Liên quan danh sách "12 loại thuốc đông y điều trị Covid-19" được đề cập trong công văn số 5544/BYT-YDCT do Bộ Y tế ban hành ngày 24/7 về tăng cường phòng chống dịch bệnh Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu đang gây nhiều tranh cãi, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Trong sáng nay, Bộ sẽ nhanh chóng thu hồi lại văn bản này".
Cấp cứu bệnh nhân Covid-19 nặng ở TP.HCM
Trong văn bản thu hồi Công văn 5944/BYT-YDCT vừa được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký gấp sáng nay, có đề cập lý do thu hồi là "một số nội dung chưa phù hợp".
Được biết, trong Công văn 5944/BYT-YDCT, Bộ Y tế có nêu, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ở nhiều địa phương trong cả nước, để góp phần hạn chế sự lây lan dịch bệnh, tăng cường khả năng phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học cổ truyền trực tiếp tham gia phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, nghiêm túc thực hiện các hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan.
Đồng thời, căn cứ thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm Công văn 5944/BYT-YDCT để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám, chữa bệnh để hỗ trợ cho các người bệnh nhiễm SARS-CoV-2, đội ngũ y, bác sĩ tuyến đầu và đối tượng cách ly (F1) phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương".
12 sản phẩm từ dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 ( theo công văn 5944) gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovi; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Viên nang Imboot ; Xuyên tâm liên; và Viên nang Nasagast - KG.
Trước những thông tin "nghi ngờ về công năng điều trị Covid-19" của 12 sản phẩm trên, trả lời với báo chí, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý y, dược cổ truyền, Bộ Y tế, cho biết 12 sản phẩm nêu trên không phải là danh mục thuốc, sản phẩm chỉ định cho dự phòng, điều trị, mà đó là danh mục các sản phẩm do các đơn vị tài trợ, ủng hộ cho phòng dịch Covid-19.
Theo giải thích của ông Thịnh, căn cứ danh mục, tùy theo thực tiễn các bệnh viện, cơ sở y tế khi được tài trợ để phát cho bệnh nhân. Các sản phẩm cũng cần được đánh giá về hiệu quả khi sử dụng. Hiện Bộ Y tế không công bố sản phẩm có tác dụng dự phòng, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2.
Cũng theo ông Thịnh, hiện chưa có thuốc đặc hiệu điều trị ca mắc Covid-19 do SARS-CoV-2 nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vaccine Covid-19, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận