Xã hội

Bộ trưởng Tài chính: "Đánh thuế tài sản" tăng ngân sách là thứ yếu

26/05/2018, 11:51

Theo Bộ trưởng Tài chính, việc thu thuế tài sản nhằm minh bạch tài sản, còn tăng ngân sách chỉ là thứ yếu.

Bo-truong-tai-chinh-dinh-tienn-dung

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại hội trường Quốc hội sáng 26/5, khi được người điều hành phiên họp mời giải trình làm rõ ý kiến các ĐBQH về tình hình kinh tế xã hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề cập đến một trong những vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua, đó là chủ trương đánh thuế tài sản.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc thu thuế tài sản nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch tài sản, phục vụ cho công tác phòng chống tham nhũng. Còn mục tiêu thu thuế tài sản để tăng ngân sách chỉ là thứ yếu.

Qua phương án nghiên cứu ban đầu trình và trước nhiều ý kiến phản ánh trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới.

Đề cập đến lĩnh vực thuế, người đứng đầu ngành tài chính đưa ra giải pháp nâng cao ý thức chấp hành pháp luật với người nộp thuế, tăng cường vận động cơ quan thanh tra, kiểm toán, xử lý nghiêm sai phạm.

Bộ trưởng thông tin, năm 2016, cơ quan kiểm toán đã kiểm toán, kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước 19 nghìn tỷ đồng, trong đó tăng thu các khoản thuế phí, lệ phí khoảng 3,6 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, ngành tài chính đã thanh tra, kiểm tra kiến nghị xử lý tài chính trên 55 nghìn tỷ đồng.

Trước những kết quả đạt được trong thời gian qua, Bộ trưởng Dũng khẳng định, tình trạng nợ đọng thuế đã giảm, từ 81 nghìn tỷ đồng năm 2016 xuống còn 73 nghìn tỷ đồng năm 2017.

Đáng lưu ý, số nợ thuế không có khả năng thu hồi đến hết 2017 khoảng 31 nghìn tỷ đồng, tăng so với 2016. Đây là khoản nợ thuế với những người chết, mất tích, doanh nghiệp giải thể, phá sản không còn khả năng để thu hồi. Bộ trưởng Tài chính cho biết, đang tích cực rà soát, hoàn thiện để trình Quốc hội xóa nợ thuế không có khả năng thu hồi, đảm bảo đúng tính chất số nợ thuế.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.