Luật PPP ban hành sẽ thu hút được nhà đầu tư vào giao thông
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, vừa qua, Bộ GTVT đã đẩy mạnh đầu tư giao thông theo hình thức đối tác công tư PPP. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ thu hút nội địa mà chưa thu hút được nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các dự án lớn.
“Nhà đầu tư nước ngoài mang tiền vào đầu tư với mục đích là kiếm lợi nhuận. Nếu không thấy lợi nhuận, họ sẽ không chi tiền”, Bộ trưởng Thể nói và tin tưởng: “Khi ban hành Luật PPP này thì sẽ thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt vào giao thông”.
Bộ trưởng GTVT cho hay, khi tiếp xúc các nhà đầu tư ở châu Âu hoặc một số nhà đầu tư lớn, họ đòi hỏi chúng ta 3 việc: Thứ nhất là bảo đảm doanh thu, chia sẻ rủi ro với họ, bởi quy hoạch của ta thay đổi liên tục, họ sợ rủi ro.
Ông phân tích, chúng ta đang phát triển, từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông. Quy hoạch của chúng ta 5 năm điều chỉnh 1 lần, nhưng một dự án PPP có thể kéo dài tới 15 - 20 năm. Do vậy, trong vòng đời của dự án PPP, chúng ta có thể điều chỉnh quy hoạch 3 – 5 lần. Trong những lần điều chỉnh đó, chúng ta có thể thêm một số con đường cho hoàn chỉnh hệ thống giao thông.
“Nhà đầu tư lo là trong thời gian đó, chúng ta có thể làm những con đường thứ hai, thứ ba, hoặc những con đường cắt ngang con đường họ làm thì bị san sẻ lưu lượng, nguy cơ lỗ”, Bộ trưởng Thể nói.
Vấn đề thứ hai nhà đầu tư mong muốn, là chuyển đổi ngoại tệ. Nhà đầu tư mang tiền về nước ta đầu tư là ngoại tệ. Con đường đầu tư 1 tỷ USD thì họ phải mang vào 1 tỷ USD để xây dựng. Xây dựng xong rồi thì họ phải thu hồi 1 tỷ USD này đồng thời phải thu hồi thêm cả tiền lãi. Do vậy, họ yêu cầu chúng ta phải bảo đảm chuyển đổi ngoại tệ để họ mang về nước ngoài.
“Không thể mang USD vào và mang tiền đồng về”, Bộ trưởng nói ngắn gọn.
Cần nghiên cứu thêm vấn đề trượt giá
Thứ ba, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nhà đầu tư sợ trượt giá. “Khi mang vào nước mình, 1 USD có thể là 20 nghìn, khi mang ra thì có thể là 15 nghìn hoặc 25 nghìn. Tính tiền Việt thì có thể lãi, nhưng tính tiền USD thì lỗ”, Bộ trưởng Thể nói.
Hiện đối chiếu dự thảo Luật PPP mà Chính phủ đang trình Quốc hội, điều 75 và 76 đã đề cập được 2 việc. Thứ nhất là bảo lãnh doanh thu, nếu họ lỗ, nhà nước chia sẻ 50, nếu họ lãi tốt, nhà nước cũng được chia lợi nhuận 50%. Thứ hai, cho dự thảo Luật đã cho phép nhà đầu tư chuyển đổi ngoại tệ. Hai nhóm chuyển đổi doanh thu và chuyển đổi ngoại tệ đã được đề cập trong dự thảo Luật, tuy nhiên, mức độ bao nhiêu %, như thế nào thì cần nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, vấn đề trượt giá, thì Luật chưa đề cập, Bộ trưởng GTVT đề nghị “cần nghiên cứu thêm”.
Trước đó, trong tờ trình Quốc hội Luật PPP, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội 2 cơ chế đảm bảo cân đối ngoại tệ và cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
Về cơ chế bảo đảm cân đối ngoại tệ, theo dự thảo Luật, đối với từng dự án cụ thể thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ (không áp dụng tràn lan cho tất cả), trong trường hợp thị trường không đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của doanh nghiệp dự án, Chính phủ sẽ xem xét quyết định (bằng Nghị quyết) việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ trên cơ sở cân đối nguồn lực trong từng thời kỳ. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.
Với cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu giữa Nhà nước và nhà đầu tư, Dự thảo Luật thiết kế theo hướng quy định cơ chế áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.
Theo đó, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng. Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận