Bộ trưởng Tải nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà |
Sáng 30/10, Quốc hội bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn theo cách thức hoàn toàn mới.
Thay vì chọn danh sách các bộ trưởng cụ thể như thông lệ, lần này, do tính chất của phiên chất vấn là về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn nên các câu hỏi đại biểu đặt ra có nội dung thuộc ngành nào thì người đứng đầu ngành đó trả lời. Có nghĩa là bất cứ thành viên Chính phủ nào cũng trả lời, nếu đại biểu hỏi đúng lĩnh vực mình chịu trách nhiệm.
Sông Nhuệ, sông Đáy chưa được trả lại màu xanh, do ai?
ĐBQH mở màn phiên chất vấn là ông Trần Tất Thế (tỉnh Hà Nam), nhắc lại phần chất vấn tại kỳ họp thứ 3 và được Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà hứa sau 5 năm sẽ trả lại “màu xanh” cho sông Nhuệ, sông Đáy vốn đang bị ô nhiễm nặng nề. Tuy nhiên, hôm nay, đại biểu này cho rằng 2 con sông chảy qua Hà Nam vẫn chưa được khắc phục ô nhiễm, nguồn xả thải từ Hà Nội chưa được khắc phục hiệu quả. “Quan điểm của Bộ như thế nào, có quyết tâm thực hiện không?”, vị đại biểu Hà Nam hỏi.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, cá nhân ông và nhân dân mong muốn việc giải quyết vấn đề môi trường luôn đạt kết quả tốt nhất. “Như tôi nói, 5 năm sau 2 dòng sông sẽ sạch thì đi kèm với những điều kiện. Việc xử lý ô nhiễm tại các dòng sông liên tỉnh thì phải xử lý tại nguồn, địa phương gây ô nhiễm phải chịu trách nhiệm. Hà Nội là nguồn thải chưa xử lý được nước sinh hoạt, hay nước từ Hoà Bình chảy về Hà Nam. Đó là trách nhiệm của địa phương”, Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng Hà, Hà Nội có phương án xử lý môi trường sông Nhuệ, sông Đáy rồi, nhưng cơ chế phối hợp với các địa phương khác có 2 con sông này chảy qua không hiệu quả, chưa bố trí được nguồn lực.
Về công nghệ xử lý, Bộ trưởng cho rằng không khó khi Hà Nội đã có công nghệ xử lý nước thải sinh hoạt ở các khu công nghiệp, làng nghề và có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hợp tác công-tư (PPP). Tuy nhiên, quy trình lựa chọn đối tác công-tư cũng bảo đảm các quy trình như sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư, nên làm chậm đi việc xã hội hoá xử lý môi trường.
Kết luận về nội dung trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng phải rà soát lại trách nhiệm của Bộ và các địa phương liên quan, nhất là về vai trò điều phối, phối hợp của Bộ với các địa phương.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 3 vào cuối năm 2016, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) và Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đặt vấn đề ô nhiễm môi trường tại sông Nhuệ, sông Đáy.
Xuống cấp đạo đức xuất phát từ kinh tế?
Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện |
Người tiếp theo đăng đàn là ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và du lịch.
Trả lời câu hỏi của ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) về trách nhiệm của Bộ về vấn đề đạo đức xuống cấp, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện nói: "Từ trước đến nay cứ nói đến đạo đức xã hội là giao cho ngành văn hoá và các ngành xã hội. Nếu quan điểm như vậy, xử lý vấn đề bằng cách đó thì việc khắc phục sự xuống cấp về đạo đức xã hội sẽ rất khó".
“Tôi cho rằng cả xã hội phải vào cuộc. Hơn nữa, sự xuống cấp của đạo đức xã hội chủ yếu xuất phát từ các ngành kinh tế. Chúng ta phải xử lý ở các lĩnh vực chứ không phải chỉ ở lĩnh vực văn hoá xã hội” – Bộ trưởng nói và nhấn mạnh: "Nếu cứ để ngành văn hoá cứ loay thì không thể xử lý vấn đề xuống cấp đạo đức".
Thông tin thêm, Bộ trưởng Thiện cho biết: Ngân sách phân bổ cho ngành văn hoá, kể cả các địa phương rất ít.
Dẫn ví dụ 3 năm vừa rồi, ngân sách cấp cho bảo tồn di sản phi vật thể chỉ là 7,3 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói thêm: Nếu không có giải pháp đồng bộ, thì nhiệm kỳ sau, ai đó làm bộ trưởng lại tiếp tục bị chất vấn về đạo đức xã hội. Thậm chí kỳ sau đó nữa cũng thế.
“Đương nhiên, việc này không chỉ giải quyết trong một sớm, một chiều” - Bộ trưởng chốt lại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận