Sáng 31/5, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế xã hội.
3 lỗ hổng dẫn đến gian lận thi cử
Ngay sau phần phát biểu của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đã bấm nút xin tranh luận. Đại biểu Bộ cho rằng bài phát biểu của Bộ trưởng chưa đề cập đến giải pháp để giải quyết quyền lợi của các thí sinh đã bị tuột mất cơ hội.
"Tôi đề nghị Bộ trưởng và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để gọi và công nhận bù lại số các cháu đã bị mất cơ hội để bảo đảm sự công bằng" - ĐB kiến nghị.
Giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội về lĩnh vực mình quản lý, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết việc đổi mới thi cử nhằm giảm tải. Hàng năm Bộ đã triển khai nhằm giảm tải áp lực, tiến tới một kỳ thi minh bạch.
Về kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ trưởng cho biết: Khắc phục tình trạng 1 năm có 3 kỳ thi liền kề (Đại học, Cao đẳng và Tốt nghiệp) rất nặng nề, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, giao Bộ GD&ĐT xây dựng một đề án với lộ trình, hướng tới một kỳ thi chung, lấy kết quả để xét tốt nghiệp đồng thời để xét tuyển Đại học và Cao đẳng. Tuy nhiên, năm 2018 đã xảy ra gian lận ở một số địa phương, đặc biệt là khâu chấm thi gây bức xúc trong xã hội.
Trước Quốc hội, cá nhân Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm, cụ thể ở 3 vấn đề: Tổ chức xây dựng các phần mềm chấm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật để các đối tượng xấu có thể lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi; Quán triệt quy chế và tập huấn nghiệp vụ ở một số khâu (nhất là khâu chấm thi) ở một số địa phương chưa chi tiết, hiệu quả chưa cao; Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ GD&ĐT ở một số khâu tổ chức thi tại một số địa phương chưa sâu sát.
Về phía các địa phương, Bộ trưởng cho rằng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh của một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ vai trò chỉ đạo, tổ chức thi ở địa phương mình theo phân cấp, còn để xảy ra sai phạm. Công tác lựa chọn cán bộ tham gia tổ chức thi (nhất là ở khâu chấm thi) ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về phẩm chất và năng lực, thậm chí suy thoái biến chất, cấu kết với nhau để cắt xén hoặc vô hiệu hóa quy trình đã được quy định cụ thể để thực hiện hành vi gian lận nâng điểm thi cho thí sinh.
Về việc xử lý vi phạm, Bộ trưởng Nhạ cho hay do tính chất phức tạp của vụ việc nên mặc dù Bộ Công an đã rất cố gắng và khẩn trương, đã áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cao, huy động phương tiện kỹ thuật tiên tiến và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhưng công tác điều tra, xác minh vẫn chưa thể kết thúc sớm được.
Sẽ đặt camera giám sát tại phòng lưu trữ đề thi, bài thi
Để khắc phục hạn chế của kỳ thi năm 2018, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2019, ông Nhạ cho biết Bộ đã có một số giải pháp, trong đó có việc tập huấn kỹ năng phòng chống, phát hiện các gian lận, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao; Điều động các trường ĐH, CĐ đến các tỉnh để phối hợp tổ chức thi theo nguyên tắc trường địa phương không tham gia phối hợp tổ chức thi tại địa phương mình; Tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác coi thi, chấm thi, nhất là các địa bàn có khả năng xảy ra tiêu cực trong thi cử.
Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì, đặt camera giám sát phòng lưu trữ đề thi/bài thi, phòng chấm thi 24/24 giờ; sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa dữ liệu toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” Phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, đồng thời có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (Ngữ văn) do sở GD&ĐT chủ trì, quy định chặt chẽ hơn khâu chấm 2 vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận