Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh khẳng định: không thể làm mẫu 1km cao tốc để xây dựng định mức, suất đầu tư công trình. (Trong ảnh: Thi công cao tốc Hạ Long - Vân Đồn) |
Tại cuộc họp về việc xây dựng định mức đầu tư mới 1km đường bộ do Bộ GTVT tổ chức hôm nay (6/3), Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản là trách nhiệm của Bộ Xây dựng. “Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm nhưng nếu làm mẫu 1km đường để xác định định mức là không thể làm được, làm như thế chỉ lãng phí và mất thời gian”, ông Khánh nói.
Cũng theo ông Khánh, Bộ Xây dựng và Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nhiệm vụ được giao với hình thức khoa học, tiên tiến và tiệm cận với thực tế nhất. Trong đó, Bộ Xây dựng sẽ đề xuất lựa chọn một gói thầu của đường cao tốc đặc trưng và xin được chỉ định thầu, quản lý để làm mẫu thí điểm.
Ông Lê Văn Cư, Viện trưởng Viện Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng thẳng thắn cho rằng, Bộ KH-ĐT là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về việc làm định mức cho 1km đường là đề xuất không phù hợp. “Đây là đề xuất của những người không có chuyên môn sâu về quản lý kinh tế - kỹ thuật”, ông Cư nhận định và cho biết, định mức theo quy định hiện nay là công bố áp dụng trên phạm vi toàn quốc và được tính toán trong điều kiện có tính chất trung bình và phổ biến, nó không trúng với những điều kiện có tính chất đặc thù.
“Bây giờ, chúng ta xây dựng thí điểm 1km đường để ra định mức chung cho các dự án là không thể vì nó không phản ánh đúng khoa học về xây dựng định mức”, ông Cư nói.
Trước đó, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục QLXD&CLCTGT (Bộ GTVT) cho biết, ngày 12/10/2016, Văn phòng Chính phủ có Văn bản 8664 thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT thực hiện lựa chọn một số dự án đầu tư xây dựng đường bộ, tổ chức thi công thí điểm 1km đường; trên cơ sở đó, xây dựng, điều chỉnh hệ thống định mức dự toán và chi phí xây dựng công trình đảm bảo đúng chi phí thực tế, chống thất thoát, lãng phí.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã huy động các đơn vị, chuyên gia trong và ngoài ngành để nghiên cứu phương án triển khai. Đồng thời, Bộ GTVT thống nhất với Bộ Xây dựng, Bộ KH-ĐT đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện theo hai phương án. Thứ nhất, do đặc thù của công trình giao thông kéo dài theo tuyến, mỗi công trình có điều kiện xây dựng, giải pháp thiết kế, khối lượng xây dựng, phương án tổ chức thi công khác nhau, nên việc xây dựng thí điểm 1km đường chưa đủ điều kiện xác định định mức đảm bảo phản ánh đúng định mức hao phí bình quân.
Do vậy, Bộ GTVT đề xuất lập thành đề án xây dựng thí điểm ở một số đoạn tuyến đi qua 3 vùng có điều kiện địa hình, địa chất khác nhau, với mỗi đoạn dài 3-5km đủ cho tổ chức thi công áp dụng thiết bị, công nghệ theo dây chuyền. “Với phương án này, Bộ GTVT đề nghị Chính phủ bố trí kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng đoạn tuyến thí điểm và thời gian thực hiện từ 3-4 năm”, ông Thành nói.
Phương án thứ hai, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho lồng ghép vào đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng” do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện để thực hiện điều chỉnh đồng bộ hệ thống định mức dự toán và phương pháp quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp |
“Ngày 31/7/2017, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản 7966 thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đồng ý lồng ghép nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản 8664 ngày 12/10/2016 vào đề án Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng do Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện. Thủ tướng giao Bộ Xây dựng, Bộ GTVT ưu tiên thực hiện trước việc xác định suất vốn đầu tư 1km đường bộ cao tốc”, ông Thành nói và cho biết, đến ngày 18/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2038 về việc phê duyệt đề án Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng.
Ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng” sẽ hoàn thành vào năm 2021. Trong đó, năm 2018, Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện phương pháp xây dựng và giá theo cơ chế thị trường. Từ năm 2019 – 2021 sẽ hoàn thiện hệ thống định mức theo phương pháp mới và sau năm 2021 mới bắt đầu áp dụng định mức theo phương pháp mới.
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, việc tổ chức thi công thí điểm 1km đường; trên cơ sở đó, xây dựng, điều chỉnh hệ thống định mức dự toán và chi phí xây dựng công trình đảm bảo đúng chi phí thực tế, chống thất thoát, lãng phí đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý lồng ghép vào đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức kinh tế - kỹ thuật và giá xây dựng” do Bộ Xây dựng chủ trì, Bộ GTVT sẽ tích cực phối hợp để triển khai thực hiện. “Thủ tướng Chính phủ đã có kết luận cuối cùng là đưa vào đề án hoàn chỉnh định mức và giá xây dựng để thực hiện từ nay cho đến năm 2021. Thông tin này cần phải cung cấp rộng rãi cho các bộ, ngành, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ căn cứ vào tiến độ thực hiện đề án của Bộ Xây dựng để chúng ta công bố các kết quả thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng giao về việc thí điểm làm 1km đường cao tốc”, Bộ trưởng nói. Theo Bộ trưởng, đề án mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 12/2017, các cơ quan chức năng sẽ khẩn trương rà soát lại đơn giá, định mức, đặc biệt là việc áp dụng đơn giá, định mức cho các dự án giao thông và cố gắng làm trong năm 2018. Viện Kinh tế Xây dựng là cơ quan chủ trì, Bộ GTVT sẽ phân công các đơn vị gồm: Vụ Tài chính, Cục QLXD&CLCTGT, các Ban QLDA phối hợp chặt chẽ để thống nhất phương pháp rà soát, cách làm và chọn các dự án quyết toán mang tính chất đại diện ở các khu vực Bắc, Trung, Nam để thực hiện rà soát, điều chỉnh lại đơn giá, định mức để bám sát hơn với thực tiễn. Về việc xác định suất đầu tư đường bộ cao tốc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định việc này sẽ được khẩn trương thực hiện trong năm 2018 trên nền tảng những dự án đường cao tốc đã hoàn thành. Chúng ta không thể làm mẫu 1km để xác định suất đầu tư mà sẽ lựa chọn một vài gói thầu mang tính đại diện, không có cầu, ít cống trên các tuyến cao tốc để xem xét, tính bình quân suất đầu tư cho 1km. “Sắp tới, chúng ta sẽ làm báo cáo Chính phủ về suất đầu tư dự án cao tốc căn cứ vào đặc thù vùng miền, địa chất, thủy văn khác nhau như: Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TP.Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành, TP.Hồ Chí Minh – Trung Lương để Chính phủ thấy được bức tranh đơn giá, định mức của chúng ta quản lý rất chặt chẽ nhưng suất đầu tư khác nhau vì vùng miền đa đạng. Việc này phải làm khẩn trương trong năm 2018 để kịp thời báo cáo Chính phủ”, Bộ trưởng nói. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận