Thiếu thuốc ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh
Sáng 22/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Quang cảnh thảo luận tại tổ
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Bình Phước) cho biết, chúng ta vừa trải qua hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 thành công, tuy nhiên "tổn thương" sau đại dịch vẫn còn ảnh hưởng khá nặng nề.
Sau hơn 2 năm thực hiện các chính sách phòng, chống dịch bệnh thì nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân tăng rất cao. Trong khi đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (HBYT) đang bị chững lại, nhất là những người yếu thế.
"Hiện ở Bình Phước có hơn 5.800 người, chủ yếu người dân tộc thiểu số không được hưởng chính sách BHYT", đại biểu Huỳnh Sang thông tin.
Theo bà Sang, để thực hiện mục tiêu đến cuối năm 2022 tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 92% dân số theo như Nghị quyết của Quốc hội giao thì chúng ta phải phấn đấu tăng hơn 5 triệu người. Vì vậy, đại biểu Huỳnh Sang đề nghị Bộ Y tế, Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc bao phủ BHYT, bảo hiểm xã hội.
Ngoài ra, việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đang bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế... tại các bệnh viện công ở nhiều địa phương. Bà Sang đề nghị Bộ Y tế đánh giá thêm về tình trạng này và sớm có giải pháp.
Một mình ngành y tế rất khó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
ĐBQH Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội (đoàn Đồng Nai) chia sẻ với những khó khăn của ngành y tế.
"Tân Bộ trưởng Y tế không thể kỳ vọng có cái đũa thần để xử lý hết những khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn này, một mình ngành y tế rất khó giải quyết, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị", ông Cường nói.
Ông Nguyễn Phú Cường cho rằng, đối với tư nhân, cá nhân việc mua sắm rất dễ, nhưng nhà nước các thủ tục kèm theo và các cơ quan cũng phải làm đúng quy định pháp luật. Mà đúng quy định pháp luật thì thời gian sẽ bị chậm đi nên nhiều cái chúng ta phải xử lý.
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu)
Tăng lương cần bình ổn giá
Đại biểu Hoàng Quốc Khánh (đoàn Lai Châu) lại chia sẻ sự băn khoăn của cử tri khi trong 2,5 năm có gần 40.000 công chức, viên chức xin nghỉ việc, chuyển việc. Trong đó, chủ yếu là công chức, viên chức ngành giáo dục và y tế.
"Vừa qua, việc tuyển dụng của hai ngành này rất khó. Lý do chính vẫn là áp lực công việc và thu nhập thấp. Một bác sĩ học chuyên khoa dưới Hà Nội đi làm thêm 1 tuần được 3 buổi được trả công 600 nghìn đồng, mỗi buổi làm từ 17-20h. Còn với lương của bác sĩ trên Lai Châu chỉ theo ngạch, bậc lương công chức viên chức", ông Khánh thông tin.
Theo đại biểu Khánh, riêng Lai Châu, thống kê 1 năm có gần 300 giáo viên về hưu, bỏ việc, chuyển việc. Trong khi đó, giáo viên thiếu nhất hiện nay là tin học và ngoại ngữ. Đây là bài toán không chỉ của riêng Lai Châu mà nhiều tỉnh khác cũng gặp phải.
"Cử tri kiến nghị rất nhiều việc tăng lương. Cần sớm tăng lương cơ sở để từng bước tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ công chức, viên chức. Còn những vấn đề như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến sẽ thực hiện từng bước một", ông Khánh nói.
Ông Khánh cũng đề nghị Chính phủ có chính sách thu hút chung cho cả nước và có đặc thù cho từng vùng miền. Việc này nhằm không để mỗi tỉnh ban hành một chính sách thu hút riêng. Bởi lẽ chăm sóc sức khỏe và giáo dục ở đâu cũng có nhu cầu như nhau, do đó cần có cơ chế chung.
ĐBQH Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu) cũng có mối quan tâm về tình trạng gần 40.000 cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc. Thực trạng này nói lên điều gì, cần được phân tích, mổ xẻ, đặc biệt quan tâm.
"Theo tôi, nguyên nhân khách quan do thị trường kinh tế lao động phát triển thì giữa khu vực công và khu vực tư nên có sự liên thông, tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển", ông Thái nói.
Đại biểu Thái cho rằng, chúng ta chấp nhận sự điều tiết của thị trường lao động nhưng cũng phải giữ chân những người có năng lực, thực sự tâm huyết ở khu vực công. Hiện chế độ, chính sách tiền lương ở khu vực công chưa theo kịp, chưa đáp ứng nhu cầu.
"Cử tri cũng có nguyện vọng được thực hiện sớm hơn 6 tháng, thay vì 1/7/2023 như dự kiến thì có thể tăng lương cơ sở từ 1/1/2023 được không? Ngoài ra, cử tri cũng kiến nghị tăng lương cơ sở là rất quý nhưng làm sao để bình ổn giá cũng quan trọng. Bởi giá cả ổn định thì vấn đề tăng lương cơ sở mới có giá trị", ông Thái đề xuất.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận