Thuỷ điện có cả mặt tích cực và hạn chế
Ngày 4/11, tại buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã phát biểu, giải trình thêm về việc xây dựng, vận hành các công trình thuỷ điện. Đây là vấn đề đang được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Bày tỏ chia sẻ về những mất mát thiệt hại do bão lũ thiên tai ở miền Trung vừa qua, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 thuỷ điện, chiếm 36,7% tổng công suất phát điện, là nguồn năng lượng tái tạo quan trọng, ít gây ô nhiễm, gần như không phát thải. Tuy nhiên, thuỷ điện có cả mặt tích cực và hạn chế.
Với tổng dung tích 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước, việc quản lý, vận hành các hồ chứa thuỷ điện có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tích nước và tuỳ công suất có thể cắt lũ và phục vụ nhu cầu khác. Mặt khác, việc xây dựng các thuỷ điện có thể tác động đến dòng chảy, kết cấu địa chất, nguồn lợi thuỷ sản và trước đây cũng có liên quan đến tình trạng mất rừng tự nhiên, ảnh hưởng đến chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão. Tuy nhiên, thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, từ năm 2016 đến nay, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện nghiêm túc, tuyệt đối không phê duyệt các dự án thuỷ điện nhỏ nào có sử dụng đất rừng tự nhiên.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Công thương cho rằng, việc quản lý khai thác nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả là điều quan trọng.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, hiện đã có đầy đủ quy định quản lý Nhà nước trong đảm bảo công tác an toàn hồ đập thủy điện cũng như vận hành công trình hồ thủy điện cả liên hồ, đơn hồ, trong đó, quy định trách nhiệm rất rõ của các bộ ngành, địa phương.
"Thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ phát triển thủy điện không cho phép xâm dụng vào rừng tự nhiên. Từ năm 2016, Bộ Công thương không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện, thủy điện nhỏ nào nếu sử dụng đến đất rừng tự nhiên. Từ năm 2016 đến nay, không có dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất rừng trồng, đất rừng nghèo của các dự án được bổ sung quy hoạch chỉ có 1,9 ha/1mgw điện. Đánh giá hiệu quả các dự án điện, nhất là thủy điện đã đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án và đưa ra khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc 2" - ông Trần Tuấn Anh
Tuy nhiên, không tránh khỏi câu chuyện tại một số địa phương việc thực hiện không nghiêm, ví dụ như thủy điện Hố Hô năm 2016 đã xả lũ, gây ngập lụt vùng hạ du, sau đó cơ quan chức năng đã xử lý kiên quyết, thu giấy phép dự án này.
Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định, đã đi thực tế tại các địa phương bị thiên tai vừa qua như Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, việc sạt lở đất gây tác hại nghiêm trọng là do yếu tố thời tiết, cụ thể là lượng mưa rất lớn chứ không liên quan đến vận hành của các nhà máy thuỷ điện. Tuy nhiên, những tác động của mất rừng đầu nguồn, bãi thảm thực vật do tác động của con người qua các dự án thủy điện là vấn đề không thể phủ nhận trong chừng mực nhất định.
Chưa có rào cản tích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả
Đại biểu Trần Thị Dung, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, việc phát triển ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ cho thấy cơ chế, chính sách phát triển thủy điện chưa có rào cản tích hợp để loại ra những dự án kém hiệu quả và tiềm năng rủi ro cao có thể dẫn tới một số hậu quả của việc phát triển thủy điện, như phá vỡ sinh kế và mất rừng.
Ví dụ, việc xây dựng 25 dự án thủy điện lớn ở Tây Nguyên đã lấy đi 68.000 hecta rừng của 26.000 hộ dân hoặc hồ chứa, đập thủy điện đã gây ra động đất cường độ nhỏ. Tháng 1/2017 đến tháng 8/2018 tại tỉnh Quảng Nam đã có 69 trận động đất cường độ từ 2,5 đến 3,9 độ ríchte Trong đó 63 trận được ghi nhận tại huyện Nam Trà My và Bắc Trà My, nơi có thủy điện Sông Tranh 2 đang vận hành. Chuỗi trận động đất xảy ra gần thủy điện Sông Tranh 2 đã gây nứt vỡ cho nhiều công trình và tòa nhà xung quanh khu vực gây bất an cho người dân.
"Nhiều ý kiến cho rằng, nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường. Ý kiến khác cho rằng, đây là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ và được nhiều doanh nghiệp đầu tư, vì suất đầu tư vừa phải thu hồi vốn nhanh và lợi nhuận thì rất lớn", bà Dung nói.
Theo bà Dung, Quốc hội cần xem xét, ban hành một nghị quyết để cho Chính phủ có một dự án sớm di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Đảm bảo cuộc sống cho người dân, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân để người dân có một nơi sống an toàn, ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận