Xã hội

Bộ trưởng Nội vụ: Khó hoàn thành việc sáp nhập huyện, xã trước tháng 10/2024

21/08/2024, 18:01

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, tiến độ thực hiện sáp nhập huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 rất khó khăn, khó có thể hoàn thành trước tháng 10/2024.

Còn 10 địa phương chưa gửi hồ sơ về để thẩm định

Chiều nay (21/8), tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (đoàn tỉnh Lai Châu) dẫn báo cáo của Chính phủ giai đoạn 2023 - 2025, cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện và 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương. Việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10/2024.

Tuy nhiên, đến nay mới có 3 địa phương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra nên thời gian không còn nhiều.

Bộ trưởng Nội vụ: Khó hoàn thành việc sáp nhập huyện, xã trước tháng 10/2024- Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Quốc Khánh (đoàn tỉnh Lai Châu).

Để sớm ổn định tổ chức bộ máy, nhân sự, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ tới, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết việc thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong thời gian qua có bị chậm tiến độ không; trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này thế nào và Bộ trưởng cho biết các giải pháp trong thời gian tới để đảm bảo tiến độ đề ra.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhìn nhận, việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2025 với số lượng sắp xếp rất lớn nhưng tiến độ rất chậm.

"Đến thời điểm này, Bộ Nội vụ đã tiếp nhận được 43 hồ sơ trong tổng số 53 địa phương thuộc diện sắp xếp. Bộ Nội vụ đã thẩm định được 32 hồ sơ, đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 3 hồ sơ và đang báo cáo Chính phủ 3 hồ sơ. Còn 10 địa phương chưa gửi hồ sơ về Bộ để thẩm định.

Với tiến độ khó khăn này, chúng ta khó có thể hoàn thành việc sáp nhập huyện xã giai đoạn 2023 - 2025 trước tháng 10", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Bộ trưởng Nội vụ: Khó hoàn thành việc sáp nhập huyện, xã trước tháng 10/2024- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Cho rằng việc chậm trễ này có trách nhiệm của Bộ Nội vụ và các địa phương, bà Phạm Thị Thanh Trà lý giải, từ khi có Nghị quyết 35 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, các cơ quan đã ban hành các quyết định thành lập ban chỉ đạo và Thủ tướng đã tổ chức hội nghị rất sớm để triển khai.

Song, theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ, khi triển khai khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu của Nghị quyết 35 cũng chặt chẽ hơn, sáp nhập đơn vị hành chính phải phù hợp với quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn và các quy hoạch khác.

"Khi sáp nhập nhiều địa phương thực hiện luôn với mở rộng không gian đô thị cấp huyện, xã hoặc thành lập đơn vị hành chính đô thị. Tuy nhiên, còn vướng nhiều, cơ bản xoay quanh quy hoạch, phân loại đô thị", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nêu thực tế.

Thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nội vụ mong các địa phương cố gắng nỗ lực và tới đây Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có những tháo gỡ vướng mắc liên quan về quy hoạch đô thị, phân loại đơn vị hành chính đô thị.

"Nhưng cái đó chỉ tháo gỡ một phần thôi còn các địa phương cần quyết tâm cao, phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thành", Bộ trưởng Trà nhấn mạnh.

Giải quyết dứt điểm các vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư

Liên quan đến sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư giai đoạn 2019 - 2021, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho hay, vấn đề này đã được giải quyết khá cơ bản.

Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58/706 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405/9.614 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến năm 2025 phải giải quyết xong.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực của địa phương đã sắp xếp cán bộ dôi dư tốt như Quảng Ninh, Thanh Hóa… Tuy nhiên, một số địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này, do số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn.

Bộ trưởng Nội vụ: Khó hoàn thành việc sáp nhập huyện, xã trước tháng 10/2024- Ảnh 3.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ.

Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023 - 2030, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này, trên tinh thần Nghị quyết 35, như Nghị định số 29 về chính sách tinh giản biên chế.

Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục quan tâm, tập trung, trách nhiệm để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trên cơ sở những chính sách hiện có, cố gắng đến hết 2025 kết thúc việc này.

Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm, trong giai đoạn 2019 - 2021, khi thực hiện sắp xếp 21 đơn vị hành chính cấp huyện, 1.056 đơn vị hành chính cấp xã để giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 651 đơn vị hành chính cấp xã thì dôi dư 864 trụ sở.

"Đến thời điểm hiện nay mới giải quyết được 349 trụ sở, tương đương 40,39%. Có thể nói, tỷ lệ giải quyết tài sản dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính còn rất lớn", Bộ trưởng dẫn số liệu.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc xác định giá đất, giá tài sản gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là phương pháp định giá và thuê doanh nghiệp thẩm định giá để xác định giá trị tài sản.

Theo Bộ trưởng, đến thời điểm hiện nay cũng đã có sự tháo gỡ. Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện việc sửa đổi Nghị định 67 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 167/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công), qua đó sẽ tháo gỡ được những vấn đề căn cốt nhất cho các địa phương trong việc thực hiện sắp xếp tài sản dôi dư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.