Vấn đề định giá là then chốt của mọi vấn đề
Phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên họp chiều 14/11 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà cho biết, chiếm 1/3 số ý kiến của ĐBQH tại hội trường là về vấn đề tài chính và định giá đất.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà
Bộ trưởng TN&MT nêu rõ, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ để Nhà nước thực hiện quyền quản lý nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai trong việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai, đưa nguồn lực này vào phát triển cho kinh tế - xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ.
Nhấn mạnh: "Vấn đề định giá là vấn đề then chốt của mọi vấn đề", Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, sắp tới vẫn áp dụng 5 phương pháp xác định giá nhưng về lâu dài sẽ thực hiện một phương pháp dựa trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, thông qua đấu thầu đấu giá cơ bản, có đầy đủ giá trên thị trường và dùng phương pháp toán học, thống kê tính toán dựa trên phương pháp xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất…
Đồng thời, từ giá đất này sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể.
Từ việc công khai giá này, người dân hoàn toàn có thể thông qua đó cùng với bản đồ địa chính, số hoá đất đai để tiếp cận. Đây sẽ là mức giá ai cũng có thể biết và không thể can thiệp được vì là giá thị trường.
Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng TN&MT cho biết, dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá.
Đối với vấn đề đất đai cần phải đấu thầu, đấu giá có 2 hình thức và quan trọng nhất là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước với lợi ích doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí, Bộ trưởng Hà cho biết sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các ĐBQH, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý lượng hóa, cụ thể tiêu chí.
Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông, tập trung quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để làm sao sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững.
"Quy hoạch đất đai là cái khung để quản lý những đối tượng cần bảo vệ, bảo tồn như đất di sản thiên nhiên văn hoá lịch sử, hạ tầng giao thông cứng…", Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình)
Bỏ khung giá đất để đưa đất đai về giá trị thực
Trước đó, nhiều đại biểu cho rằng phương pháp định giá đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chưa rõ ràng, cụ thể.
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (đoàn Ninh Bình) cho biết, việc định giá đất cần công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trong trường hợp thu hồi đất. Phương pháp định giá đất dù theo cách nào cũng phải đồng bộ.
Đại biểu Thanh khẳng định, việc bỏ khung giá đất chính là để đưa đất đai về giá trị thực. Xây dựng bảng giá đất, định giá đất sát với giá thị trường để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng, hiệu quả, bền vững tài nguyên; giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất; phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh, an toàn...
Tuy nhiên, đại biểu Thanh nhận thấy, một số quy định về giá đất chưa thật sự cụ thể. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng dự án Luật để thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ chủ trương của Đảng. Trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra.
Theo đó, khi bỏ khung giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn.
Do vậy, đại biểu đề nghị dự án Luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.
Ngoài ra, khi giá đất tăng, nhà đầu tư có thể gặp khó khăn khi đàm phán với người sử dụng đất nếu dự án không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất và khó giải phóng mặt bằng hơn.
Nếu không có tiềm lực về tài chính, nhà đầu tư sẽ phải tính toán lại phương án đầu tư khi thấy giá thành cao so với giá đất tăng. Nguồn cung về nhà đất cho thị trường có thể giảm, gây thiếu hụt nguồn cung nhà có thể làm chững thị trường bất động sản trong khi nhu cầu nhà ở lại bức thiết, nhất là khu vực có tốc độ đô thị hóa cao, các thành phố lớn. Như vậy, cả nhà đầu tư và người dân có nhu cầu về nhà ở đều gặp khó khăn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận