Thời sự Quốc tế

Bộ trưởng Quốc phòng Nga điện đàm liên tục với các nước NATO

Ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu liên tục điện đàm với người đồng cấp Mỹ và 3 quốc gia thuộc NATO.

Theo thông báo của Lầu Năm Góc về cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nga - Mỹ, người đứng đầu Lầu Năm Góc Lloyd Austin đã “bác bỏ mọi lý do dẫn đến leo thang xung đột của Nga tại Ukraine”, “tái khẳng định giá trị của duy trì đối thoại”.

Theo hãng tin Reuters, đây là cuộc điện đàm thứ 2 giữa ông Austin và ông Shoigu chỉ trong 3 ngày.

Cùng ngày 23/10, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cũng có các cuộc trao đổi với người đồng cấp Anh Ben Wallace, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu và Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar.

img

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Ảnh - Reuters

Tuy Moscow không cung cấp thông tin về cuộc điện đàm với Mỹ nhưng có thông cáo về cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Trong đó, Bộ Quốc phòng Nga cho biết ở các cuộc điện, ông Shoigu đều nêu tình hình tại Ukraine đang có xu hướng leo thang vượt tầm kiểm soát và quan ngại việc Ukraine có thể kích nổ “bom bẩn” - thiết bị nổ thông thường nhưng có trộn phóng xạ. Tuy nhiên, phía Nga không đưa ra bằng chứng cụ thể.

Về phía Pháp, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu cho biết ông đã tái khẳng định mong muốn về giải pháp hòa bình cho chiến sự tại Ukraine và Paris không muốn bị cuốn vào leo thang xung đột.

Còn theo thông báo từ Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace bác bỏ cáo buộc của ông Shoigu về việc các quốc gia phương Tây đang hỗ trợ kế hoạch leo thang xung đột của Kiev.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cũng có thông báo bác bỏ cáo buộc của ông Shoigu rằng Ukraine chuẩn bị sử dụng “bom bẩn” trên lãnh thổ của Kiev.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Nga về việc Kiev chuẩn bị thực hiện hành động khiêu khích như sử dụng “bom bẩn” để tạo cớ cáo buộc Moscow sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Theo hãng tin Reuters, dù sau các cuộc điện đàm trên, chưa có nhiều dấu hiệu tích cực nhưng cho thấy Nga và các thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn duy trì kênh đối thoại trong thời điểm quốc tế quan ngại về khả năng leo thang hạt nhân.

Tuần trước, NATO khởi động tập trận răn đe hạt nhân thường niên đồng thời dự báo Moscow chuẩn bị có động thái tương tự để kiểm tra mức độ sẵn sàng của lực lượng hạt nhân của quân đội Nga.

Dù Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đánh giá nguy cơ Nga sử dụng vũ khí hạt nhân ở mức thấp nhưng cảnh báo Nga sẽ gánh chịu “hậu quả nghiêm trọng” nếu sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine dù không nêu rõ những biện pháp NATO có thể sử dụng.

Về phần mình, một số quan chức Nga từng nhiều lần khẳng định Nga không đe dọa bất cứ quốc gia nào với vũ khí hạt nhân, viện dẫn học thuyết quân sự Nga quy định chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt được triển khai chống lại Nga hoặc Nga đối mặt với nguy cơ đe dọa tồn vong của quốc gia từ vũ khí truyền thống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.