Xà phòng diệt khuẩn sẽ bị xem xét cấm lưu hành nếu phát hiện có chứa triclosan và triclo carban |
Bộ Y tế vừa ra thông báo chính thức về việc xem xét rút số đăng ký lưu hành và chấm dứt lưu hành chế phẩm của cơ sở sản xuất xà phòng diệt khuẩn trong trường hợp phát hiện không đảm bảo an toàn hoặc có khuyến cáo từ các tổ chức quốc tế.
Cấm lưu hành nếu phát hiện không an toàn
Trước đó, ngay sau khi Mỹ ban hành lệnh cấm 19 hoạt chất chứa trong xà phòng diệt khuẩn, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã yêu cầu các nhà sản xuất tự rà soát, báo cáo Bộ Y tế nếu thành phần sản phẩm có chứa các chất này, đặc biệt là triclosan và triclocarban. Được biết, sản phẩm nằm trong phạm vi báo cáo là các dạng xà phòng kháng khuẩn sử dụng để rửa tay với nước và phải xả sạch bằng nước sau khi sử dụng (xà phòng lỏng và xà phòng bánh). Riêng các sản phẩm diệt khuẩn dùng trong y tế và các chế phẩm sát khuẩn tay không dùng nước hiện vẫn chưa có “phán quyết” do FDA đang yêu cầu các nhà sản xuất nộp dữ liệu báo cáo chứng minh tính an toàn.
Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên Cục Quản lý Dược có động thái phản hồi về hóa chất triclosan. Cụ thể, hồi tháng 9/2014, trước thông tin cảnh báo kem đánh răng Colgate chứa triclosan, tăng nguy cơ gây ung thư, Cục Quản lý Dược đã có văn bản khẩn gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc T.Ư yêu cầu lấy mẫu kiểm tra. Tuy nhiên, kết quả kiểm tra ra sao thì lại chưa được công bố (!?) Tại thời điểm đó, Cục Quản lý Dược cũng khẳng định, các nước trong khu vực chưa nhận được cảnh báo mất an toàn nào liên quan đến việc sử dụng triclosan trong các sản phẩm mỹ phẩm đang lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, năm 2005, cơ quan chức năng từng phát hiện triclosan có mặt trong kem đánh răng Close-up và xà phòng diệt khuẩn Lifebuoy. Trước những khuyến cáo của các nhà khoa học về nguy cơ từ chất này, nhà sản xuất đã loại đã bỏ thành phần triclosan ra khỏi sản phẩm.
Chưa biết dùng hóa chất gì thay thế
Như Báo Giao thông số cuối tuần 37 ra ngày 9/9 phản ánh, mặc dù Mỹ cấm xà phòng diệt khuẩn chứa triclosan và triclocarban, song tại Việt Nam, khắp nơi các sản phẩm này vẫn được bày bán vô tư. Theo tìm hiểu, Công ty TNHH Dược phẩm Dược liệu OPODIS (Q7, TPHCM), DN chuyên sản xuất dòng sản phẩm phục vụ phòng ngừa bệnh tật và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng có hai sản phẩm sử dụng triclosan là dung dịch sát khuẩn PHYTASEP và xà phòng rửa tay diệt khuẩn Clinsoap. Cả hai sản phẩm này đều được giới thiệu chứa các thành phần diệt khuẩn, đồng thời bổ sung tinh dầu oliu, vitaminE và thành phần dưỡng da tự nhiên, không gây kích ứng da, an toàn cho người sử dụng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, sáng 14/9, ông Nguyễn Nam Hải, Phó giám đốc phụ trách sản xuất OPODIS cho biết, qua báo chí mới biết thông tin Mỹ cấm sử dụng 2 chất diệt khuẩn triclosan và triclocarban. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện tại, ông Hải khẳng định, chưa nhận được bất cứ văn bản nào liên quan tới thông tin Cục Quản lý Dược yêu cầu rà soát việc sử dụng các chất trên. Nói về sản phẩm có chứa triclosan, ông Hải thanh minh: “Khi chúng tôi đăng ký chứng nhận sản phẩm và được Cục Quản lý Dược cấp số đăng ký lưu hành (2015), quy chuẩn Việt Nam vẫn cho phép sử dụng chất diệt khuẩn này với khuyến cáo hàm lượng không vượt ngưỡng 0,3%. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho khách hàng, chúng tôi chỉ sử dụng triclosan ở ngưỡng 0,1% trong sản phẩm”.
Theo Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược Hoa Kỳ (FDA), từ trước tới nay, người tiêu dùng vẫn nghĩ xà phòng diệt khuẩn có hiệu quả hơn trong ngăn ngừa sự lây lan của vi trùng, nhưng thực tế không có bằng chứng cho thấy, xà phòng diệt khuẩn tốt hơn so với xà phòng thường và nước. |
Tuy nhiên, trước thông tin xà phòng diệt khuẩn chứa chất triclosan gây ung thư đang khiến dư luận hoang mang, đại diện nhà sản xuất OPODIS cho biết, đang tiến hành nghiên cứu tìm hoạt chất diệt khuẩn khác, an toàn hơn để thay thế. “Hiện, chúng tôi vẫn chưa biết nên thay thế bằng hoạt chất nào bởi cái này hoàn toàn tùy thuộc vào đối tác cung cấp nguyên liệu. Cần có thêm thời gian để liên hệ tìm hiểu bởi những đối tác đều ở nước ngoài, DN trong nước chưa thể sản xuất được những hóa chất này”, ông Nguyễn Nam Hải chia sẻ.
Ngoài ra, theo ông Hải, quy trình cấp duyệt đăng ký lại thành phần trong sản phẩm cũng mất khá nhiều thời gian và phức tạp. “Hồ sơ gửi lên Cục Quản lý Dược xin phép được khảo nghiệm sản phẩm cũng phải mất thời gian chờ đợi. Sau khi được cấp phép, DN lại phải mang mẫu tới đơn vị chức năng test rồi sau đó cầm kết quả quay trở lại Cục Quản lý Dược để được cấp số đăng ký mới. Quá trình này nhanh cũng phải mất 6 tháng, chậm thì một năm mới hoàn thành”, ông Hải cho biết.
Tương tự, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Liên Thành Phát (Gò Vấp, TP HCM), một đối tác sản xuất xà phòng diệt khuẩn thương hiệu BigC (có chứa triclocarban) cũng cho hay, chưa nhận được yêu cầu rà soát và báo cáo lên Cục Quản lý Dược. “Chất này chúng tôi sử dụng trong sản phẩm lâu rồi, chưa từng nghe nói bị cấm bao giờ!”, đại diện công ty nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận