Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa: Xây dựng văn bản phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn từ phía xã hội, doanh nghiệp |
Nhiệm vụ số 1 là cải cách thể chế
Sáng nay (3/6), Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp của Ban cán sự về một số nội dung công tác 5 tháng đầu năm 2016. Báo cáo Bộ trưởng về tình hình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Vụ trưởng Vụ pháp chế Trịnh Thị Hằng Nga cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, các đơn vị của Bộ đã hoàn thành 16/17 văn bản theo kế hoạch. Dù vậy, một số văn bản được ban hành gấp nên không đủ thời gian khảo sát, đánh giá chất lượng văn bản.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa ghi nhận các đơn vị đã cố gắng trình văn bản đúng tiến độ, tuy nhiên ông yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng.
"Trong cuộc họp vừa qua, Chính phủ lần đầu tiên đưa nội dung hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật là nhiệm vụ số 1. Thủ tướng nhấn mạnh nếu chúng ta cải cách thể chế tốt thì còn rất nhiều dư địa để phát triển", Bộ trưởng cho biết.
“Đây là nhiệm vụ chính của chúng ta. Các đơn vị khi xây dựng văn bản pháp luật phải đảm bảo chất lượng văn bản, không thể đẩy việc này cho Vụ Pháp chế. Xây dựng văn bản phải đáp ứng nhu cầu thực tiễn từ phía xã hội, doanh nghiệp. Nếu chỉ chăm chăm làm vì mình, làm để quản lý thì xã hội sẽ không “tiêu hóa” nổi. Không để xảy ra tình trạng không quản được thì cấm hoặc khi thì quy định quá chặt, khi lại quá buông”, Bộ trưởng nói.
Nhất trí cao với chỉ đạo này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường và Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cũng cho rằng cần tránh tình trạng đơn vị soạn thảo thông tư nghiêng về việc an toàn cho cơ quan quản lý. Bên cạnh đó, cần cơ chế riêng để theo dõi, đánh giá đối với các thông tư có nội dung quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật.
Cho ý kiến về việc triển khai các Đề án đã được Bộ GTVT phê duyệt, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ chậm nhất đến 10/6 phải báo cáo tình hình triển khai các đề án. Bộ GTVT sẽ phân loại, đánh giá, tránh trường hợp đề án được ban hành xong nhưng chỉ để trong “ngăn kéo tủ”, không thực hiện.
Liên quan vấn đề trên, các Thứ trưởng Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đề xuất cần đánh giá hàng tháng việc triển khai đề án, cũng như cụ thể hóa quy trình, trách nhiệm trong việc triển khai các đề án đã được phê duyệt để mang lại hiệu quả thực tế.
Xem xét trách nhiệm của tư vấn giám sát
Báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT về tình hình triển khai các dự án sử dụng vốn dư dự án QL1 và đường HCM qua Tây Nguyên, Phó cục trưởng Quản lý Xây dựng và chất lượng CTGT Dương Viết Roãn cho biết, có 17 dự án trong đó 8 dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, 9 dự án do Sở GTVT địa phương làm chủ đầu tư. Các dự án đang trong quá trình lựa chọn, thẩm định nhà thầu.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo quán triệt phương châm tiết kiệm, tránh lãng phí trong thiết kế, đầu tư dự án và phải minh bạch, tránh cảm tính trong lựa chọn nhà thầu. Bộ trưởng đánh giá việc Bộ GTVT công bố 26 nhà thầu yếu vừa qua được dư luận xã hội đánh giá cao.
Tuy nhiên, từ thực tế quản lý chất lượng dự án hiện nay, Bộ trưởng cho rằng đang tồn tại bất cập là dồn trách nhiệm lớn lên nhà thầu thi công mà thiếu cơ chế trách nhiệm đối với đơn vị tư vấn giám sát. “Có thực trạng là khi đường hỏng nhà thầu thì “è cổ” trả tiền, làm lại, bảo hành. Mọi trách nhiệm dồn hết vào nhà thầu, trong khi đó tư vấn giám sát vẫn được nhận tiền, song chẳng chịu trách nhiệm gì. Thậm chí cũng chưa thấy trách nhiệm của Ban Quản lý dự án ở đâu. Trong việc đánh giá các nhà thầu cần lưu ý là không thể đổ lỗi hết cho nhà thầu, mà phải từ chủ đầu tư, tư vấn giám sát”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông, đồng thời cho rằng các dự án giao thông BOT là phương thức đầu tư phù hợp hiện nay. Tuy nhiên, quan điểm là không tăng phí tại các dự án BOT, đi đôi với đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan.
Phải quản chặt lái xe khách
Về lĩnh vực ATGT, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chỉ đạo kịp thời giải quyết, khắc phục hậu quả một số vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra gần đây, đặc biệt là tai nạn xe khách. Bộ trưởng yêu cầu đánh giá, xem xét lại quy trình đào tạo, tiêu chí đối với người lái xe khách, nhất là xe giường nằm, xe hai tầng. "Bất cập nhất của chúng ta hiện nay là dạy nghề nhưng không dạy người. Ngày xưa việc dạy người luôn được ưu tiên. Tổng cục Đường bộ VN nên cân nhắc xem có nên đưa tiêu chuẩn lái xe, đặc biệt là xe giường nằm, giống như tiêu chuẩn của lái xe ca ngày xưa không? Xe giường nằm cần có tiêu chuẩn về hướng dẫn an toàn cho khách như hàng không không…?”- Bộ trưởng gợi ý.
Liên quan đến hàng không, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu Cục Hàng không VN chỉ đạo sát sao để khắc phục sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các đơn vị, hướng đến mục tiêu cuối cùng là phục vụ hành khách. “Không thể để xảy ra chuyện đưa khách lên máy bay chỉ để cho đúng giờ, sau đó khách chờ suốt mà máy bay không cất cánh hoặc khi đến phải bay vòng vòng mãi mới được hạ cánh”- Bộ trưởng nêu ví dụ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận