Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 24/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà cho biết, đợt lũ lụt đang diễn ra tại miền Trung có nguyên nhân do biến đổi khí hậu cực đoan. Thực tế, tất cả các chỉ số cho thấy đều vượt lũ lịch sử, vượt các chỉ số cảnh báo. Hình thái thiên tai diễn ra mang tính cực đoan, nhiều tổ hợp thiên tai cùng lúc.
Thưa Bộ trưởng, miền Trung vừa bước qua hai tuần mưa lũ lịch sử, việc này xảy ra được xác định có nguyên nhân từ biến đổi khí hậu. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 10 có hướng đến các biện pháp khắc phục tình trạng này hay không?
Trong Luật Bảo vệ Môi trường có đưa đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ hơn, thực chất hơn các nguyên nhân do con người, do phát triển kinh tế thông qua kiểm soát chất thải.
Tôi muốn nói các vấn đề sự cố thiên tai do con người, thông qua quy hoạch bảo vệ môi trường, phân vùng môi trường để chúng ta thực hiện thật tốt hơn. Để hạn chế tác động con người, phát triển kinh tế, ví dụ như thủy điện.
Thông qua các công cụ đánh giá tác động môi trường, quy chuẩn môi trường để đưa môi trường dần trở lại trạng thái tự nhiên. Đây là xu thế đảo ngược tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Thứ hai, hệ sinh thái tự nhiên có tác dụng rất lớn đến phòng chống thiên tai. Nên trong dự thảo Luật chúng tôi nhấn mạnh đến vấn đề bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, nhấn mạnh quan điểm rất rõ con người phải sống hài hòa tự nhiên, tôn trọng thiên nhiên.
Thưa Bộ trưởng, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này có tính đến việc đánh giá tác động môi trường cần siết chặt hơn không?
Trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này thể hiện 2 quan điểm với các tiêu chí này cụ thể, khoa học. Thứ nhất, đó là quản lý môi trường dựa trên khoa học, tính chất quy mô của chất thải ra môi trường. Thứ hai là dựa trên dự án đó có tác động thế nào đến hệ sinh thái và môi trường tự nhiên.
Một mặt, chúng ta xác định dự án nằm trong tiêu chí chất thải và tính chất quy mô lớn, chúng ta sẽ khoanh lại, tập trung quản lý cụ thể hơn, thực chất hơn.
Dự án thân thiện môi trường, quy mô tác động không lớn, phạm vi ảnh hưởng không lớn tới môi trường thì sẽ bằng biện pháp hậu kiểm, thay bằng trước nay kiểm soát tất cả nhưng thực tế nhân lực, vật lực hạn chế.
Nói như vậy nghĩa là chúng ta sẽ tăng cường quản lý đối với những đối tượng tiềm năng nguy cơ gây ô nhiễm cao. Các công cụ quản lý đi vào thực chất, dựa trên cơ sở khoa học, thống nhất xuyên suốt mà thế giới cũng đã làm.
Thứ hai, chúng ta sẽ tháo gỡ các thủ tục hành chính không cần thiết, mang tính chất hình thức với dự án thân thiện môi trường và có hành lang để các dự án thân thiện đơn giản thủ tục nhất, ít chi phí tuân thủ nhất, tham gia đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.
Một câu chuyện đang được dư luận quan tâm thời gian gần đây là mưa lũ ở miền Trung có phần tác động từ việc phát triển thuỷ điện thời gian qua. Bộ trưởng có quan điểm ra sao về vấn đề này?
Về vấn đề này, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nói rồi. Quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường là đối với các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thiết kế mới đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu. Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay đã giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn. Còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, phát triển thuỷ điện phải tuân thủ quy chế về điều tiết, đảm bảo an toàn.
Ở góc độ Bộ Tài nguyên và môi trường, về thủy điện, bao giờ cũng có 2 mặt. Quan điểm chúng ta không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ.
Tại các phiên họp của Quốc hội khóa XIII, Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm hơn 400 hồ thủy điện nhỏ rồi. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện nhỏ.
Bộ Tài nguyên và môi trường thấy rằng, chúng ta không nên tiếp tục phát triển các thủy điện nhỏ. Hay khi phát triển các loại thủy điện thì phải chú ý phương án công nghệ để nó hài hòa với môi trường. Tức là chúng ta không làm các đập dâng, mà sử dụng năng lượng thế năng tự nhiên của nước. Chi phí đầu tư thủy điện sẽ tăng nhưng sẽ bền vững. Chúng ta cũng nên có lựa chọn các công nghệ có liên quan để tính toán vấn đề môi trường, dòng chảy, dòng đi của cá, bùn, phù sa có thể duy trì thường xuyên khi có các đập thủy điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận