Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), trao đổi về cáo trạng truy tố Bác sĩ Hoàng Công Lương |
Liên quan đến vụ tai biến chạy thận tại BV Đa khoa Hòa Bình làm 8 bệnh nhân tử vong, Viện Kiểm sát nhân dân Hòa Bình đã ra cáo trạng truy tố bác sĩ Hoàng Công Lương cùng 2 người khác. Trước thông tin này, ngày 21/3, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, sau khi cơ quan CSĐT Hòa Bình khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 bị can, Bộ Y tế và hội nghề nghiệp đã vào cuộc. “Bộ Y tế có quan điểm nhất quán là vụ việc tại BV Đa khoa Hòa Bình là vụ việc đặc biệt nghiêm trọng nên mong muốn cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, điều tra đưa vụ án ra xét xử làm rõ trách nhiệm các bị can trong vụ án.
Bộ cũng mong cơ quan bảo vệ pháp luật, khi xem xét, điều tra, tuy tố phải đảm bảo nguyên tắc tuân theo hiến pháp và pháp luật, không bao che cho cán bộ nào. Hiện nay, cơ quan chức năng chưa có hoạt động xét xử vụ án, nhưng Bộ Y tế đã có những chỉ đạo mới về chạy thận, kiểm tra quy trình chạy thận nhân tạo, quản lý thiết bị vật tư y tế về chạy thận, hoàn thiện pháp lý đảm bảo cho người bệnh”, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thông tin.
Đối với cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Hòa Bình, đại diện Bộ Y tế khẳng định: Không can thiệp vào các vấn đề điều tra, xét xử để cơ quan xét xử đảm bảo chức năng đúng quy định.
Được biết, Bác sĩ Hoàng Công Lương bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Qua xem xét cáo trạng, Bộ Y tế nhận thấy trong vụ việc này cơ quan quản lý nhà nước cần có biện pháp đảm bảo an toàn cho người bệnh, lợi ích hợp pháp cho các bị can.
Theo ông Quang, bác sĩ được đào tạo kỹ năng thực hành y khoa cấp cứu cho người bệnh. Việc mua sắm, bảo dưỡng, bảo trì thiết bị do bộ phận quản lý trang thiết bị quản lý. Do đó, bác sĩ không phải là người chịu trách nhiệm về trang thiết bị.
Mặt khác, cáo trạng cũng cho rằng sai sót của bác sĩ Lương không kiểm tra lại, không báo cáo với trưởng khoa. Liệu sai sót của bác sĩ Lương dẫn đến chết người không? Trả lời câu hỏi này, ông Quang phân tích: Bác sĩ Lương không có trình độ, năng lực, thiết bị kiểm tra nước đó đã tinh khiết hay chưa. Việc kiểm tra nước tinh khiết RO để chạy thận phải qua thiết bị chuyên ngành mới xác định được. Trong khi đó, bác sĩ Lương chưa được đào tạo thì không thể kiểm tra được. Vì vậy, dù có kiểm tra thì bác sĩ Lương cũng không thể biết được nước RO đã đảm bảo hay chưa.
Hơn nữa, dù bác sĩ Lương có báo cáo với Trưởng khoa thì cũng không thể biết được nước RO đó đã đảm bảo hay không. Và như vậy, tai biến vẫn sẽ xảy ra. “Bác sĩ Lương có kiểm tra, báo cáo thì các bệnh nhân vẫn có chất lạ vào cơ thể và đây là nguyên nhân dẫn đến tử vong. Đối chiếu với cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Hòa Bình thì nội dung gây đến hậu quả nghiêm trọng như trên thì cáo trạng đối với bác sĩ Lương là chưa thật sự thuyết phục”.
Như đã thông tin, vụ tai biến y khoa khiến 8 bệnh nhân tử vong khi đang chạy thận tại BV Đa Khoa Hòa Bình xảy ra ngày 29/5/2017. Kết quả xét nghiệm cho thấy, đã phát hiện trong hệ thống nước chạy thận có chất acid fluorid cao gấp 260 lần. Đây là chất cực độc, gây loạn nhịp tim nên bệnh nhân tử vong rất nhanh. Ngay sau khi xảy ra sự việc, công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra, bắt tạm giam 3 người, trong đó có 2 nhân viên y tế của BV Đa khoa Hòa Bình trong đó có Bác sĩ Hoàng Công Lương. Ngày 5/72017, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại 1 người là bác sĩ Hoàng công Lương. Mới đây, ngày 18/3, Viện KSND Hòa Bình đã hoàn tất cáo trạng truy tố Bác sĩ Lương và 2 nhân viên khác với tội tội: "Vô ý làm chết người" và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận