Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời họp báo tại AMM, Đà Nẵng |
Phát biểu tại họp báo kết thúc Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) chiều ngày 9/11 tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh trả lời nhiều câu hỏi của PV liên quan tới Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP). Bộ trưởng cho biết tuy đây là nội dung không chính thức trong khuôn khổ của APEC nhưng nhận luôn được sự quan tâm rất lớn của dư luận, cũng như của các nền kinh tế thành viên APEC.
Theo ông Trần Tuấn Anh, Hội nghị Bộ trưởng TPP là một hoạt động bên lề của Hội nghị Bộ trưởng AMM. Những nội dung được thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng TPP cũng là những nội dung tiếp nối của quá trình trao đổi và làm việc cấp trưởng đoàn đàm phán của nước thành viên TPP trong liên tục 4 vòng đàm phán vừa qua. Các nội dung này phù hợp với tinh thần và thông báo tại AMM và MAT lần thứ 23 tại Hà Nội hồi giữa năm.
Bộ trưởng Công thương khẳng định các nước đang tiếp tục nỗ lực để duy trì TPP như một hiệp định có chất lượng cao, đồng thời có những điểm cân bằng, phù hợp lợi ích của các quốc gia tham gia, để tiếp tục mang lại lợi ích chung thông qua việc tiếp tục tự do hóa thương mại, mở cửa thị trường, hội nhập và tiếp tục các cải cách để đảm bảo chất lượng cao trong hệ thống các quốc gia TPP.
“Mặc dù Mỹ đã rút ra khỏi TPP nhưng cả 11 nước TPP vẫn đang tiếp tục các nỗ lực chung, và rõ ràng trong bối cảnh mới, các nước TPP đang còn nhiều vấn đề để tiếp tục thảo luận nhằm đi tới sự đồng thuận, chia sẻ, tạo ra các điểm cân bằng mới và tiếp tục tạo điều kiện để TPP có hiệu lực và mang lại lợi ích cho các quốc gia tham gia và cho xu thế chung của toàn cầu hóa”, ông nói.
Cũng theo ông Trần Tuấn Anh, những quan điểm, xu thế của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch mới cũng phản ánh thực tế các khía cạnh khác nhau trong xu thế của toàn cầu hóa. Tuy nhiên, tại APEC lần này cũng như mục tiêu chung của các nước TPP, các bên tiếp tục có các nỗ lực chung để đảm bảo sự chia sẻ, đồng thuận. Từ đó tạo ra TPP như một động lực mới, đóng góp chung cho toàn cầu, cũng như cho sự phát triển bền vững chung của các nước TPP và cộng đồng thế giới.
Theo chương trình làm việc, Bộ trưởng của 11 nước thành viên TPP đã họp trong nhiều giờ nhưng không tuyên bố nào được đưa ra sau hội nghị.
Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC (AMM) 29 đã thông qua: 1. Sáng kiến của Việt Nam về “Khuôn khổ APEC về tạo Thuận lợi cho Thương mại điện tử Xuyên biên giới” nhằm tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho các giao dịch thương mại điện tử; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào hệ thống giao dịch thương mại điện tử khu vực và toàn cầu, cũng như góp phần tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực, hướng tới việc hoàn thành mục tiêu Bô-go vào năm 2020. 2. Khuôn khổ giám sát việc thực hiện Kế hoạch Hành động kết nối Chuỗi cung ứng giai đoạn 2 (SCFAP 2) từ 2017- 2020, nhằm xác định và giải quyết các rào cản chính đối với chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho sự lưu thông của hàng hóa và dịch vụ trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 3. Các Bộ trưởng nhất trí ủng hộ việc thông qua “Chiến lược APEC về các Doanh nghiệp Nhỏ, Vừa và siêu nhỏ, xanh, bền vững và sáng tạo”, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ. Ngoài ra, các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến về “Bộ thông lệ tốt của APEC về Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương”, là sáng kiến chung của Việt Nam và Nhật Bản nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh trong khu vực và “Sáng kiến về Thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo”do Việt Nam chủ trì, nhằm thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong APEC. Các kết quả cụ thể, tích cực của AMM 29 sẽ được báo cáo lên các Nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận