Xã hội

Bộ Y tế nói gì về hiện tượng "trên bảo dưới không nghe" trong phòng dịch?

29/10/2021, 14:37

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Phó Thủ tướng đã đề xuất lập đoàn kiểm tra việc chấp hành thực hiện chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch.

Cần chế tài cụ thể để xử lý tình trạng "trên bảo dưới không nghe"

Sáng nay (29/10), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Hội thảo tuyên truyền nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP.

img

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên

Tại cuộc Hội thảo, một số cơ quan báo chí đã phản ánh hiện tượng “trên bảo dưới không nghe” trong việc thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và Quyết định 4800 của Bộ Y tế.

Một số ý kiến cũng đề xuất, nếu địa phương nào cố tình không thực hiện theo đúng Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 thì sẽ bị xử lý thế nào, cần có chế tài xử lý cụ thể, chứ không chỉ nói chung chung như hiện nay.

Trước câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp thu những nội dung này và báo cáo đến Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19

“Thay mặt cho Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chúng tôi trân trọng tiếp thu và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia, sau đó Ban chỉ đạo sẽ báo cáo cấp thẩm quyền, từ đó ban hành chế tài cụ thể”, ông Tuyên nói.

Ông Tuyên cũng cho biết, sáng nay, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã giao cho Văn phòng Chính phủ tham mưu đề xuất thành lập đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương trong phòng chống dịch

Ông Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao nhất là những điểm có người về từ TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương và các địa bàn dịch Covid-19 cấp độ 3, 4..

Bởi thời gian qua, một số địa phương nơi người dân từ vùng dịch trở về đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, nên Bộ đã có bổ sung yêu cầu tiếp tục theo dõi sức khoẻ tránh lây nhiễm ra cộng đồng.

Tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em phải có lộ trình

Về vấn đề tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước mắt đang triển khai tiêm ưu tiên nhóm 16-17 tuổi. Hiện nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch và rà soát đối tượng tiêm.

“Bộ Y tế đã giao cho Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chiều 29/10 tập huấn, hướng dẫn cho các cán bộ y tế các tuyến triển khai tiêm chủng vaccine cho trẻ em tại 63 tỉnh thành. Việc tiêm cho trẻ chủ yếu thực hiện ở các trường học, tiếp theo là ở các trạm y tế, các trung tâm y tế và các bệnh viện (với trẻ có bệnh nền, béo phì)… làm sao để công tác tổ chức tiêm chủng vừa nhanh chóng, thuận tiện, đồng thời đảm bảo an toàn”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết.

Theo ông Tuyên, Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế đã họp quyết định tiêm cho trẻ theo lộ trình tại những khu vực nguy cơ cao. Hiện mới có 2 loại vaccine phòng Covid-19 được cấp phép có thể tiêm cho trẻ em là Pfizer và Moderna của Mỹ.

Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, do nguồn cung vaccine chung trên thế giới còn khó khăn, lãnh đạo Nhà nước đã tích cực đàm phán, thúc đẩy ngoại giao vaccine để có thể sớm có nguồn vaccine tiêm cho người dân.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp cận trên 107 triệu liều vaccine và đã được phân bổ cho các địa phương để tiêm hơn 78 triệu liều.

“Việc tiếp cận vaccine tuy tích cực, nhưng số lượng về chưa đạt yêu cầu. Đặc biệt, là vaccine cho trẻ em”, Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Về phía Việt Nam vẫn đang tích cực nghiên cứu sản xuất vaccine trong nước và chuyển giao công nghệ, vaccine Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3.

img

Ông Đỗ Công Anh Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT

Ngày 1/11 tới sẽ “hợp nhất” ứng dụng VNEID và PC-COVID

Thông tin liên quan về việc xây dựng, sử dụng ứng dụng PC-COVID, ông Đỗ Công Anh - Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TT&TT phát triển ứng dụng PC-COVID là ứng dụng duy nhất dùng chung cho việc phòng, chống Covid-19.

Đối với việc quét mã QR-Code được triển khai tại các địa điểm đông người, các cửa hàng, trụ sở cơ quan… các đơn vị có thể vào trang qr.tokhaiyte.vn hoặc qr.pccovid.gov.vn để đăng ký việc kiểm soát, sau đó là in mã QR-Code dán ở cửa hoặc cho nhân viên lễ tân, nhân viên bảo vệ quét ứng dụng PC-COVID của người đi vào và khi đó sẽ kiểm soát đc việc di chuyển.

Về việc liên quan đến việc sử dụng mã QR-Code chung giữa 2 ứng dụng là dụng VNEID (của Bộ Công an) và ứng dụng PC-COVID (Bộ TT&TT xây dựng), đặc biệt tại các sân bay.

Ông Đỗ Công Anh cho biết, hiện Bộ TT&TT đã làm việc với Bộ Công an để thống nhất hai ứng dụng VNEID và PC-COVID dùng chung QR-Code, do đó dùng ứng dụng nào quét mã QR-Code cũng được.

Ông Công Anh cho biết, sáng nay (29/10), Bộ TT&TT sẽ làm việc với Bộ Công an để thống nhất vấn đề về kỹ thuật, dùng mã QR-Code cho 2 ứng dụng, để dùng ứng dụng nào cũng quét. Người dân dùng mã QR-Code ở trên VNEID, PC-COVID, in ra hay là dùng mã QR trên căn cước công dân, mã QR trên thẻ bảo hiểm xã hội thì hiện nay, PC-COVID đã đáp ứng được toàn bộ vấn đề này.

“Về PC-COVID hiện nay đã sẵn sàng rồi. Hiện trên cả nước có 2 triệu điểm quét mã QR-Code PC-COVID. Chúng tôi sẽ làm việc với Bộ Công an để thống nhất để 1/11/2021 dùng chung 1 mã QR-Code cho 2 ứng dụng là VNEID và PC-COVID, 2 bên đều phải quét được nhau, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân”, ông Công Anh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.