Giao thông

Bộ trưởng Thăng: Phải đầu tư hiệu quả các dự án đường sắt đô thị

12/09/2014, 15:27

Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, các dự án đường sắt đô thị đều có vốn đầu tư rất lớn phải đi vay của nước ngoài và một phần vốn đối ứng trong nước, vì vậy phải sử dụng hiệu quả nhất.

Chỉ đạo tại cuộc họp sáng nay (12/9) về thực hiện đường sắt đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, các dự án đường sắt đô thị đều có vốn đầu tư rất lớn phải đi vay của nước ngoài và một phần vốn đối ứng trong nước. Dù là nguồn vốn nào, cũng đều là tiền thuế của dân đóng góp và phải trả nợ, vì vậy phải sử dụng hiệu quả nhất. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ GTVT mà còn là của cả các địa phương có dự án.

Toàn cảnh cuộc họp
Toàn cảnh cuộc họp

Dự án nào cũng chậm vài năm

Tham dự buổi họp sáng nay có đại diện các Bộ Công an, Xây dựng, Kế hoạch đầu tư, Ban QLDA đường sắt đô thị Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh... Trước đó, Văn phòng Chính phủ có thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ GTVT trên cơ sở báo cáo của Bộ Công an, làm việc với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Theo quy hoạch, cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đều có 8 tuyến đường sắt nội đô. Tuy nhiên đến nay, các dự án này đều chậm đến vài năm. Hà Nội có 4 dự án đang được triển khai là Dự án đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo. Hai dự án này do UBND TP. Hà Nội là cấp quyết định đầu tư.  Dự án xây dựng tuyến đường sắt số 1 giai đoạn 1 và đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT quyết định đầu tư.

TP. Hồ Chí Minh có 2 dự án đang thực hiện là đường sắt đô thị số 1 tuyến Bến Thành - Suối Tiên và đường sắt số 2 tuyến Bến Thành - Tham Lương đều do UBND TP. Hồ Chí Minh quyết định đầu tư. Tuy nhiên, tất cả các dự án này đều chậm độ từ 2 đến 3 năm và phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, các dự án chủ yếu được đầu tư bằng nguồn vốn ODA và một phần vốn đối ứng trong nước. Dự án có quy mô lớn, công tác giải phóng mặt bằng phức tạp nên gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng từ 61% đến 172%  và phải điều chỉnh tiến độ.

Lý giải nguyên nhân này, ông Hoằng đưa ra 4 lý do chính khiến tăng tổng mức đầu tư như: cơ chế chính sách, biến động giá tiền lương, vật liệu xây dựng và tỷ giá. Các dự án này có tính chất phức tạp, chưa phù hợp hoặc thiếu cả về giải pháp kỹ thuật lẫn khối lượng. Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư gặp nhiều khó khăn và kéo dài. Hơn nữa công trình đường sắt nội đô còn mới đối với nước ta, công nghệ và thiết bị đều mới, nhiều vật tư chuyên dụng khó kiểm soát về giá.

Về việc chậm tiến độ, ông Hoằng cho biết, các dự án đi qua nhiều tuyến phố trung tâm nên gặp nhiều khó khăn trong khâu lập, điều chỉnh chỉ giới và thỏa thuận quy hoạch kiến trúc cũng như giải phóng mặt bằng. Các quy định về đầu tư theo pháp luật của Việt Nam có sự khác biệt so với các quy định của nhà tài trợ nên mất nhiều thời gian. Hơn nữa, việc lựa chọn công nghệ và thiết bị, nhà thầu dự án đều bị ràng buộc điều kiện với nhà tài trợ.

Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt của Bộ GTVT cho biết, tổng mức đầu tư phải điều chỉnh tăng có nguyên nhân do biến động tỷ giá giữa đồng Nhân dân Tệ với đồng USD và còn có cả lý do lạm phát. Hơn nữa, thời gian thực hiện dự án kéo dài, thiết kế dự án thay đổi. 

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội lại cho rằng không nên đổ lỗi cho công tác giải phóng mặt bằng chậm khiến dự án thực hiện chậm, dẫn đến tăng tổng mức đầu tư. 

Theo ông Hùng, có những dự án đường sắt đô thị dù chưa làm gì đã phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng. Nguyên nhân do chưa có khung pháp lý, các bộ ngành và địa phương chưa thực sự phối hợp tốt với nhau trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó, ngay từ khâu nghiên cứu lập dự án còn sơ sài, giá cả chỉ tính ở thời điểm đấy. Ông Hùng cũng đề nghị không nên phê duyệt biện pháp thi công khi chưa có mặt bằng.

Còn ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh cho biết, đường sắt đô thị ở ta hiện chưa có khung tiêu chuẩn nào để áp dụng. Công tác giải phóng mặt bằng nên được áp dụng theo một cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thi công.

Theo đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư, các dự án đường sắt đô thị ở ta ngay từ khi nghiên cứu khả thi đến thiết kế kỹ thuật và giám sát thi công đều phụ thuộc nhà tài trợ dẫn đến không thể chủ động được. Đề nghị rà soát lại thật kỹ các dự án đường sắt đô thị đang và sẽ thực hiện và phải có tiêu chuẩn chung cho đường sắt đô thị.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông

Nhiều giải pháp gỡ khó

Để giải quyết được những tồn tại này, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề nghị ngay khi lập dự án, chủ đầu tư phải khẳng định được vai trò của mình. Cần tách khâu giải phóng mặt bằng thành một tiểu dự án riêng. Trong thời gian tới cần nghiên cứu phát triển công nghiệp cho đường sắt, để tránh tình trạng hiện nay bất cứ thiết bị gì chúng ta cũng phải nhập khẩu.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, các dự án đường sắt đô thị đều có vốn đầu tư rất lớn phải đi vay của nước ngoài và một phần vốn đối ứng trong nước. Dù bất cứ nguồn vốn nào, cũng đều là tiền thuế của dân đóng góp và phải trả nợ. Vì vậy cần phải sử dụng hiệu quả các nguồn vốn. Đây không chỉ là trách nhiệm của Bộ GTVT mà còn là của cả các địa phương có dự án.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư chủ trì lập báo cáo cụ thể tình hình thực hiện các dự án, rõ trách nhiệm, tồn tại bất cập và đưa ra được nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan. Công khai cho người dân biết, không được né tránh trách nhiệm, đổ lỗi cho khách quan. 

Bộ trưởng cho biết sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Ban Chỉ đạo để thực hiện hiệu quả các dự án đường sắt đô thị. Rà soát kỹ các văn bản quy phạm pháp luật. Nếu cần thiết sẽ làm hẳn Nghị định về đường sắt đô thị. Khẩn trương ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức đường sắt đô thị.

Bộ trưởng yêu cầu phải đảm bảo an toàn trong quá trình vừa thi công vừa khai thác và bảo vệ môi trường. Hà Nội sớm thành lập công ty quản lý đường sắt đô thị, thống nhất vé để sau này người dân có thể dùng một loại vé để sử dụng được tất cả phương tiện vận tải công cộng. Đối với các nhà thầu, Bộ trưởng yêu cầu phải rà soát lại toàn bộ. Nhà thầu nào yếu kém phải thay thế ngay. Bộ trưởng cũng đề nghị các Bộ ngành liên quan tiếp tục phối hợp để đẩy nhanh tiến độ dự án và giải quyết các vướng mắc phát sinh; chống thất thoát và tham nhũng tại các dự án.

Thiện Anh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.