40 quốc gia tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em bằng công nghệ MRNA
Sáng nay (10/11), tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ Y tế, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) cho biết, hiện nay, chúng ta đang triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi. Vấn đề này đem lại niềm vui và đáp ứng mong mỏi của nhiều gia đình. Tuy nhiên, có một số cử tri còn lo lắng cho rằng, vaccine chế tạo theo công nghệ MRNA có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và sự phát triển bình thường của trẻ em.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
“Đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ về vấn đề này và các cơ sở khoa học để Bộ Y tế cho triển khai tiêm vaccine đại trà cho trẻ em từ 12 - 17 tuổi để cử tri yên tâm?”, ông Hậu chất vấn.
Trả lời thắc mắc của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, đây là vấn đề được rất nhiều cử tri quan tâm.
Đối với việc tổ chức tiêmvaccine Covid-19 cho trẻ em sau khi tổng kết đánh giá, nghiên cứu trao đổi với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các nhà khoa học, đặc biệt là căn cứ hướng dẫn của Trung tâm kiểm soát dịch bệnh và cơ quan kiểm soát thuốc và thực phẩm của Hoa Kỳ đã chính thức cho phép tiêm vaccine theo công nghệ MRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên.
Hiện nay, đã có gần 40 quốc gia tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em bằng các loại sản xuất theo công nghệ này.
Cách làm của các nước cũng giống như chúng ta, tiêm từ lứa tuổi cao xuống lứa tuổi thấp, nhóm có nguy cơ bệnh lý nền, sau đó mở rộng đối tượng tiêm chủng. Vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA được sử dụng là vaccine của Pfizer-BioNTech.
Về cơ chế tác động của vaccine này, khi vào trong cơ thể không phải nó xâm nhập vào gen của người mà nó sẽ xâm nhập vào bào tương kết hợp với các ribosome để sản xuất các kháng thể tạo ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virut vào tế bào đó.
“Tức là vaccine này sẽ không xâm nhập trực tiếp vào gen ADN của chúng ta nên ý kiến cho rằng tiêm vaccine có thể gây đột biến, gây ảnh hưởng sinh sản đối với trẻ em cho đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định là không, nhưng chúng ta vẫn phải tiếp tục theo dõi", ông Long nói.
Loại vaccine thứ hai được sử dụng theo công nghệ vaccine bất hoạt, tức là công nghệ vaccine của sinopharm, hiện nay đã được 4 nước trên thế giới áp dụng cho trẻ nhỏ hơn và cũng được đánh giá đảm bảo an toàn.
“Tôi khẳng định, tất cả các vaccine đã cấp phép và sử dụng ở Việt Nam đảm bảo an toàn chất lượng và theo đúng cái chuẩn chung của thế giới và chúng tôi đã tham khảo các tổ chức thế giới khi đưa các loại vaccine này dùng cho trẻ em", ông Long cho hay.
"Việt Nam tiếp cận sớm nhưng mua vaccine muộn"
Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai nêu băn khoăn của cử tri, nếu Việt Nam triển khai chiến lược vaccine sớm hơn thì sẽ hạn chế được nhiều thiệt hại về người và của? Trách nhiệm tham mưu của Bộ Y tế trong việc xây dựng và triển khai chiến lược vaccine như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Việt Nam tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn so với nhiều nước. Theo ông, có nhiều lý do gồm khách quan và chủ quan. Từ tháng 9/2020, Việt Nam đã làm việc và có thỏa thuận với Covax. Tháng 11/2020, Việt Nam đã có thỏa thuận với Astra Zeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine. Trước đó, từ tháng 5/2020, Bộ Y tế đã gặp gỡ các công ty để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước.
Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan dẫn đến việc mua chậm. Thứ nhất là do tình trạng khan hiếm vaccine trên quy mô toàn cầu diễn ra cả năm qua và kéo dài đến nay.
Thứ hai, một số nước phát triển sản xuất được vaccine đã đặt hàng mua với số lượng rất lớn. "Chúng tôi cho rằng đây là tình trạng bất bình đẳng trong vấn đề cung ứng vaccine trên quy mô toàn cầu. Có nước đặt hàng cao hơn nhu cầu sử dụng đến 4 lần", ông Long nói.
Thứ ba, theo ông Long, tâm lý sử dụng vaccine "không phải lúc nào cũng như hiện nay". Vào đầu năm 2021 đã có tình trạng tẩy chay, từ chối sử dụng vaccine diễn ra không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Thứ tư, ông Long liệt kê hàng loạt khó khăn Việt Nam gặp phải khi mua vaccine, trong đó có cả rào cản về pháp luật. Bên bán đề ra các điều kiện và không cho thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc đàm phán với các hãng, nhưng điều kiện các công ty cung ứng vaccine đưa ra đều không thể thay đổi, bởi đây là những điều kiện áp dụng chung trên toàn cầu.
Ngoài ra, Việt Nam phải chấp nhận toàn bộ rủi ro khi mua vaccine, như có thể giao hàng chậm, giá mua sau này thấp hơn cũng không được giảm giá, không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp chất lượng không đảm bảo; chỉ khi nào quốc tế công nhận vaccine đó không đảm bảo mới được trả lại. Bên bán cũng không chịu trách nhiệm về giao hàng không đúng thời hạn.
"Đây là những khó khăn trong việc mua vaccine. Những vấn đề này, luật pháp Việt Nam cũng chưa có quy định", ông Long nói.
Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị tháng 2/2021 và Nghị quyết của Chính phủ từ tháng 5/2021, Việt Nam thúc đẩy rất nhanh tiến trình mua vaccine. Đến nay, Việt Nam được đánh giá là nước có tổ chức tiêm và bao phủ vaccine rất nhanh.
"Bộ Y tế nhận trách nhiệm về vấn đề này và đã triển khai đảm bảo vaccine cho năm 2021 và năm 2022", Bộ trưởng Long nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận