Sau chuyến bay đêm (1h50 rời Nội Bài, tới một nước Đông Bắc Á lúc 5h50), nhiều du khách trẻ mệt mỏi nằm ngồi ở băng ghế sân bay chờ hoàn tất thủ tục nhập cảnh |
Thêm mua sắm, bớt tham quan
“Làn sóng” du khách Việt Nam đổ sang Nhật Bản - Hàn Quốc - Đài Loan liên tục tăng trưởng đầy ngoạn mục. Thậm chí, Tổng cục Du lịch Hàn Quốc coi Việt Nam là thị trường chủ đạo tại Đông Nam Á, do lượng khách trong 5 tháng đầu năm tăng tới 39,7% so với cùng kỳ năm 2017. Giám đốc Du lịch Á châu Trịnh Việt Dũng nhận xét, 3 điểm đến trên hấp dẫn còn do lữ hành (LH) “nhồi” thêm mua sắm bắt buộc vào chương trình, góp phần giảm giá tour nên đánh trúng tâm lý hám rẻ của đại đa số khách.
Được điểm mua sắm trợ giá nên nhiều LH địa phương áp đặt điều kiện khá ngặt nghèo. Từ tháng 6 đến tháng 10, Liên Bang (TP.HCM) khởi hành nhiều đoàn sang Đài Loan tham quan cửa hàng trà, mua sắm ở cửa hàng tỳ hưu, bánh dứa…, kèm quy định “khách bắt buộc phải đi theo suốt hành trình du lịch, không được tự ý tách đoàn”. Thực ra không phải LH sợ khách trốn ở lại, mà do “chương trình được hỗ trợ bởi các điểm mua sắm đặc sản tỳ hưu, trà, linh chi, đá quý” như Công ty Thương mại & du lịch Sen Vàng (Hà Nội) ghi chú trong tour khuyến mãi có lịch khởi hành khá dày. Nhân viên của Sen Vàng nhấn mạnh, khách phải nộp thêm 2 triệu đồng với mỗi điểm mua sắm không vào - mức tiền mang nặng tính ngăn chặn việc bỏ điểm mua sắm.
Mua ngoài rẻ hơn 20 - 25% Ông Chu Kỳ Linh (ngõ 61 Phạm Tuấn Tài, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cả hai lần ông đi Hàn Quốc đều phải vào nhiều điểm mua sắm có nhân viên ứng xử lịch sự, hàng hóa trông có vẻ tốt. “Nghệ thuật bán hàng của họ rất thuyết phục, cộng thêm tiểu xảo mồi chài của hướng dẫn viên nên khá nhiều khách rút ví. Riêng tôi không bao giờ mua mà buổi tối tự tìm tới các cửa hàng trông có vẻ sang trọng, hoặc đã được người quen giới thiệu trước để mua sản phẩm tương tự. Giá luôn rẻ hơn 20 - 25%, về dùng đều tốt cả”, ông Linh cho hay. |
Trái lại, Hanoi Redtours chỉ phụ thu 20 USD/điểm không vào nhưng chương trình thể hiện cả buổi chiều vào riêng cửa hàng lưu niệm - trang sức. Còn nhân viên phụ trách tour giải thích thời gian tại đây khoảng 1 - 2 giờ ý tùy đoàn. Một đoàn khách của Truyền thông du lịch Việt từ TP.HCM đi Nhật Bản cũng có nguyên buổi chiều trong trung tâm thương mại Gotemba. Từ tháng 6 đến tháng 10, công ty này mở bán 5 tour từ Hà Nội sang xứ sở mặt trời mọc, mỗi khách bị phụ thu 50 USD/điểm nếu không vào Trung tâm tơ lụa dệt may Nishijin (xem trình diễn kimono, cách thức nghệ nhân dệt vải…) và Gotemba. Còn thời gian vào mỗi điểm có đúng tối đa 1 giờ như nhân viên trấn an khi thấy khách tỏ ra e ngại phải ở lại lâu hay không, phải đi mới biết.
Giám đốc Vytatour (TP.HCM) Phan Thân nhận xét, trong chùm tour Đông Bắc Á, tuyến Hàn Quốc dày đặc điểm mua sắm chỉ định nhất. Dù nhân viên phụ trách tour cam đoan thời gian vào mỗi điểm này tối đa chỉ 1 giờ, nhiều LH vẫn “nhồi” quá nhiều nội dung tham quan - giải trí trong thời gian ngắn ngủi. Ông này lấy làm tiếc vì quá nhiều du khách vẫn không biết rằng đằng sau giá tour rẻ còn có nhiều góc khuất và thiệt thòi. Từng 8 lần trực tiếp dẫn đoàn sang Hàn Quốc, Giám đốc điều hành Lantours (Hà Nội) Bùi Thị Phương Thảo luôn giữ quan điểm làm tour 5 - 6 ngày: Chỉ bay đêm lượt đi, sử dụng hàng không truyền thống với ghế rộng rãi, đưa khách vào tối đa 4 điểm mua sắm Seoul là quá đủ - với tổng thời gian gần một ngày. “Trừ với người đi để mua sắm, tôi luôn giải thích với khách thuần túy nếu chỉ nhăm nhăm chọn sản phẩm giá rẻ sẽ dễ phải ngủ khách sạn gần ngoại ô, thụ hưởng dịch vụ chất lượng trung bình. Đồng thời phải vào quá nhiều điểm mua sắm bắt buộc khiến không đủ thời gian quý giá đi tham quan - giải trí ở những điểm đáng phải ở lại lâu để tận hưởng cho bõ… Từ đó, về bản chất khách đã phí cả công sức lẫn tiền bạc cho chuyến đi “cưỡi ngựa xem hoa” và giá tour tưởng rẻ lại hóa đắt”, bà Thảo phân tích.
Tha lôi đi đêm về đêm
Đa phần tour sang Hàn Quốc bay hàng không giá rẻ (HKGR) và Nhật Bản sử dụng chuyến bay đêm ít nhất lượt đi. Ông Đoàn Công Đình (Khu tập thể I15, phố Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội) nhớ lại buổi sáng đầu tiên ở Seoul, khoảng 25% khách - là người cao tuổi và phụ nữ trung niên - rên rẩm vì ngủ ngồi trên hạng ghế phổ thông HKGR đã mệt thì chớ, ăn sáng xong bị tha lôi đi các điểm tham quan phải cuốc bộ khá nhiều. Hãn hữu mới có LH quan tâm tới sức khỏe, cảm xúc của khách như chi nhánh Trần Việt tại Hà Nội đang mở bán nhiều đoàn bay HKGR khởi hành lúc 1h40, gần 8h tới Seoul ăn sáng - đi xông hơi kiểu Hàn - ăn trưa rồi chiều mới đi đảo Nami. “Bù lại”, nhà tổ chức đưa khách vào 6 điểm mua sắm trong 4 ngày, trưa ngày cuối đã về tới sân bay Nội Bài…
Dù có rất nhiều hãng hàng không khai thác đường bay thẳng từ Việt Nam tới Nhật Bản và Hàn Quốc, kha khá LH vẫn sử dụng chuyến bay “cắt xén” đáng kể thời gian quý giá ở nước ngoài. Vào ngày cuối trong một tour Nhật Bản của Vitours, khách ăn sáng xong ra luôn sân bay để kịp 10h cất cánh về Đà Nẵng. Ngay cả hai đoàn từ TP.HCM - Nhật Bản vào tháng 6 sử dụng dịch vụ cao cấp (giá trọn gói đắt gấp 3 lần chương trình liên tuyến Malaysia - Singapore có cùng số ngày và hạng khách sạn 4 sao) của Du lịch Hoàn Mỹ cũng rời xứ sở hoa anh đào lúc 9h30... Cá biệt, Truyền thông du lịch Việt và Saigontourist bán nhiều đoàn từ Hà Nội, TP HCM đi Nhật Bản đều quá cảnh ở Hongkong trên dưới 2 - 3 giờ. Khách phải chuyển máy bay (chặng đi quá cảnh giữa đêm), lại tốn tiền ngủ một tối đắt đỏ ở Nhật Bản chỉ để sáng hôm sau bay 2 chặng về nước…, nên không lấy làm lạ khi Truyền thông du lịch Việt đang rao giảm 500 - 600 ngàn đồng/người cho hai đoàn khởi hành tháng 7 - 8 từ TP.HCM.
Tuy nhiên, không hẳn tha lôi nhau càng lâu càng có lợi. Trong tháng này, Hanoi Redtours mở bán 3 đoàn đi Hàn Quốc 5 ngày bằng HKGR, chuyến đi cất cánh lúc 0h45 ngày tour thứ hai, về tới Hà Nội lúc 23h50. Cũng bay HKGR, Saigontourist Hà Nội đưa khách bay đi lúc 1h50, chuyến về hạ cánh xuống Nội Bài vào 23h45... Khách có sung sướng nổi khi khoảng 1h đêm mới mò về tới nhà hay không, cứ đi thử một lần khắc thấu. Còn ông Chủ tịch Du lịch Lửa Việt (TP HCM) Nguyễn Văn Mỹ xác nhận, giá vé máy bay giờ xấu thấp hơn giờ bay đẹp và du khách Việt thường có tâm lý thích rẻ!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận