Một clip xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy trong thời gian nghỉ giữa giờ của một cuộc họp ngày 18/2, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các quan chức của Bộ này đã cùng nhau tập một số động tác thể dục.
Theo ông Trần Đắc Phu (Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế), nếu tập toàn bộ các động tác theo đúng bài tập này, thì tổng thời gian là hơn 3 phút/lần.
Từ cuối năm 2018, Bộ Y tế cho biết, Bộ này đã bắt đầu yêu cầu cán bộ, nhân viên tập thể dục vào giữa các cuộc họp. Bộ trưởng Tiến đã giao Cục Y tế dự phòng nghiên cứu bài tập ban đầu và tìm những động tác phù hợp nhất cho Việt Nam.
Dự kiến ngày 27/2 tới đây, nhân Ngày thầy thuốc Việt Nam, Bộ Y tế sẽ phát động toàn ngành thực hiện phong trào “Thể dục giữa giờ tại công sở, nơi làm việc”, tiến tới kêu gọi các bộ, ngành, lĩnh vực công tác khác cùng tập, trong một chương trình có tên là “Sức khỏe Việt Nam”.
Theo bà Tiến, hiện người lao động, nhất là giới văn phòng và nhiều nhóm người lao động khác có đặc thù công việc là ngồi nhiều, từ đó dẫn đến một số bệnh lý như cổ vai gáy, đau mỏi…; Thậm chí, rất nhanh thoái hóa đốt sống cổ, lưng. Việc tập thể dục giúp thay đổi tư thế, đỡ mệt mỏi và tăng năng suất lao động cũng như sức khỏe.
“Tôi tập thấy rất thích”, Bộ trưởng Tiến trải lòng. Bà cũng cho hay, bình thường bà đều cố gắng dành thời gian cho việc tập thể dục, đơn giản nhất là việc đi bộ. Gần đây, bà bắt đầu yêu cầu các cán bộ trong ngành tập bài tập này.
Bộ Y tế có thể là một trong số ít cơ quan đầu tiên của Việt Nam thực hiện tập thể dục giữa giờ làm việc. Tất nhiên, phải là thế rồi. Bộ “chăm lo sức khỏe” phải làm trước, từ đó lan tỏa ra xã hội.
Câu chuyện chỉ có thế thôi mà ý kiến bàn ra, tán vào. Có người nói thích tập thể dục thì sáng dậy sớm mà chạy, đừng làm những chuyện hình thức chỉ để tuyên truyền, thậm chí “ném đá” cá nhân bà Bộ trưởng.
Chợt nhớ hồi mới đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017, H’Hen Niê đã lập tức phải đối mặt với hàng loạt bình luận ác ý, thậm chí mang tính xúc phạm về nhan sắc trên mạng xã hội. Sau đó, là một nữ Phó chủ tịch tỉnh bị bịa đặt các phát ngôn liên quan đến vấn đề nhạy cảm biên giới. Và hẳn mọi người còn nhớ cơn giận dữ của cộng đồng mạng đổ lên GS. Hồ Ngọc Đại khi nhiều người còn chưa hiểu chương trình giáo dục công nghệ của ông là gì. Danh sách nạn nhân của mạng xã hội không chỉ gồm người đẹp, người nổi tiếng, người của công chúng… mà có thể là bất kỳ ai.
Dường như chê bai, xúc phạm người khác thông qua mạng xã hội đang là một “thú vui thời thượng”. Dường như cư dân mạng thích môn “thể thao” ném đá, chứ không cần thể dục?
Thực ra bài tập thể dục giữa giờ họp mà Bộ trưởng Tiến và các quan chức ngành này có nguồn gốc từ bài Rajio Taiso của Nhật Bản. Hiện tại ở Việt Nam, các công ty Nhật cũng cho nhân viên tập trước giờ làm việc với mục đích mang lại sức khỏe, tinh thần sảng khoái và an toàn trong quá trình làm việc.
Nếu tập một cách nghiêm túc sẽ đem lại kết quả tốt cho sức khỏe. Mà tập ít hay tập sai thì chí ít nó cũng giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng trì trệ, lười vận động lâu nay. Thiết nghĩ, không chỉ Bộ trưởng mà kể cả cả đại biểu Quốc hội, nếu cùng nhau tập thể dục 2-3 phút giữa những giờ họp căng thẳng, kéo dài cả tháng trời lại càng tuyệt vời. Đó là thông điệp tích cực gửi đến toàn dân về một xã hội văn minh phải phát triển không chỉ dựa trên nền tảng trí lực mà còn cả thể lực nữa.
Thực ra câu chuyện này không mới. Năm 1992, Công ty hữu hạn chế tạo công nghiệp và gia công chế biến hàng xuất khẩu Việt Nam (VMEP) thành lập ở Việt Nam, Văn phòng đầu tiên của công ty nằm trên đường Cát Linh. Đầu giờ, cán bộ, nhân viên công ty này tập thể dục trên vỉa hè, dân mình thấy lạ cứ trố hết cả mắt nhìn. Giữ sức khỏe là một thành tố của văn hóa lao động và đã được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới nhưng người Việt Nam chưa quen.
Chợt nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong Di chúc lịch sử phần nói về công việc xây dựng đất nước sau ngày chiến thắng, Bác căn dặn: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt hơn. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Chỉ riêng việc tập thể dục thôi đã cho thấy để thay đổi thói quen, cách nhìn “cũ kỹ” xác lập thói quen văn hóa đã là “cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt hơn”, chứ không hề giản đơn.
Chuyện dọc đường
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận