Từ sáng nay (4/6), Quốc hội bắt đầu 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Công an Tô Lâm là thành viên Chính phủ đăng đàn đầu tiên.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Quốc hội sẽ áp dụng những cải tiến tại kỳ họp trước. Thành viên Chính phủ được chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn.
Một số thành viên Chính phủ sẽ tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn. Mỗi lượt có 5 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút, người bị chất vấn trả lời không quá 3 phút/chất vấn.
"Tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, đại biểu Quốc hội tăng cường tranh luận đến cùng với các thành viên Chính phủ, trưởng ngành về những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 3 phút, thông tin tranh luận phải chính xác, đúng phạm vi chất vấn, không lạm dụng đăng ký tranh luận để đặt câu hỏi chất vấn. Khi cần thiết, giữa các đại biểu có thể trao đổi lại với nhau nhưng cần cụ thể, đúng trọng tâm vấn đề chất vấn", Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý thêm: Tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người được chất vấn.
Ngay phần mở đầu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thông báo, đã có 49 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm.
Không để Việt Nam thành điểm trung chuyển ma túy
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Đồng Tháp), Trương Yến Linh (Cà Mau), Nguyễn Thanh Hiển (Lâm Đồng) liên quan đến vấn đề tội phạm ma tuý, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, tội phạm ma tuý là tội phạm quốc tế. Không một quốc gia nào không có sự hợp tác mà có thể giải quyết được tội phạm ma tuý.
Thách thức lớn là Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của khu vực “tam giác vàng” là trung tâm sản xuất, buôn bán ma tuý lớn thứ 2 thế giới. Thời gian gần đây, các đối tượng tại khu vực “tam giác vàng” đã ứng dụng khoa học, công nghệ để sản xuất ma túy tổng hợp, nên sản lượng nhiều hơn, giá thành rẻ hơn, tạo áp lực rất lớn đến tình hình trong nước.
Bên cạnh đó, công tác cai nghiện còn nhiều khó khăn, số người nghiện ma túy còn nhiều, tạo ra nhu cầu sử dụng ma túy rất lớn trong nước.
Năm 2018, Bộ Công an đã chỉ đạo tập trung chuyển hóa các địa bàn phức tạp về ma túy tại các tỉnh Tây Bắc, trong đó đã tập trung trấn áp số đối tượng nguy hiểm cầm đầu các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy tại bản Tà Dê, xã Loóng Luông, Vân Hồ, Sơn La. Sau khi tấn công mạnh trên tuyến Tây Bắc, dự báo các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy sẽ chuyển hướng hoạt động sang các địa bàn khác, nhất là tuyến miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam.
“Với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, chúng tôi hoàn toàn có thể ngăn chặn ma tuý và không để Việt Nam trở thành nơi trung chuyển của loại tội phạm này”, Bộ trưởng khẳng định.
Đề xuất xây dựng Luật đảm bảo trật tự ATGT
Về vấn đề kiểm soát TTATGT cũng như việc chấp hành xử phạt, nộp phạt vi phạm ATGT còn chưa nghiêm, dễ dẫn đến nhờn luật như chất vấn của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ đã nhận thấy có bất cập.
Hiện nay, điều chỉnh vấn đề TTATGT mới chỉ trên cơ sở Luật Giao thông đường bộ. Với phạm vi Luật này, việc điều chỉnh, quản lý, đảm bảo TTATGT chưa đáp ứng được yêu cầu. Thời gian tới, Bộ Công an sẽ đề xuất xây dựng Luật đảm bảo TTATGT. Đây là vấn đề gây bức xúc hiện nay của cử tri.
Về năng lực, đạo đức của lực lượng cảnh sát, năng lực thực thi pháp luật của CSGT, Bộ Công an đã phát hiện vấn đề này. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức lại lực lượng CSGT, nâng cao đạo đức, giảm tiêu cực trong lực lượng CSGT", Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Bộ Công an chỉ thống kê số người chết do TNGT tại hiện trường
Chất vấn về chênh lệch giữa số liệu thống kê của Bộ Công an và Bộ Y tế, ĐBQH Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) nói: "Con số số thống kê của Bộ Công an chỉ bằng 1/2 so với Bộ Y tế và chỉ bằng 1/3 số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, giải pháp là gì?". Đây cũng là vấn đề được đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) đặt câu hỏi trước đó.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, số lượng người chết vì tai nạn giao thông mà Bộ Công an thống kê chủ yếu tại hiện trường, nơi xảy ra vụ tai nạn. Thống kê của cơ quan y tế có thể khác là vì lúc thông kê khi bị tai nạn thì nạn nhân chỉ bị thương, đến khi đưa vào bệnh viện mới chết, thậm chí sau một thời gian điều trị, nạn nhân mới chết.
Không đồng ý với phần trả lời của Bộ trưởng Tô Lâm, ĐB Hoà tranh luận lại: "Số người chết do tai nạn giao thông giữa Bộ Công an và Bộ Y tế chưa thuyết phục. Đến bệnh viện chết mà Bộ Công an không tính là không hợp lý. Nên chăng, Bộ Công an cần điều chỉnh lại việc thống kê cho hợp lý".
Tướng công an vi phạm hình sự đều đã bị xử lý nghiêm
Trong phần chất vấn của mình, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đặt câu hỏi vì sao số lượng tướng lĩnh công an vi phạm đến mức phải xử lý vừa qua rất nhiều và ai là người chịu trách nhiệm về quá trình đề bạt, bổ nhiệm.
Tuy nhiên, về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Công an Tô Lâm không trả lời. “Hiện các tướng công an vi phạm đều đã bị xử lý. Không có vùng trống nào cho các tướng công an vi phạm. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm", Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, để đề bạt, bổ nhiệm tướng lĩnh thì phải được thực hiện theo quy trình mà luật pháp đã quy định. "Khi người ta tốt thì bổ nhiệm, nhưng sau khi bổ nhiệm có vi phạm phải xử lý, đây là điều rất bình thường. Bất kỳ ai vi phạm pháp luật cũng bị xử lý", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Giải cứu gần 1.900 nạn nhân mua bán người
Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nêu thực trạng tình trạng mua bán người đã xảy ra ở cả 63 tỉnh, thành phố. Theo báo cáo của Bộ Công an, đến cuối năm 2018 vẫn còn 519 được xác định là nạn nhân của mua bán người vẫn chưa được giải cứu. Bà Thảo đề nghị Bộ trưởng Công an thông tin đến nay liệu đã giải cứu được số nạn nhân nói trên chưa. Cơ quan, tổ chức cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm nếu không giải cứu được các nạn nhân?
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Năm 2018 và quý I năm 2019, đã khởi tố hơn 244 vụ, 330 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi. Toà án các cấp đã xét xử 127 vụ, với 231 bị cáo phạm các tội về mua bán người. Tổ chức xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 1.900 trường hợp, trong đó, xác định 577 trường hợp là nạn nhân bị mua bán, còn lại là những người nhập cảnh, di cư trái phép; 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.
Thời gian tới, giải pháp được Bộ trưởng Tô Lâm đưa ra là tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nơi xảy ra tình trạng mua bán người, mang thai hộ - mua bán bào thai; thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, mang thai hộ - mua bán bào thai để nhân dân cảnh giác, chủ động phòng ngừa...
Cùng đó, Bộ sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý xuất nhập cảnh; Tổ chức cao điểm tấn công trấn áp loại tội phạm này, có sự phối hợp với các nước chung biên giới như Trung Quốc, Campuchia…
Vì sao Bộ Công an chỉ điều tra gian lận thi ở Hòa Bình, không điều tra ở Sơn La, Hà Giang?
ĐB Nguyễn Mạnh Cường – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội dẫn chứng vụ gian lận tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 vừa qua gây bức xúc dư luận, nhiều cán bộ có hành vi can thiệp nâng khống điểm cho thí sinh, đồng thời đặt vấn đề vì sao vụ ở Hòa Bình thì Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vào cuộc, còn ở Sơn La và Hà Giang thì lại để cho Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh tiến hành.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, vụ gian lận ở Hòa Bình là do tỉnh có đề nghị Bộ vào cuộc, còn ở 2 địa phương còn lại thì việc cơ quan điều tra của tỉnh làm là đúng thẩm quyền. Bộ Công an cùng VKSND tối cao và VKSND địa phương giám sát vấn đề này. “Hiện chưa thấy hiện tượng điều tra xử lý không khách quan hay để lọt người, lọt tội”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.
Khả năng gây án của đối tượng ngáo đá là rất lớn
Trả lời câu hỏi về vấn đề quản lý đối tượng ngáo đá như chất vấn của ĐB Huỳnh Thanh Cảnh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết giải pháp đưa ra hiện nay là tăng cường hướng dẫn công an địa phương để quản lý nhóm đối tượng này. Bộ hướng dẫn các biện pháp nghiệp vụ để nhận diện, lên danh sách các đối tượng ngáo đá để có các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các đối tượng này ngay tại địa phương. "Dù khả năng gây án của nhóm đối tượng này là rất lớn. Tuy nhiên, nếu họ vẫn chưa phạm tội nên chưa thể xử lý được, chỉ có thể theo dõi và phòng tránh" – Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
1 bánh heroin lọt vào Việt Nam, thêm 10 gia đình có người đi tù
Đặt câu hỏi về hiệu quả của việc cai nghiện tại cộng đồng, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), ĐB Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) muốn biết Bộ Công an có giải pháp gì.
Trả lời, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết hiện cầu ma tuý đang tăng, số người nghiện ma tuý tăng chưa kiểm soát được. Khẳng định tội phạm ma tuý là tội phạm gốc của các loại tội phạm, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, theo ước tính thì cứ 1 bánh heroin lọt vào Việt Nam thì có 10 gia đình có người vi phạm pháp luật.
Đề cập giải pháp, Bộ trưởng Công an cho biết cần tổng kết để báo cáo cơ quan chức năng về việc xem xét lại quy định hiện hành là không xử lý hình sự người sử dụng ma túy. Bởi đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm ma túy gia tăng.
Có chiến sĩ không chịu nổi áp lực đã bảo kê cho tội phạm
Trả lời câu hỏi của ĐB Lưu Bình Nhưỡng về việc các băng nhóm tính dụng đen có sự bảo kê, bao che của một số cán bộ công an thoái hoá, biến chất, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: "Tội phạm băng nhóm có diễn biến phức tạp, không từ thủ đoạn nào để tấn công, vô hiệu hoá lực lượng công an. Từ làm quen, các đối tượng này có mối quan hệ, dụ dỗ, mua chuộc thậm chí tấn công, đe doạ chiến sĩ công an, gia đình người thân chiến sĩ. Nếu đe doạ không được, các đối tượng này lại tiếp tục dùng thủ đoạn xuyên tạc, vu khống, hạ uy tín. Có những chiến sĩ không chịu được áp lực, có quan hệ với tội phạm, làm ngơ để tội phạm hoạt động, thậm chí có bảo kê, hợp tác với đối tượng tội phạm. Chúng tôi kiên quyết loại bỏ những cán bộ này, xử lý nghiêm lực lượng bảo kê, không có vùng cấm, bất kể ở cấp nào".
Quốc hội biểu quyết không cấm người uống rượu lái xe, đo nồng độ cồn sẽ rất khó khăn
Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về sự nguy hiểm của việc uống rượu bia vẫn lái xe, "nhiều người sáng ra đi làm không chắc chiều có về nhà hay không", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết mục tiêu cao nhất của ngành công an là xây dựng trật tự kỷ cương, an toàn xã hội, để làm sao một xã hội không có tội phạm.
Về giải pháp, Bộ trưởng cho hay sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan. Ngành GTVT phát triển hạ tầng giao thông, lực lượng công an tổ chức giao thông, xử lý vi phạm. Người đứng đầu Bộ Công an một lần nữa nhấn mạnh việc sẽ kiến nghị Quốc hội xây dựng Luật đảm bảo TTATGT với nhiều chế tài nghiêm minh, trong đó có chế tài kiểm soát sử dụng chất kích thích, kiểm soát người uống rượu bia khi tham gia giao thông.
"Với biểu quyết của quốc hội hôm qua thì sẽ rất khó khăn cho chúng tôi. Việc đo nồng độ cồn sẽ rất khó khăn khi mà Luật không cấm người uống rượu bia lái xe”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giơ biển xin tranh luận lại, ĐB Kim Thuý (Đà Nẵng) bày tỏ sự không đồng tình với Bộ trưởng Tô Lâm khi Bộ trưởng cho rằng việc không đưa vào Luật phòng chống tác hại rượu bia quy định liên quan đến hành vi sử dụng rượu bia không được tham gia giao thông.
"Không đưa vào Luật phòng chống tác hại rượu bia không có nghĩa là bỏ trống mà đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ và Luật xử lý vi phạm hành chính", bà Thúy nêu rõ.
Bổ sung thêm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: "Hôm qua, Quốc hội có xin ý kiến của ĐBQH về chế tài xử phạt với lái xe có sử dụng rượu bia trong dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia. Đúng như ĐB Thuý nói là không phải Quốc hội không muốn xử phạt người sử dụng rượu bia lái xe mà Luật hiện hành đã quy định. Tuy nhiên, quá bức xúc với tình trạng sử dụng rượu bia vẫn lái xe, trong thảo luận, nhiều đại biểu đề nghị tăng chế tài lên. Cứ uống rượu bia là không được lái xe. Về 2 phương án lấy ý kiến ngày hôm qua, ý kiến của ĐBQH là ngang nhau, chưa phương án nào quá bán. Không nên hiểu lầm pháp luật không có quy định nào để xử lý quy định này. Chúng ta sẽ thực hiện xử phạt theo quy định hiện hành".
Trả lời thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: "Đúng là Luật hiện hành có quy định nhưng trên thực tế có khó khăn".
Vụ bé gái 9 tuổi bị hiếp dâm: Đã kỷ luật Phó viện trưởng VKSND Chương Mỹ
ĐB Mai Thị Phương Hoa đề cập về vụ án hiếp dâm bé gái 9 tuổi xảy ra tháng 2/2019 tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, lúc đầu cơ quan điều tra huyện ra quyết định khởi tố tội dâm ô với bị can dù dấu hiệu tội hiếp dâm rõ ràng, sau đó nhờ dư luận vào cuộc, Công an TP.Hà Nội đã ra quyết định khởi tố bị can tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, bắt tạm giam.
“Xảy ra tình trạng này là do sợ bị oan sai, Viện kiểm sát quá thận trọng hay còn yếu về nghiệp vụ?", bà Hoa đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn này, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho biết: "Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã đề nghị VKS huyện Chương Mỹ phê chuẩn để khởi tố tội dâm ô và phía VKS đã đồng ý. Dư luận sau đó có nhiều ý kiến trái chiều về vụ việc. Lãnh đạo VKSND tối cao đã yêu cầu VKSND Hà Nội kiểm tra lại sự việc, đồng thời chỉ đạo VKS huyện Chương Mỹ phê chuẩn quyết định khởi tố theo hướng phải là tội Hiếp dâm trẻ em".
Về trách nhiệm của cán bộ liên quan trong việc xác định và phê chuẩn không đúng tội danh, Viện trưởng VKSND tối cao cho biết đã chỉ đạo VKSND Hà Nội kỷ luật Phó viện trưởng VKS huyện Chương Mỹ và kiểm sát viên thụ lý vụ án. Về công tác điều tra, lãnh đạo VKSND tối cao cho hay vụ án ban đầu thuộc thẩm quyền của cơ quan điều tra của địa phương, nhưng sau đó cơ quan điều tra Bộ Công an đã trực tiếp thụ lý.
Cơ sở pháp lý cho hiệp sĩ đường phố hoạt động
ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) cho biết, hiện trên địa bàn xuất hiện nhiềm nhóm, tổ chức xã hội đen lừa phụ nữ đưa vào tụ điểm mại dâm trá hình. Trước tình hình này, địa phương cũng đã xuất hiện tổ thanh niên tình nguyện dấn thân giải cứu người bị hại. “Vậy những tổ chức tình nguyện như vậy hoạt động và được bảo vệ bởi cơ sở pháp lý nào?”, ĐB nêu câu hỏi.
Hoan nghênh tổ chức quần chúng, các nhóm hiệp sĩ tình nguyện tham gia gìn giữ an ninh trật tự xã hội trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: “Bộ Công an đang đề xuất Quốc hội xây dựng Luật Lực lượng trị an cơ sở, tạo hành lang pháp lý hoạt động cho các lực lượng quần chúng tham gia tích cực tham gia phòng chống đấu tranh tội phạm. Theo đó, đối tượng điều chỉnh luật là công an không chính quy, lực lượng dân phòng, bảo vệ cơ quan trường học, hiệp sĩ đường phố…".
Giám sát người Trung Quốc mua bất động sản dưới tên người Việt
ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đặt vấn đề Bộ Công an được nhận định đi đầu trong tinh giản biên chế, tuy nhiên trong thực tế lại có nhiều bất cập trong việc triển khai nhiệm vụ do lực lượng mỏng. Giải pháp nào vừa tinh giản biên chế mà vẫn thực hiện được chức trách nhiệm vụ quản lý là câu hỏi ông Quốc gửi tới Bộ trưởng Tô Lâm.
Ngoài ra, vị đại biểu Đồng Nai cũng dẫn ra thực trạng, người Việt Nam đứng tên thay người Trung Quốc mua bất động sản ở một số địa phương. “Theo Bộ trưởng, hoạt động này là giao dịch thương mại đơn thuần hay sẽ gây ảnh hưởng tới tình hình an ninh quốc gia?”, ông Quốc chất vấn.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, song song việc tinh giản biên chế vẫn đảm bảo hiệu quả khâu tổ chức thực hiện. “Mặc dù tinh giản song chúng tôi vẫn tăng cường lực lượng công an xuống cơ sở kể cả xã vùng biên giới bởi đây được xác định là địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự”.
Đối với tình hình vi phạm trật tự giao thông, dù ngày càng phức tạp song ông Lâm khẳng định Bộ Công an sẽ không tăng thêm lực lượng CSGT mà thay vào đó huy động sự vào cuộc các ngành các cấp.
Liên quan tới vấn đề người nước ngoài đầu tư bất động sản, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định cơ quan chức năng luôn tạo điều kiện phát triển thị trường lành mạnh, bên cạnh đó vẫn tập trung đảm bảo tình hình an ninh trật tự. “Từng địa hình, mật độ dự án như thế nào, mật độ nước ngoài ra sao đều được giám sát, điều chỉnh đảm bảo an ninh quốc gia”, ông Lâm nói.
Khôi phục quy định xử lý hình sự người sử dụng ma tuý
Trả lời câu hỏi của các ĐBQH Phan Thái Bình (Quảng Nam), Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) cho rằng số người nghiện ma tuý ngày càng có xu hướng tăng, trong đó có nguyên nhân từ quy định người nghiện ma tuý không bị xử lý hình sự, đưa người nghiện vào cai nghiện thì rất khó khăn, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: "Điều 199 Bộ Luật hình sự đã bỏ quy định về xử lý hình sự người sử dụng ma tuý. Trong thời gian tới, Bộ Công an và cá nhân tôi hứa sẽ đề nghị sửa đổi luật, khôi phục quy định này nhằm phòng chống ma tuý hiệu quả hơn:.
Nhấn mạnh các đối tượng phạm tội ma tuý hoạt động rất phức tạp, trong đó chúng mong muốn gia tăng số người nghiện để tăng nhu cầu sử dụng, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay: "Nếu chúng ta có quy định mạnh mẽ, có các biện pháp đấu tranh hiệu quả hơn thì sẽ góp phần phòng, chống tội phạm ma tuý. Lực lượng chức năng sẽ không để vụ án xảy ra mới đến xử lý, mà công tác phòng chống, ngăn chặn, xây dựng xã hội kỷ cương an toàn, cho người dân có môi trường an lành mới là mục tiêu của ngành công an; phải xử lý, ngăn chặn tội phạm nảy sinh từ cơ sở".
Đối tượng có quyền, có tiền bỏ trốn khi bị khởi tố, có phải do lộ lọt thông tin?
Trả lời chất vấn của ĐBQH Nguyễn Hoàng Mai (Tiền Giang) về tình trạng một số vụ án liên quan đến người có tiền, có quyền phạm tội khi bị khởi tố thì đối tượng bỏ trốn, liệu có việc lộ, lọt thông tin xảy ra trong quá trình điều tra tội phạm hay không, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã lường trước vấn đề này.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp, trong đó có việc luật hình sự phải có quy định phù hợp, để làm sao vừa bảo đảm quyền công dân vừa không bỏ lọt tội phạm. Về phía ngành công an cũng sẽ thực hiện các biện pháp mà pháp luật cho phép nhằm ngăn chặn các đối tượng bỏ trốn”, Bộ trưởng khẳng định.
Xử lý việc cán bộ cấu kết với xã hội đen thế nào?
ĐB Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) nêu thực trạng đang có một số cán bộ công chức, công an có biểu hiện câu kết với người có tiền, có quyền, với một số đối tượng cộm cán ngoài xã hội, hoạt động với phương châm khép kín, giấu mình để can thiệp việc công nhằm trục lợi, dằn mặt những ai tố cáo liên quan đến lợi ích nhóm của họ.
Cho rằng đây là loại hình hoạt động mang tính xã hội đen, ĐB Diến chất vấn cách xử lý cũng như trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng.
Về câu hỏi này, Bộ trưởng Tô Lâm cho rằng đã trả lời câu hỏi tương tự của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trước đó. Không đồng ý, đại biểu Mai sỹ Diến tiếp tục tranh luận: "Hiện nay, việc xử lý đối tượng hoạt động xã hội đen rất rõ hành vi, rất dễ xử lý. Vấn đề tôi quan tâm là việc cấu kết của cán bộ công chức, cán bộ ngành công an. Bộ công an cần có chuyên án xử lý đối tượng này”, đại biểu kiến nghị.
Xử nghiêm cán bộ cốt cán trong ngành công an vi phạm
ĐB Hoàng Đức Thắng, Quảng Trị, đặt vấn đề: Tình hình vi phạm pháp luật ngay trong lực lượng công an nhân dân có dấu hiệu gia tăng, trong đó có cả cán bộ cấp cao. Bộ Công an có giải pháp nào khắc phục tình trạng này nhằm đảm bảo kỷ cương?
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, từ trước tới nay, lực lượng tội phạm luôn tìm cách thâm nhập, mua chuộc, vô hiệu hóa lực lượng công an. “Nhận thức rõ để hoàn thành nhiệm vụ, trước hết công an cần phải giữ mình trong sạch, nghiêm chỉnh chấp hành kỷ cương pháp luật. Xây dựng lực lượng công an trong sạch vững mạnh cũng là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Một khi cán bộ trong ngành bị phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm, kiên quyết đưa những phần tử đó ra khỏi ngành”, ông Lâm khẳng định.
90% học viên cai nghiện tái nghiện
Tham gia giải trình thêm về chất lượng cơ sở cai nghiện hiện nay, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, cho biết hiện cả nước có 120 cơ sở cai nghiện trong đó có 105 cơ sở công lập; tổng số học viên cai nghiện hiện có khoảng 40 nghìn người.
Đáng lưu ý, 43% đối tượng cai nghiện đều có tiền án tiền sự, nhất là các tỉnh phía Nam có tới 90% người sử dụng ma túy đá.
“Sau khi triển khai Đề án đổi mới công tác cai nghiện, tới nay, các cơ sở cai nghiện ma túy được quản lý tốt hơn, nhất là trong việc phân loại đối tượng nghiện, tạo ra môi trường thân thiện, mở ra cơ hội đào tạo nghề, hỗ trợ sau cai nghiện… Tuy nhiên hầu hết cơ sở đang rơi vào tình trạng quá tải, có nơi gấp 4 lần so với quy mô thiết kế. Ngoài ra, mỗi loại nghiện lại cần có một phác đồ điều trị khác nhau, trong khi đó, các cơ sở rất hạn chế về cơ sở vật chất, thiếu bác sĩ có chuyên môn sâu”, ông Dung thông tin..
Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, tình trạng quá tải, thiếu cơ sở vật chất đã dẫn tới một số vụ học viên nổi loạn phá trại. Về chất lượng cơ sở cai nghiện, ông Dung thừa nhận hiệu quả đạt được rất thấp, 90% học viên sau cai nghiện lại tái nghiện.
“Số tái nghiện chủ yếu rơi vào độ tuổi thanh niên. Cần tăng cường tiến hành quản lý giáo dục tại gia đình, cộng đồng xã hội; cố gắng mọi biện pháp không để thanh niên vào con đường nghiện ngập. Đồng thời phải thực hiện cùng lúc 3 mô hình cai nghiện: cai nghiện cộng đồng, cai nghiện tại gia đình và cai nghiện bắt buộc. Trong đó, cai nghiện bắt buộc là con đường cuối cùng khi hai mô hình trên thất bại”, ông Dung đề xuất.
Phiên chất vấn Bộ trưởng Công an Tô Lâm tạm kết thúc vào lúc 11h30.
Chiều nay (4/6), người đứng đầu ngành Công an sẽ tiếp tục trả lời chất vấn với những đại biểu đã đăng ký nhưng chưa được hỏi, cũng như những câu hỏi đã được đại biểu nêu ra nhưng chưa trả lời.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận