Y tế

Bộ Y tế lý giải vì sao chưa công bố hết dịch Covid-19?

12/08/2022, 14:04

Bộ Y tế vừa có Tờ trình Chính phủ về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; đề xuất chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành.

Theo tờ trình của Bộ Y tế, trong 7 tháng đầu năm 2022, thế giới ghi nhận hơn 291 triệu ca mắc Covid-19 mới, đưa tổng số ca mắc vượt 582 triệu ca, trên 6,4 triệu ca tử vong. Dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại.

WHO hiện vẫn cảnh báo dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vaccine.

img

Bộ Y tế đề xuất chưa công bố hết dịch Covid-19

Còn tại Việt Nam, số ca mắc đang gia tăng trở lại và có xu hướng tiếp tục tăng có thể gây quá tải hệ thống y tế, nhất là trong bối cảnh nguy cơ xảy ra "dịch chồng dịch" do một số bệnh dịch lưu hành khác (cúm A, sốt xuất huyết, tay chân miệng...) đang trong mùa cao điểm và khả năng xâm nhập của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi (đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính...).

Chưa có khuyến cáo tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ dưới 5 tuổi

Bộ Y tế cho biết, Hội đồng tư vấn sử dụng vaccine của Bộ đã tổ chức họp về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em dưới 5 tuổi và chưa có khuyến cáo tiêm vaccine cho nhóm tuổi này.

Đến ngày 11/8/2022, tổng số vaccine phòng Covid-19 đã tiếp nhận là 253.071.094 liều, trong đó, vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên là 234.636.494 liều; Vaccine cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi là 18.434.600 liều.

Trước tình hình dịch bệnh trên, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.

2 tình huống ứng phó với dịch Covid-19

Theo Bộ Y tế, hiện nay, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với Covid-19 có nhiều thách thức về giám sát, cách ly, điều trị miễn phí, dùng vaccine khẩn cấp, huy động chống dịch...

Do đó, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Tuy nhiên, Bộ Y tế đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.

Bộ Y tế đã xây dựng 2 phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch Covid-19 năm 2022 - 2023 trên cơ sở Kế hoạch Chiến lược chuẩn bị và đáp ứng Covid-19 của WHO với 2 tình huống:

Tình huống 1: Chủng virus vẫn tiếp tục tiến hóa, tuy nhiên do cộng đồng đã có miễn dịch nên số trường hợp nặng và tử vong ở mức thấp, dịch không còn nghiêm trọng hoặc xuất hiện biến thể mới nhưng ít nghiêm trọng. Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được giảm dần tương tự như đối với các bệnh truyền nhiễm nhóm B để tạo điều kiện cho người dân thích ứng an toàn, linh hoạt với trạng thái bình thường mới.

Tình huống 2: Xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.

Đối với tình huống này, các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 sẽ được củng cố và thực hiện nghiêm đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A nhằm nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, hạn chế số mắc và tử vong.

Chưa công bố hết dịch Covid-19

Theo Bộ Y tế, hiện nếu công bố hết dịch Covid-19 sẽ gặp nhiều thách thức trong trường hợp xảy ra tình huống xuất hiện biến thế mới nguy hiểm, có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine, hoặc giảm miễn dịch khiến ca nặng, ca tử vong tăng, trên diện rộng, vượt quá khả năng đáp ứng y tế.

Khi công bố hết dịch, các cơ chế chính sách đặc thù trong chống dịch sẽ không được áp dụng như nghiên cứu, sản xuất, hoặc mua, tiếp nhận, sử dụng vaccine, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm... trong tình trạng khẩn cấp, sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai biện pháp phòng dịch.

Đồng thời, cũng chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành, bởi hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.

Hiện dù tình hình dịch đã cơ bản kiểm soát nhưng số ca mắc đã có xu hướng gia tăng trở lại trong thời gian gần đây và vẫn ghi nhận các ca tử vong, nhiều ca bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.

Việt Nam hiện cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững; tuy nhiên vẫn cần luôn cảnh giác với các biến thể mới của virus, chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh và trước hết đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục đẩy nhanh hơn nữa việc hoàn thành tiêm mũi 3, mũi 4, tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.