Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời báo chí sáng 21/10 bên hành lang Quốc hội |
Nhiều ý kiến cho rằng, nên chăng sau năm 2020 mới xây dựng CHK Long Thành?
Nhu cầu đến 2025 mới cần nhưng để lúc đó có sân bay hoạt động thì ngay từ bây giờ đã phải chuẩn bị. Kể cả lần này Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư (tất nhiên đến giờ QH đã quyết định chưa thông qua rồi) thì phải tiếp tục làm báo cáo khả thi và dự án báo cáo khả thi tiếp tục trình QH lần nữa, lúc đó QH mới quyết định là có làm hay không làm. Theo Nghị quyết 49 thì dự án này phải thông qua 2 lần.
Thưa Bộ trưởng, ông có cho rằng đưa dự án ra bàn vào thời điểm này là bất lợi?
Chắc chắn trong thời điểm này là khó khăn. Mặc dù trong báo cáo của Chính phủ, nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ đã tăng nhanh. Do đó việc đầu tư những dự án lớn, dài hạn càng phải tính toán một cách thận trọng. Không phải là Bộ trưởng GTVT mà tôi muốn dự án này triển khai bằng được. Bộ trưởng cũng là Đại biểu Quốc hội, khi quyết định vấn đề gì cũng phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân.
Cần nguồn vốn tới 7,8 tỷ USD và phần nhiều là vốn vay ODA, dự án sẽ tác động thế nào đến nợ công, thưa ông?
Theo tính toán, nếu tôi nhớ không nhầm, tác động đến nợ công chỉ ở mức 0,092. Nhưng khi nợ công đã ở mức phải kiểm soát thì 0,01 cũng là tác động, bởi nhiều cái 0,01 dồn lại nó sẽ thành 1, rồi sẽ thành 10, cho nên đã đến mức phải kiểm soát thì nhỏ cũng phải tính đến.
Hiện mọi người cứ yêu cầu là phải chính xác nguồn vốn thế nào thì chưa thể có được vì chủ trương thông qua mới có báo cáo khả thi, sau đó mới kêu gọi đầu tư. Quy định là phải xin chủ trương trước. Nếu Quốc hội thông qua thì Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp để thực hiện các bước tiếp theo.
Liệu chuyện đội giá, trượt giá có xảy ra ở dự án này không, thưa Bộ trưởng?
Các dự án CHK làm không trượt giá, như Tân Sơn Nhất, Nội Bài không trượt giá. Nhiều dự án giao thông lớn đang triển khai như QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên cũng không trượt giá mà vẫn có dư. Trước đây, có một số dự án giao thông do thi công quá chậm nên bị trượt giá hoặc khi phê duyệt dự án sớm, nhưng triển khai chậm nên trượt giá.
Nếu triển khai dự án CHK Long Thành thì những dự án khác, chẳng hạn như đường sắt Bắc - Nam có ảnh hưởng gì không, thưa Bộ trưởng?
Đầu tư một dự án cụ thể về giao thông phải xem xét trên tổng thể tái cơ cấu ngành giao thông và tái cơ cấu ngành cũng phải đặt trong tổng thể tái cơ cấu của cả nền kinh tế. Nên khi tính toán đầu tư một dự án, đầu tư hàng không cũng phải gắn với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và ngược lại. Gắn kết giữa các phương thức vận tải để tạo thống nhất, tổng thể, hiệu quả.
Cái yếu của ta hiện nay là khả năng kết nối giữa các phương thức. Cứ hàng không biết hàng không, đường sắt biết đường sắt. Làm sao để đi từ Lào Cai vào Tp. Hồ Chí Minh, người ta chỉ cần mua một cái vé là tự khắc sẽ vào đến nơi, không cần biết phải mua vé tàu đến đâu, đường sắt đến đâu, hàng không đến đâu. Sau này kết nối sẽ như vậy.
Dự án đường sắt Bắc Nam không phải là sẽ chậm lại mà dự án đó cũng chưa báo cáo Quốc hội. Phía Nhật đang giúp đỡ, nhưng cũng sẽ phải có sự phân kỳ, làm từng đoạn một. Phía bạn tư vấn cho ta sẽ làm trước đoạn Tp. HCM - Nha Trang, rồi đoạn Hà Nội - Vinh... là những đoạn tuyến có mật độ cao.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Bình Minh - Thiện Anh (ghi)
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận