Mới đây, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đã hủy kết quả đấu giá đối với 6 biển số đẹp với số tiền trúng đấu giá tổng cộng hơn 71 tỷ đồng, đưa ra đấu giá lại vì các cá nhân trúng đấu giá đã bỏ cọc.
Trong số này, có biển 51K-888.88 được trả giá hơn 32,3 tỷ đồng hôm 15/9.
Theo một số luật sư, chiếu theo các quy định về pháp luật, người bỏ cọc sau khi trúng đấu giá biển số xe không sai so với quy chế mà đơn vị đấu giá đưa ra. Pháp luật hiện hành không có chế tài nào khác ngoài việc thu giữ tiền cọc.
Trả lời PV Báo Giao thông tại họp báo của Bộ Tư pháp chiều 19/10, bà Đặng Kim Hoa, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định, bản chất của hoạt động đấu giá là tối đa hóa giá trị của tài sản, nếu giá trị càng cao thì càng được coi là thành công.
Bên cạnh đó, Nghị quyết 73 của Quốc hội cũng có những quy định về việc tính tiền đặt trước ở mức tương đối cao, bằng giá khởi điểm đưa ra là 40 triệu đồng.
Để hạn chế bỏ cọc, Luật Đấu giá tài sản còn có nhiều chế tài ràng buộc trách nhiệm của khách hàng, như không được nhận lại tiền đặt trước, sẽ bị truất quyền đấu giá nếu không thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính.
Đặc biệt, nếu khách hàng mà bỏ cọc thì biển số xe đã trúng tiếp tục được đưa ra đấu giá lại.
"Như vậy, tôi nghĩ luật đã quy định những chế tài tương đối đầy đủ, trong đó nếu có dấu hiệu vi phạm có thể xử phạt vi phạm hành chính", bà Hoa nêu quan điểm.
Nhìn nhận các quy định hiện hành còn chưa đủ sức ràng buộc trách nhiệm của người tham gia đấu giá, Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp khẳng định, Bộ Tư pháp đang nghiên cứu sửa đổi Luật Đấu giá tài sản, dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tháng 10 tới.
Trong đó, các dự thảo sẽ tập trung giải quyết vấn đề tăng trách nhiệm của người tham gia đấu giá, nâng cao vai trò quản lý của các cơ quan liên quan. Mục đích là đảm bảo công khai, minh bạch, tránh những tác động tiêu cực trong hoạt động đấu giá.
Một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng bỏ cọc khi đấu giá tài sản trong đó có biển số xe, theo bà Hoa, Bộ Tư pháp đề xuất bổ sung hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với khách hàng đã trúng đấu giá nhưng không làm tròn nghĩa vụ tài chính.
Đề xuất này sẽ được Bộ Tư pháp đưa ra để trình bổ sung cho Nghị định 82/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đang có hiệu lực thi hành.
Hiện nay, theo Điều 23 Nghị định 82/2020, người tham gia đấu giá sẽ bị phạt từ 7-10 triệu đồng nếu vi phạm một trong các hành vi: Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả mạo để đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá; lhông trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu giá hoặc không ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá...
Khi PV đề cập việc nhiều người bỏ cọc và không nộp tiền thắng đấu giá, cơ quan chức năng có biện pháp gì để xử lý, Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an đánh giá, hiện công tác đấu giá biển số cơ bản đã thành công.
Về tình trạng bỏ cọc trong đấu giá, ông Đức khẳng định, nghĩa vụ và trách nhiệm của người đấu giá đã được quy định rõ tại Nghị quyết 73 của Quốc hội, Nghị định 39 của Chính phủ và trong biên bản trúng đấu giá mà khách hàng đã ký. "Đồng thời, người tham gia đấu giá và trúng đấu giá phải có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với xã hội về việc này", ông Đức nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận