Chiều 15/8, tại phiên chất vấn của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trả lời câu hỏi của ĐBQH về tín dụng đen, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã nhiều lần đề ra nhiều giải pháp khắc phục tình trạng này, trong đó có việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12 giải quyết tội phạm liên quan đến tín dụng đen, phân công trách nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành.
Bộ Công an cũng đã có một kế hoạch chuyên đề riêng phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này. Kết quả, riêng 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Công an toàn quốc đã khởi tố 436 vụ, 766 bị can phạm tội liên quan tín dụng đen, đòi nợ thuê. Đã khởi tố 214 vụ, 947 bị ban liên quan tín dụng đen, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, quy định điều 201 Bộ luật Hình sự. Áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ làm tan rã khoảng 1.400 đường dây, tổ chức cho vay nặng lãi liên quan đến tín dụng đen.
“Do trấn áp mạnh nên tội phạm liên quan tín dụng đen đã được kiềm chế, giảm tính phức tạp so với trước đây, nhiều nơi các đối tượng tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Nhân dân cũng cảnh giác hơn với các hoạt động này”, Bộ trưởng Tô Lâm nhìn nhận.
Nhưng Bộ trưởng Công an cũng cho biết, tình hình hoạt động bảo kê tín dụng đen, cho vay nặng lãi vẫn còn phức tạp, có nơi có lúc còn gây lo lắng trong nhân dân. Việc xử lý tội phạm liên quan tín dụng đen gặp khó khăn khi các đối tượng có nhiều thủ đoạn lách luật.
Về đường dây sản xuất xăng giả do Công an tỉnh Đăk Nông phát hiện, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, đây là đường dây hoạt động trong nhiều năm, có liên quan nhiều đối tượng, phạm vi cung cấp lượng xăng giả này thuộc nhiều tỉnh, từ Nam Bộ, miền Trung, thậm chí ra các tỉnh phía Bắc. “Các thủ đoạn chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh và kết luận, đã rút ra được nhiều nguyên nhân. Từ xăng giả đã tác động rất lớn, tại sao vừa qua nhiều phương tiện giao thông đang đi trên đường tự dưng bốc cháy, là vì chất tạo cháy pha vào xăng dầu. Chúng tôi đang tiếp tục làm để ngăn chặn, giữ được môi trường bình đẳng trong hoạt động mua bán, vận chuyển xăng dầu trong toàn quốc”, Bộ trưởng Công an nói.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, việc tấn công trấn áp tội phạm liên quan đến tín dụng đen không để chủ quan, chùng xuống khi kết quả hiện nay đang trên đà thực thi rất tốt. “Lực lượng Công an tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát, lên danh sách các băng nhóm tín dụng đen, bảo kê, đòi nợ thuê ngay từ khi mới hình thành, không để hình thành các tổ chức tội phạm. Điều tra xử lý nghiêm các loại tội phạm liên quan tín dụng đen để răn đe. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, làm cho nhân dân hiểu biết rõ nguy hiểm của loại tội phạm này và phối hợp với ngành ngân hàng giải quyết các thủ tục làm sao cho nhân dân tiếp cận được nguồn vốn vay của ngân hàng một cách thuận lợi, góp phần quan trọng xoá bỏ tín dụng đen”, Bộ trưởng Công an nói.
Trước vấn đề các ĐBQH đặt ra, có hay không sự bảo kê của các lực lượng chức năng đối với tội phạm tín dụng đen?, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, qua điều tra, hiện chưa phát hiện trường hợp nào bao kê tín dụng đen của các lực lượng, kể cả trong lực lượng công an.
“Quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm các trường hợp bảo kê có liên quan đến bảo kê, không có “vùng cấm” nào, nếu nhân dân hoặc các ĐBQH quan tâm, có thông tin thì chỉ ra cho chúng tôi, chúng tôi cũng rất tích cực để chứng minh vấn đề này”, Bộ trưởng Công an nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận