Để Vinalines phục hồi, cần nhiều thời gian và sự nỗ lực lớn |
Vinalines vẫn đối mặt nhiều khó khăn
Sáng nay (13/4), Bộ trưởng Đinh La Thăng chủ trì làm việc với Vinalines (VNL) về tình hình sản xuất kinh doanh (SXKD) và công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp.
Theo ông Lê Anh Sơn, Tổng giám đốc VNL, khó khăn lớn nhất của đơn vị này là cước vận tải sụt giảm nghiêm trọng và tái cơ cấu tài chính rất nan giải.
Sản lượng của VNL quý I/2015 có nhỉnh hơn cùng kỳ năm 2014. Vận tải đạt 6,9 triệu tấn và 23,4 tỷ TKm, bằng 26% kế hoạch năm và tăng 2% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng khai thác cảng đạt 19,8 triệu tấn, bằng 24% so với kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2014. Song tổng doanh thu quý I chỉ đạt 3.965 tỷ đồng, bằng 21% kế hoạch năm và bằng 90% thực hiện cùng kỳ năm 2014.
Giá cước vận tải và cho thuê tàu giảm trên cả 3 thị trường tàu hàng khô, tàu container và tàu dầu từ cuối năm 2008 đến nay gây thêm khó khăn lớn cho Tổng công ty.
Cùng đó, ông Sơn cho biết, kết quả tái cơ cấu nợ của các công ty vận tải biển chưa đạt như kỳ vọng. Đàm phán nợ với các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước chững hẳn lại, do các tổ chức tín dụng kỳ vọng vào sự phục hồi của VNL. Đến nay, đàm phán gần như dừng lại, nhất là sau khi VNL thoái vốn cảng biển khá thành công và trình Thủ tướng Chính phủ phương án CPH công ty mẹ. Dư nợ gốc đến 31/3/2015 của VNL vẫn còn rất lớn, tới 8.739,51 tỷ đồng
Theo ông Sơn, điều này dẫn đến VNL bị thiếu hụt dòng tiền. Các công ty vận tải biển phải áp dụng phương thức cho thuê tàu định hạn để duy trì hoạt động, tiềm ẩn nhiều rủi ro bị bắt giữ tàu do phát sinh tranh chấp với bên thứ ba.
Sự cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, giao nhận hàng hóa ngày càng gia tăng. Các tập đoàn logistics nước ngoài đến nay đã được thành lập công ty 100% vốn, hiện đang chiếm khoảng 80% thị phần logistics Việt Nam nên các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn khi yếu thế hơn hẳn về vốn hoạt động, mạng lưới hoạt động.
Không ảo tưởng về VNL
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, phải xác định việc tháo gỡ khó khăn cho VNL là nhiệm vụ chính trị, phải có quyết tâm cao nhất. "Đừng có ai ảo tưởng rằng giải quyết nó dễ dàng, VNL ngày một ngày hai bỗng lột xác trở thành DN mạnh mẽ ngay là không có. VNL muốn lột xác cần phải tiếp tục nỗ lực, quyết tâm chính trị rất cao, và cũng cần có thời gian", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, có 2 nội dung phải tập trung giải quyết, đó là tái cơ cấu tài chính và đổi mới quản trị DN của VNL. Nếu không tái cơ cấu được tài chính, việc CPH VNL cũng chỉ là hình thức.
Hỗ trợ VNL tiếp tục tái cơ cấu tài chính, giải quyết với các tổ chức tín dụng, Bộ trưởng giao Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì cùng với VNL làm việc với Công ty mua bán nợ (DATC), Vụ Đổi mới DN của văn phòng Chính phủ, từng tổ chức tài chính để giải quyết từng vấn đề liên quan. Quan điểm giải quyết là bám theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, bán nợ qua DATC theo cơ chế xóa nợ lãi, giải quyết theo tỉ lệ 30/70 đối với nợ gốc, hoặc chuyển nợ thành vốn góp với tỉ lệ thỏa thuận, có thể 2 đồng nợ thành 1 đồng vốn góp.
Bộ trưởng chỉ đạo: “Việc các tổ chức tín dụng cho rằng VNL có thể nhanh chóng phục hồi và có thể giữ nguyên được vốn cho vay là ảo tưởng, trong tình huống này chỉ có thể lựa chọn lấy cái đỡ xấu hơn mà thôi”
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng, thời gian qua VNL đã rất nỗ lực, tuy nhiên năm nay SXKD tiếp tục khó khăn do thị trường đi xuống, những nỗ lực đòi hỏi phải lớn hơn nữa. Tổng công ty phải rà soát lại thu chi, giảm chi tối đa, cắt tất cả những khoản chi không cần thiết. Vận tải biển phải cơ cấu lại, rà soát xem có bao nhiêu tàu, lỗ lãi từng tàu cụ thể bao nhiêu và đề xuất bán cái nào giữ cái nào, phải tính toán hết sức cụ thể, không chung chung; Phải giao kế hoạch SXKD cụ thể cho từng đơn vị, đặc biệt các đơn vị cảng biển, để hoạt động này có thể bù trừ hoạt động khác, cố gắng cân đối thu chi.
Bộ trưởng cũng yêu cầu VNL tiếp tục đổi mới quản trị DN, xem xét lại các đơn giá, định mức, xóa bỏ trung gian không cần thiết. Tổng công ty phải tìm kiếm thị trường, khai thác tốt thị trường trong nước, vươn dần ra nước ngoài. Đặc biệt với cảng biển, phải tập trung đầu tư cho bốc xếp. "Hiện bốc xếp tại cảng biển VN xếp thứ 7 khu vực, thời gian quá lâu, dịch vụ kém là không thể chấp nhận được", Bộ trưởng nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận