũng chỉ đạo hình thành một bộ phận chuyên theo dõi, tích hợp, nhập dữ liệu, đảm bảo cơ sở dữ liệu đáp ứng kịp thời, cung cấp đầy đủ các thông tin mới. Vì đây là con đường tất yếu, do vậy, Bộ GTVT sẽ đưa vào chương trình làm việc của Bộ trong 5 năm tới. Hàng quý, sẽ làm việc với toàn ngành để kiểm điểm tiến độ ứng dụng CNTT của từng cơ quan đơn vị.
Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 5 năm 2016-2020, trong 3 năm ngồi “ghế nóng” Bộ trưởng Bộ GTVT, công việc nào khiến Bộ trưởng tâm đắc nhất?
Khi tôi mới nhận nhiệm vụ, có rất nhiều vấn đề nóng, khó khăn. Nhiều công trình dự án lớn mới bắt đầu cho chủ trương. Nhiều công việc đã thực hiện đang bắt đầu thanh, kiểm tra, xử lý. Do đó, khối lượng công việc vào cuối năm 2017 là rất lớn.
Qua 3 năm thực hiện nhiệm vụ ở Bộ, tôi tâm đắc nhất một số việc. Thứ nhất, trong khó khăn, tập thể lãnh đạo Bộ và CBCNVC-NLĐ trong ngành GTVT luôn đoàn kết thống nhất, cùng thực hiện nhiệm vụ. Đến thời điểm này, rất nhiều nhiệm vụ phức tạp đã được giải quyết.
Chúng tôi đã cùng nhau thực hiện tốt công tác xây dựng thể chế, xác định công việc này không tốn nhiều tiền nhưng hiệu quả lại rất lớn. Chất lượng những văn bản, thể chế của ngành ngày càng tốt hơn. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 100 và Nghị định 10. Với Luật GTĐB sửa đổi, chúng tôi đã phối hợp với nhiều bộ, ngành để thực hiện việc sửa đổi tốt nhất. Rất nhiều thông tư của Bộ đã thực sự đi vào cuộc sống.
Về vấn đề cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử, các đơn vị thuộc Bộ hưởng ứng rất mạnh mẽ chủ trương này. Một số lĩnh vực như đường sắt, hàng hải, đường bộ đã kết nối với Cổng Thông tin một cửa quốc gia.
Một điểm nữa là rất nhiều dự án trọng điểm từ chỗ đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đến thời điểm này đều đã được triển khai tương đối tốt. Đơn cử, dự án thu phí không dừng về đích vào cuối năm 2020. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành nghiệm thu để đưa vào khai thác sớm nhất có thể. Sân bay quốc tế Long Thành được khởi công vào ngay những ngày đầu tiên của năm 2021. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã khởi công được 6 dự án thành phần, tiến độ rất tốt.
Đối với 5 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam triển khai theo hình thức PPP, trải qua hơn một năm tổ chức sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (cả đấu thầu quốc tế và trong nước) từ tháng 5/2019 đến nay có 3 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo), chuẩn bị triển khai ký hợp đồng. Còn lại 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư sau đấu thầu gồm QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu. Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi sang phương thức đầu tư công.
Với một số dự án thuộc nhóm “kéo dài và gây bức xúc” như dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long và 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường băng, đường lăn tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất cũng đã hoàn thành đúng tiến độ.
Một điểm đáng chú ý nữa là công tác đảm bảo ATGT. 5 năm qua, công tác này được triển khai rất tốt. Hàng năm đều giảm cả 3 tiêu chí. Đặc biệt trong năm 2020 này, chúng ta đã giảm được trên 18% số vụ, giảm 13% số người chết và giảm trên 20% số người bị thương. Đây là năm đầu tiên trong một giai đoạn rất dài, cả 3 tiêu chí đều giảm sâu.
Ngoài kết quả như Bộ trưởng vừa chia sẻ, còn vấn đề nào Bộ trưởng còn trăn trở?
Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn nhiều điều khiến tôi trăn trở. GTVT là ngành kinh tế lớn, có vai trò quan trọng trong phát triển KT-XH của đất nước. Nhiệm kỳ tới, chúng tôi có một số việc. Thứ nhất là tham mưu Chính phủ ban hành Luật GTĐB sửa đổi. Bộ Luật này liên quan đến đông đảo người dân, liên quan đến đời sống xã hội, đến vận tải, ATGT. Tôi cho rằng việc chưa thông qua được Luật trong nhiệm kỳ này là hơi chậm, chúng tôi sẽ phải nỗ lực hơn rất nhiều trong thời gian tới.
Thứ hai, Bộ GTVT đang quy hoạch lại 5 lĩnh vực ngành GTVT theo Luật Quy hoạch, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 4/2021. Khi quy hoạch ngành được phê duyệt, sẽ tạo tiền đề cho những bước phát triển tiếp theo của ngành GTVT được vững chắc, do đó chúng tôi sẽ phải tập trung hơn nữa cho công tác này.
Thứ ba, về cải cách thủ tục hành chính dù đã đạt được nhiều tiến bộ, tuy nhiên, công tác phục vụ người dân vẫn còn hạn chế. Bộ GTVT sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác này, hiện đại hóa nền hành chính, tin học hóa các lĩnh vực, kết nối với Cổng Thông tin một cửa quốc gia để phục vụ người dân. Đây là tiền đề để xây dựng ngành GTVT thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ngoài ra, nhiều dự án đang triển khai, theo kế hoạch sẽ hoàn thành trong 1 - 2 năm tới. Tập thể lãnh đạo Bộ và toàn ngành sẽ kiên trì thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia đúng theo kế hoạch mà Quốc hội và Chính phủ đặt ra. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và thực hiện quy trình thủ tục của những dự án lớn cho giai đoạn tiếp theo.
Cuối cùng là công tác tổ chức vận tải và ATGT, hiện đã có Nghị định 10, Nghị định 100. Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tập trung tổ chức vận tải, quản lý chặt chẽ phương tiện người lái, quản lý chặt chẽ hoạt động vận tải theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến mất ATGT. Đồng thời sẽ kiên trì thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, hàng năm, giảm từ 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương.
Năm 2021 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025. Xin Bộ trưởng cho biết thông điệp của Bộ GTVT trong năm 2021 là gì và Bộ GTVT sẽ làm gì để thực hiện được thông điệp đó?
Khẩu hiệu của Bộ GTVT trong năm 2021 là “Quyết liệt - Chất lượng - Hiệu quả”. Năm 2021, Bộ GTVT được giao giải ngân 46 nghìn tỷ đồng, cao hơn năm 2020 và cao hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây. Do vậy, nếu không quyết liệt xử lý các vấn đề phát sinh thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ giải ngân.
Trong mọi việc, chất lượng luôn phải được quan tâm hàng đầu. Như trong việc xây dựng thể chế, chất lượng là thông tư, nghị định đã ban hành là phải đi vào cuộc sống. Công trình xây dựng cơ bản thì phải đảm bảo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, đúng yêu cầu về chất lượng.
Cuối cùng, những công trình, sản phẩm đã thực hiện cần phải được phát huy hiệu quả tốt nhất, phục vụ tốt nhất cho xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận