Đường bộ

Giải pháp nào để không còn quy định cản trở lưu thông hàng hóa?

25/08/2021, 19:04

Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, địa phương nào ban hành thêm các quy định cản trở lưu thông hàng hóa, phải chịu trách nhiệm...

Tại sao đi khắp các tỉnh họ không kêu, đến Cần Thơ lại kêu?

Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, những ngày vừa qua, TP Cần Thơ có văn bản yêu cầu phải đăng ký quy định tất cả phương tiện vận chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu từ các tỉnh, thành khác đến giao nhận hàng hóa đều phải được đăng ký trước và phải trung chuyển hàng hóa, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông.

Lý giải về việc này, đại diện UBND TP Cần Thơ cho hay, bình thường mỗi ngày có khoảng 16.000 xe các loại lưu thông trên địa bàn. Khi áp dụng Chỉ thị 16 có khoảng 4.000 xe đi vào thành phố. Khi UBND thành phố ban hành văn bản thì có khoảng hơn 2.000 xe đi vào trung tâm thành phố để giao nhận hàng hóa.

Nếu để giao nhận hàng hóa trong thành phố thì không thể kiểm soát phòng chống dịch. Đăng ký trước không có nghĩa là xin phép, không có nghĩa là thủ tục hành chính, không phải là giấy phép con. Đăng ký trước chỉ cần thông tin qua điện thoại, Zalo, qua các nhóm của Sở GTVT để được điều tiết, hướng dẫn, hỗ trợ.

Nguyên nhân ùn tắc là do nhiều phương tiện về điểm trung chuyển của thành phố cùng một lúc. Lượng người đi vào thành phố lại đi cùng với luồng giao nhận hàng hóa nên ùn tắc. Thao tác chuyển đổi tài xế chậm nên kéo dài thời gian.

img

Hàng trăm phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, xe container vận chuyển hàng xuất, nhập khẩu bị ùn ứ tại Bến xe khách trung tâm TP. Cần Thơ hàng giờ liền - Ảnh Lê An

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM bày tỏ bức xúc: "Chính phủ đã chỉ đạo không kiểm tra xe có mã QR Code mà chỉ kiểm tra nơi đi, nơi đến tập kết hàng hóa để đảm bảo lưu thông hàng hóa, các tỉnh thành cần thống nhất việc này, không để tình trạng có tỉnh thực hiện, tỉnh không”, ông Lâm nói.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, nhiều doanh nghiệp phản ánh, xe và người lái đủ điều kiện, kể cả xe “luồng xanh” nhưng cũng không đi qua được Nghệ An, Hà Tĩnh và yêu cầu phải có giấy của Sở GTVT. Việc này là thêm giấy phép nữa trong lưu thông hàng hóa.

"Doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn vận chuyển hàng hóa đến các cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Một doanh nghiệp bao bì vừa cho biết, xe đã đủ điều kiện phòng chống dịch, đã đăng ký nhưng 2 ngày nay chưa vào được TP.Cần Thơ", vị này nói thêm.

Đại diện Bộ Công thương cũng cho rằng, Cần Thơ cũng như các tỉnh không cần thực hiện trạm trung chuyển. Ùn tắc tại Cần Thơ đã mấy ngày nay, thành phố cần tiếp thu để xử lý ngay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các tỉnh đưa thêm các quy định là vi phạm chỉ đạo của Chính phủ.

"Chính phủ đã chỉ đạo xe nào đã được cấp mã QR Code chỉ tiền kiểm và hậu kiểm. Cần Thơ là đầu mối giao thông mà lại làm khó dễ như vậy ai mà “ưa” được. Nhiều tỉnh miền Tây không lưu thông hàng hóa được vì quy định của Cần Thơ, gây tốn kém chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Báo chí phản ánh người dân mất cả chục tiếng đồng hồ để chờ đợi qua thành phố Cần Thơ" Bộ trưởng bức xúc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định, Cần Thơ cũng như các địa phương khác mà phát sinh thủ tục tăng chi phí, làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho lưu thông hàng hóa là không được. Địa phương nào “đẻ” ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Thể nói: "Tôi đã rất kiềm chế để không ngắt lời anh. Tại sao đi khắp các tỉnh người ta không kêu, đến Cần Thơ lại kêu? Báo chí và doanh nghiệp đã phản ánh, thậm chí cả lãnh đạo tỉnh khác cũng có ý kiến, "chắc chắn mình có vấn đề" thì phải nhìn nhận để làm tốt hơn. Địa phương không xử lý được, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng việc này".

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu các tỉnh, thành phố để xảy ra ùn tắc vận tải hàng hóa cần học hỏi kinh nghiệp của các thành phố đã làm tốt như Hải Phòng, TP.HCM - Ảnh minh họa

Có mã QR thì không cần kiểm tra giấy đi đường

Liên quan đến việc cấp mã QR Code, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, mã QR Code đã được tự động gia hạn. Lái xe cũng có thể cập nhật giấy xét nghiệm Covid-19 mới (khi giấy xét nghiệm cũ hết hiệu lực) với mã đã đăng ký thay vì phải xin cấp lại mã QR Code khác. Nỗi lo tắc nghẽn do phải khai lại, xin cấp lại thẻ nhận diện “luồng xanh” đã được giải quyết.

Bộ Y tế cũng đã có văn bản khẳng định, lái xe vận tải hàng hóa không cần cách ly kể cả đi từ vùng dịch về nếu thực hiện đúng các quy định hướng dẫn trước đó.

Trên cơ sở đó, Sở Y tế các địa phương phải tham mưu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch và thường vụ tỉnh ủy/thành ủy không đặt ra giới hạn gây bất lợi cho lái xe như việc phân biệt giấy xét nghiệm nhanh và xét nghiệm PCR.

“Về tổ chức giao thông, TP Cần Thơ cần học hỏi kinh nghiệm các thành phố lớn như TP.HCM, Hải Phòng. Tránh tình trạng triển khai điểm trung chuyển hàng hóa gây gián đoạn chuỗi vận tải hàng hóa, ùn tắc giao thông như vừa qua.

Với phản ánh một số địa phương yêu cầu lái xe phải xuất trình giấy đi đường, theo ông Hùng, việc kiểm soát này cần học theo cách làm của TP.HCM, tất cả các xe tải có giấy nhận diện "luồng xanh" thì không cần kiểm tra giấy đi đường.

Liên quan đến vấn đề luồng xanh, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị tất cả các địa phương phải quán triệt, thống nhất tất cả hàng hóa đều là hàng hóa thiết yếu, kể cả hàng thực phẩm hay hàng phục vụ chuỗi cung ứng hàng hóa XNK. Không phân biệt đối xử với bất kể mặt hàng nào.

“Các địa phương cũng phải thống nhất, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT. Tất cả các tuyến đường đều là luồng xanh phục vụ vận chuyển hàng hóa, từ đường bộ đến đường thủy, tạo thuận lợi tối đa cho các phương tiện có thẻ nhận diện luồng xanh hoặc chưa có thẻ luồng xanh nhưng có giấy tờ, thủ tục.

Đặc biệt, phải thực hiện nghiêm văn bản số 1015 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký và văn bản số 5187 của Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng với các chỉ đạo giúp chuỗi vận tải hàng hóa được khơi thông, đáp ứng “mục tiêu kép”, Bộ trưởng Thể nói.

Dừng ngay các "giấy phép con"

Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành. “Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” thì phải dừng áp dụng. Tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa”, Bộ trưởng Thể nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho biết, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời đối với hoạt động vận tải bằng xe ô tô trong bối cảnh dịch bệnh. Các địa phương cần nghiên cứu, thống nhất triển khai. Nếu có phát sinh vướng mắc, Bộ GTVT sẽ tiếp tục điều chỉnh đảm bảo cho hoạt động đường bộ thông suốt.

“Tuyệt đối không để ùn tắc giao thông ở bất cứ tuyến đường nào bởi mỗi điểm ùn tắc có thể sẽ là một nơi nguy cơ lây lan dịch bệnh. Căn cứ vào lưu lượng giao thông tuyến đường có thể thiết kế nhiều điểm kiểm tra tại một chốt kiểm dịch, kiểm tra từng loại phương tiện khác nhau. Bất cứ chỗ nào giao thông ùn ứ, Giám đốc Sở GTVT địa phương phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Đồng thời, Bộ trưởng đề nghị các địa phương thống nhất chấp nhận giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 và xét nghiệm PCR đều có giá trị như nhau. Thời gian hiệu lực trong vòng 72h theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Dừng trung chuyển hàng hóa, tiêm vaccine ngay cho lái xe

Các địa phương cũng cần chấm dứt mô hình trung chuyển hàng hóa để tránh tạo ra sự ùn ứ, phát sinh thời gian, chi phí cho quá trình giao nhận hàng hóa; Đồng thời, ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lái xe - đối tượng lao động đặc thù, cung cấp dịch vụ đảm bảo an sinh xã hội, duy trì chuỗi vận tải hàng hóa, Bộ trưởng nói.

Ông cho biết, hiện nay, phần mềm cấp thẻ “luồng xanh” đã được nâng cấp thành công. Doanh nghiệp khai báo xong thông tin sẽ được cấp mã QR Code ngay tức khắc nếu đủ điều kiện. Trên cơ sở đó, các địa phương nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai cấp độ 4 đối với tất cả các thủ tục liên quan đến DN vận tải.

“Riêng với công tác cấp thẻ “luồng xanh”, trong trường hợp hồ sơ gặp trục trặc, cơ quan chức năng cần nhanh chóng giải quyết cho DN trong vòng 12h nhận hồ sơ thay vì 24h như hiện tại”, Bộ trưởng nói.

Nhằm nâng cao hiệu quả phối hợp, duy trì giao thông thông suốt, lãnh đạo Bộ GTVT cũng đề nghị các địa phương và một số bộ, ngành tham gia đường dây nóng của Bộ GTVT để kịp thời nắm bắt thông tin, xử lý phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.