Cần xem xét kỹ việc bổ sung cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi
Ngày 17/3, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tờ trình đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Dự án Luật Căn cước công dân (CCCD) sửa đổi do Bộ Công an chủ trì soạn thảo có nhiều điểm sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung quan trọng so với quy định tại Luật CCCD năm 2014.
Toàn cảnh phiên họp
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban cơ bản thống nhất với Chính phủ về đề xuất dự án luật.
Song, theo ông Tùng, đa số ý kiến trong Ủy ban đề nghị Chính phủ cân nhắc việc bổ sung đối tượng cấp thẻ CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi vì độ tuổi dưới 14, trẻ em đang trong quá trình phát triển thể chất nhanh nên thông tin nhận dạng khó chính xác.
Phần lớn trẻ em ở độ tuổi này không tự mình hoặc không được phép thực hiện các giao dịch hành chính, dân sự mà phải có người đại diện.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Thay mặt Ủy ban, ông Tùng cũng đánh giá, hồ sơ đề nghị của Chính phủ chưa đánh giá đầy đủ về nhu cầu cấp thẻ đối với đối tượng dưới 14 tuổi (dù việc cấp thẻ là không bắt buộc, không phát sinh chi phí).
Mặt khác, khi xem xét thông qua Luật CCCD năm 2014, vấn đề này đã được thảo luận và Quốc hội đã xác định chỉ cấp thẻ CCCD cho trẻ từ 14 tuổi trở lên.
Một số ý kiến khác cho rằng, việc đề xuất bổ sung là phù hợp trong bối cảnh đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia hiện nay nhưng đề xuất làm rõ hơn về xác định nhận dạng với trẻ dưới 14 tuổi để ghi nhận trong thẻ CCCD, xác định lộ trình thực hiện theo từng lứa tuổi nhất định để đảm bảo khả thi.
Về tích hợp các thông tin vào CCCD, ông Tùng cho biết, thông tin đề xuất tích hợp bổ sung đều là thông tin cá nhân gắn với quyền con người, quyền công dân nên đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động, thống nhất với các bộ, ban ngành để luật đưa ra có tính khả thi.
Một số ý kiến cho rằng, theo luật CCCD hiện hành, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân nên việc tích hợp các thông tin không phải về lai lịch, nhân dạng vào thẻ CCCD là không phù hợp với nội hàm.
Về bổ sung quy định về "tài khoản định danh điện tử", đề nghị thay thế Giấy chứng minh nhân dân vẫn còn thời hạn để chuyển sang hoàn toàn sử dụng bằng thẻ CCCD, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành đề xuất này của Chính phủ.
Rất nhiều bất cập khi trẻ dưới 14 tuổi không có giấy tờ
Chia sẻ làm rõ thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng chú trọng giải đáp một số thắc mắc về việc cần thiết phải cấp CCCD cho trẻ dưới 14 tuổi.
Theo Bộ trưởng, có nhiều ý kiến băn khoăn về việc trẻ dưới 14 tuổi có cần CCCD không nhưng trên thực tế đã xuất hiện rất nhiều vấn đề.
"Vừa qua, chúng tôi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo về vấn đề này, phối hợp làm rõ một xã, phường có bao nhiêu trẻ em (bao nhiêu trẻ em cư trú, có hộ khẩu không có hộ khẩu, tạm trú tạm vắng…) để từ đó tính toán đến hệ thống giáo dục. Việc này phục vụ tốt cho các kỳ thi trong đó kỳ thi vào lớp 10 đã làm rất tốt, được chính quyền các địa phương, nhân dân đánh giá rất cao", Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại cuộc họp
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: "Đã nói là Chính phủ điện tử thì các cháu dưới 14 tuổi cũng cần giao dịch. Chẳng hạn như việc đăng ký sim điện thoại cũng cần phải có căn cước. Vậy các cháu dưới 14 tuổi phải làm như thế nào? Hay khi dùng phải lấy tên, CCCD của bố mẹ để đăng ký?"
Theo ông Tô Lâm, đi lại bây giờ cũng phải có giấy khai sinh nhưng loại giấy này chưa xác định được người đó và người trong giấy khai sinh có là một hay không, nảy sinh nhiều vấn đề rất phức tạp, bất cập.
Hay trong trường hợp trẻ em gặp tai nạn, đi lạc ở đường, khi có giấy tờ sẽ giúp ích rất nhiều.
"Một điểm nữa đó là, CCCD hiện nay là một trong những loại hiện đại trên thế giới. Chúng ta đang phấn đấu để thống nhất về giấy tờ trong ASEAN. Trong tương lai khối ASEAN phấn đấu có thể đi lại mà không cần phải xin visa như trong cộng đồng châu Âu và chỉ cần CCCD", Bộ trưởng Tô Lâm nói thêm.
Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh: "Chúng tôi cũng không làm thời hạn như người lớn mà với trẻ em thì có thể 5 năm thay đổi một lần. Mục tiêu của chúng ta là 100% công dân được đăng ký và quản lý".
Người đứng đầu Bộ Công an nhấn mạnh đây là vấn đề cần thảo luận kỹ để có thể bám sát với thực tế ngoài xã hội hiện nay.
Về việc bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam không có quốc tịch sinh sống tại Việt Nam, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh cho rằng, theo quy định, người không quốc tịch, thường trú, tạm trú tại Việt Nam... đã được xem xét cấp thẻ thường trú, do đó nên xem xét không cấp giấy chứng nhận căn cước cho nhóm đối tượng này để không trùng lặp, phát sinh thêm giấy tờ.
Bên cạnh đó, theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, có 31.117 trường hợp người gốc Việt Nam không xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, trong đó có nhiều người không có giấy tờ tùy thân, chưa được đăng ký cư trú nên cần có biện pháp quản lý phù hợp, tạo điều kiện để họ có thể tham gia vào các giao dịch dân sự, hành chính, dịch vụ công, nhất là các dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận