Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến |
Thảo luận về Luật phòng chống tác hại của rượu, bia sáng nay (16/11), các ĐBQH tranh luận nhiều về vấn đề liệu Luật này ra đời có "khai tử" ngành rượu bia, bởi thực tế nhiều người coi đây là một "nét văn hoá" đã trở nên quen thuộc.
ĐB Phạm Trọng Nhân - Bình Dương đặt vấn đề: "Chúng ta chọn sức khoẻ của nhân dân hay khoản thu 50.000 tỷ đồng mỗi năm do rượu bia đem lại? Đừng quên rằng tổn thất do nó để lại lên đến 65.000 tỷ đồng" - ông Nhân nói và cho rằng như vậy là "kéo lùi sự phát triển của đất nước".
Nhưng tiếp cận với góc độ là một chuyên gia kinh tế, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc con số thiệt hại 65.000 tỷ đồng do rượu bia gây ra. Theo ông đây chỉ là con số "áng chừng".
Dẫn chứng một số nước như Nhật gắn với Sake, Hàn gắn với Sochu, một số nước cũng có "quốc tửu", ĐB Kiên lưu ý nếu chỉ nói rượu chỉ có tác hại thì luật sẽ khó khả thi.
"Tôi đồng ý nếu uống rượu có tác hại quá nhiều thì cần phải chống, nhưng tôi xem các điều luật còn thiếu chế tài, như vậy thì không khác gì lời hiệu triệu", ông Kiên góp ý.
Dung hoà giữa hai ý kiến trên, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu chia sẻ với tư cách là một bác sĩ và gần như không uống rượu, ông cho rằng nên sớm có luật này vì tác hại của rượu bia ngày càng nhiều và nghiêm trọng.
Song theo ông, xây dựng Luật ngăn chặn triệt để tác hại của rượu là rất cần thiết, rất nên ủng hộ nhưng rất khó vì lợi hại đan xen, phạm vi rộng, đối tượng nhiều.
Vì vậy ông đề nghị ngoài việc phòng chống tác hại cần hướng dẫn, tạo điều kiện để rượu tồn tại trong đời sống tốt hơn, văn minh hơn. Cần có cái nhìn khách quan từ 2 phía hại và lợi.
Đi vào nội dung cụ thể, ĐB Trí cho rằng, dự luật chưa nghiêm khắc như quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi uống rượu bia. “Tôi đề nghị cấm ép buộc và kích động người khác uống rượu bia. Ai cũng thế, không kể 18 tuổi. Tôi từng ngồi những cuộc họ kích động lẫn nhau để uống rượu”, ông nói.
Theo ông, rượu bia là hàng hoá cũng cần quảng cáo nhưng hạn chế nội dung, địa điểm, thời gian và loại hình, không cần giới hạn độ cồn. Bởi “rượu nhạt uống lắm cũng say, người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm".
Giải trình làm rõ hơn ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: “Cái gì có lợi cho dân thì làm ở mức cao nhất, cái gì không có lợi cho dân thì không làm”.
Bộ trưởng Tiến nhìn nhận dự luật vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều vì có sự đối lập giữa bảo vệ sức khoẻ con người và các nhà sản xuất kinh doanh rượu bia. Vì vậy ban doạn thảo sẽ cố gắng tiếp cận một cách hài hoà giữa sức khoẻ, kinh tế, xã hội.
"Chúng ta phải đặt lên bàn cân giữa cái lợi về kinh tế, và cái hại về sức khoẻ, an sinh xã hội", bà Tiến nói.
Về tên gọi, Bộ trưởng Y tế đề nghị giữ nguyên vì dễ đọc dễ hiểu, chỉ phòng chống tác hại của rượu bia chứ không làm ảnh hưởng đến "văn hoá" của rượu và bia.
Bộ trưởng Tiến cho rằng luật này vẫn giữ văn hoá uống, chén rượu vui, ngon thì có bạn hiền, không ai cản trở, và không có nghĩa là khi luật này ban hành thì tất cả đều cấm rượu bia. "Luật này không có từ nào cấm uống rượu, uống bia”, Bộ trưởng Y tế khẳng định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận