Boeing đạt thỏa thuận nhận tội
Sáng 8/7 (giờ Việt Nam), Bộ Tư pháp Mỹ thông báo, dự kiến ngày 19/7, nhà sản xuất máy bay Boeing sẽ nhận tội gian lận hình sự liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay 737 Max khiến 346 người thiệt mạng.
Bộ Tư pháp quyết định công ty này đã vi phạm thoả thuận giữa Boeing và cơ quan này để hãng sản xuất máy bay này không bị truy tố. Boeing đã xác nhận đồng ý với thỏa thuận nhận tội này.
Theo đó Boeing phải nộp thêm 243,6 triệu USD (khoảng 6.200 tỷ đồng) tiền phạt. Một giám sát viên độc lập sẽ giám sát quy trình an toàn và chất lượng của Boeing trong vòng ba năm tới. Thỏa thuận cũng yêu cầu Boeing phải đầu tư ít nhất 455 triệu USD (khoảng 11.600 tỷ đồng) cho kế hoạch tuân thủ quy định và đảm bảo an toàn.
Tờ CBS News dẫn lời quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết, Boeing cũng sẽ phải chịu thử thách do tòa án giám sát thi hành trong 3 năm. Nếu vi phạm, công ty có thể phải đối mặt với các hình phạt bổ sung.
Quan chức này nói thêm, hội đồng quản trị của Boeing cũng sẽ phải gặp gỡ gia đình các nạn nhân. Thỏa thuận này chỉ áp dụng đối với toàn thể tập đoàn, không áp dụng riêng với bất kỳ quan chức nào của Boeing.
Thỏa thuận nhận tội cũng chỉ áp dụng đối với sai phạm của Boeing liên quan đến hai vụ tai nạn máy bay khiến tất cả 346 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng vào năm 2018 và năm 2019, không miễn trừ trách nhiệm đối với các sự cố khác, bao gồm vụ việc cửa máy bay bị bung hồi tháng 1.
Vào tuần trước, các công tố viên liên bang đã cho Boeing hai lựa chọn bao gồm nhận tội và nộp phạt, hoặc phải đối mặt với phiên tòa xét xử tội hình sự âm mưu lừa đảo chính phủ Mỹ. Các công tố viên trước đó cáo buộc Boeing lừa dối chính phủ Mỹ về hệ thống kiểm soát và quá trình đào tạo phi công cho loại máy bay này.
Thỏa thuận nhận tội của Boeing hiện vẫn cần có sự chấp thuận của một thẩm phán liên bang trước khi có hiệu lực.
Luật sư của các nạn nhân phản ứng gay gắt
Một quan chức tòa án cho biết, trước khi quyết định có chấp nhận thỏa thuận nhận tội hay không, tòa sẽ tổ chức phiên điều trần công khai để gia đình nạn nhân bày tỏ ủng hộ hoặc phản đối thỏa thuận này.
Trong đó tòa án đã tổ chức nhiều cuộc họp kéo dài hàng giờ trao đổi với gia đình các nạn nhân, đưa phản hồi của gia đình nạn nhân vào bản đề xuất điều khoản.
Trong khi đó, luật sư của nhiều gia đình có thân nhân thiệt mạng cho biết sẽ yêu cầu thẩm phán bác bỏ thỏa thuận này.
"Thỏa thuận này không nêu rõ vi phạm của Boeing đã khiến 346 người đã thiệt mạng. Hậu quả chết người gây ra bởi tội ác của Boeing đang bị che giấu", ông Paul Cassell, luật sư của một số gia đình, lên tiếng.
Luật sư Mark Lindquist cho biết công ty của ông đã đại diện cho gia đình của hàng chục người thiệt mạng trong hai vụ tai nạn máy bay 737.
Ông tuyên bố: "Các gia đình nạn nhân sẽ yêu cầu thẩm phán không chấp nhận thỏa thuận nhận tội theo hình thức hiện tại. Hơn 5 năm sau khi 346 người thiệt mạng trong hai vụ tai nạn vốn dĩ có thể ngăn ngừa được, đã đến lúc Boeing phải chịu toàn bộ trách nhiệm, giải quyết các vụ án, cải cách văn hóa và tái thiết công ty. Công lý và trách nhiệm giải trình là quan trọng, nhưng điều quan trọng hơn cả đối với các gia đình nạn nhân là Boeing không còn hy sinh sự an toàn vì lợi nhuận nữa".
Ngày 29/10/2018, máy bay Boeing 737 MAX của hãng Lion Air của Indonesia rơi trên biển Java khiến toàn bộ 189 hành khách và thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Dữ liệu hộp đen cho thấy máy bay gặp sự cố kỹ thuật sau khi cất cánh và phi công không thể giải quyết.
Đến tháng 3/2019, máy bay Boeing 737 MAX của Ethiopian Airlines gặp tai nạn tương tự khiến 157 người không qua khỏi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận