Sáng 24/3, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tổ chức Họp báo thường kỳ quý I/2023, thông tin kết quả thực hiện nhiệm vụ quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/2023.
Toàn cảnh Họp báo thường kỳ quý I/2023 của Bộ VH, TT&DL
Bộ Văn hóa chỉ ra 2 khó khăn trong việc giải quyết vướng mắc của VFS
Tại cuộc họp, phía Bộ cũng trả lời báo chí về các vấn đề nóng của ngành trong thời gian qua. Nổi cộm là những vướng mắc liên quan đến việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) - kéo dài từ năm 2016 đến nay.
Theo bà Phan Linh Chi, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính cho biết, từ năm 2019, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã có chỉ đạo về công tác cổ phần hóa VFS gồm: Thu hồi cổ phần đã bán tại VFS, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư chiến lược (Tổng công ty Vận tải thủy - VIVASO), cũng như trả lại đất cho VFS.
Bộ đã tiếp thu và tiến hành thực hiện, nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Nguyên nhân mấu chốt được bà Chi đưa ra là vì VIVASO không hợp tác một cách tích cực.
"Mấu chốt của vấn đề ở việc VIVASO chưa đưa ra văn bản về các tính toán chi phí hợp lý, hợp lệ có liên quan và đề xuất số tiền nhận lại, thực hiện hoàn trả số cổ phần cho Nhà nước đã mua tại VFS.
Bộ đã có văn bản dự thảo quyết định lấy ý kiến Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính về kiến nghị phương thức xử lý sự việc này. Phía Bộ Tư pháp cho biết, về cơ sở pháp lý ban hành thu hồi cổ phần và hoàn trả lại tiền cho VIVASO không có sự thống nhất là không phù hợp. Bộ không thể đơn phương thực hiện các đề án nói trên".
Trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam xuống cấp trầm trọng
Nguyên nhân thứ hai được bà Chi nhắc đến là ở nguồn tiền chi trả, do VIVASO không cung cấp con số cụ thể. Trong khi đó Nghị định 148/2021/NĐ-CP Về quản lý sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn Nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp - đã quy định rất rõ về việc chi trả các nguồn tiền này.
"Nếu nhà đầu tư chiến lược đưa ra con số cụ thể, chúng tôi sẽ lập tức có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư để hướng dẫn cụ thể, báo cáo với Bộ, Chính phủ và đưa vào chi phí dự kiến thường niên. Chúng tôi đã có lộ trình cụ thể, nhưng mấu chốt vẫn là từ nhà đầu tư chiến lược.
Ngoài ra, ngày 22/3, Bộ VH, TT&DL có báo cáo chi tiết với Phó thủ tướng Lê Minh Khái rất cụ thể, chi tiết về lộ trình cổ phần hoá VFS. Không những Bộ VH, TT&DL phải báo cáo mà cả Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về việc này. Hai báo cáo đều trùng khớp", bà Chi khẳng định.
Song song với việc giải quyết câu chuyện cổ phần hoá, Bộ VH, TT&DL vẫn đang nghiên cứu tìm nhà đầu tư. Điện ảnh là một ngành đặc thù, mấy năm qua Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hiện tại chưa tìm ra nhà đầu tư chiến lược khác.
300 phim bị hỏng tại kho lưu trữ VFS chỉ là bản sao
Liên quan đến thực trạng tại VFS, cuối năm 2022, đạo diễn Nguyễn Thanh Vân thông tin, hơn 300 phim tại kho lưu trữ hiện tại đã hỏng và mất khả năng sử dụng, quá muộn để có thể phục hồi hay cứu vãn.
"Đây là kho lưu trữ phim của VFS. Nó tồn tại 40 năm nay. Trong một quá trình dài như vậy, máy điều hòa không bao giờ nghỉ. Nó đã ẩm mốc từ ngoài vào trong, tôi đã đưa ảnh cho các chuyên gia nhưng họ cho rằng hầu như không có khả năng khôi phục", vị đạo diễn xót xa.
Theo hình ảnh của đạo diễn Thanh Vân cung cấp, toàn bộ những cuộn phim cũ đều mốc và hư hỏng, cũng không được chăm sóc và bảo quản tốt.
Hệ thống máy lạnh tại kho phim hỏng trong nhiều tháng trời, gây mốc và hư hỏng toàn bộ thiết bị bên trong
Trả lời báo chí tại cuộc họp sáng 24/3, bà Phan Linh Chi trấn an "mọi người nên yên tâm", không có việc các phim của hãng bị ẩm mốc bởi đó chỉ là bản sao.
"VFS có tổng cộng 291 phim, hiện tại 278 phim gốc đang lưu trữ tại Viện Phim Việt Nam. 13 phim còn lại không lưu trữ do được sản xuất hợp tác với đơn vị khác", bà Chi thông tin.
Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) là hãng phim Nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ VH, TT&DL. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.
Năm 2016, Hãng Phim truyện Việt Nam chào mời cổ phần hóa. Sau nhiều lùm xùm, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) hoàn tất quá trình mua lại đơn vị hồi tháng 6. Hiện tại, hãng mang tên Công ty CP Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam. Nhiều nghệ sĩ bức xúc vì tình hình chậm lương, lương thấp và không có định hướng làm phim của ban lãnh đạo mới.
Trước đó, tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ VH, TT&DL rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Thủ tướng khi đó cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để bảo đảm sát giá thị trường, tránh thất thoát tài sản Nhà nước...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận