Ý tưởng taxi bay không người lái phục vụ đô thị không còn quá xa vời |
Tập đoàn sản xuất máy bay Boeing (Mỹ) vừa tung động thái chiến lược nhằm đón đầu trong khai thác thị trường máy bay không người lái (drone) hướng tới mở dịch vụ taxi bay. Theo dự đoán của nhiều chuyên gia, dịch vụ này sẽ trở nên nhộn nhịp ngay trong vài năm tới.
Dành riêng nhân lực tập trung vào taxi bay
Theo tuyên bố mới nhất của Boeing, hãng sản xuất máy bay Mỹ sẽ thành lập một chi nhánh nội bộ mới mang tên NeXt để khai thác thị trường máy bay chở khách không người lái.
Boeing NeXt sẽ hợp tác với các công ty đối tác để chế tạo phương tiện không người lái, giải quyết vấn đề kiểm soát không lưu và hỗ trợ xây dựng mô hình cơ sở hạ tầng trên mặt đất. Nguồn nhân lực của chi nhánh này được rút ra từ các bộ phận khác trong Boeing, do ông Steve Nordlund, Phó chủ tịch Boeing HorizonX đứng đầu. Nếu thành công trong tương lai, NeXt sẽ tách ra thành một công ty riêng biệt.
Phát biểu tại Triển lãm Hàng không Quốc tế Farnborough, Giám đốc Kỹ thuật của Boeing Greg Hyslop cho hay, Boeing có chuyên môn về định hình công nghệ mới một cách an toàn và hiệu quả.
“Kỷ nguyên của các phương tiện bay sẽ đến trong vài năm nữa. Đa dạng hóa hình thức giao thông là việc cần thiết”, ông Hyslop nói.
Bên cạnh đó, “ông lớn trong ngành không gian vũ trụ” thế giới cũng đặt quan hệ đối tác với công ty trí tuệ nhân tạo (AI) SparkCognition.
Boeing nhận định, hai bên sẽ sử dụng công nghệ blockchain và AI để phát triển hệ thống quản lý giao thông hàng không có thể theo dõi phương tiện không người lái trong quá trình bay. Hệ thống này cũng sẽ có nhiệm vụ phân bổ hành lang và tuyến giao thông.
Những nỗ lực tích cực của Boeing nhằm tiếp cận thị trường được dự đoán sẽ rất phát triển chỉ trong một thời gian ngắn nữa. Ông Amir Husain, người sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) SparkCognition cho biết, giao thông trên không tại khu vực đô thị ước tính sẽ vươn lên thành thị trường trị giá 3 nghìn tỉ USD ở mức “lớn nhất mà chúng tôi từng chứng kiến”.
Theo một nghiên cứu khác từ Deloitte, máy bay không người lái có 2-5 chỗ ngồi, nhìn tương tự trực thăng hiện nay sẽ có mặt trên thị trường chỉ trong 2 năm nữa. Kể cả Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cũng đang nghiên cứu tính khả thi của phương thức di chuyển mà cơ quan này gọi là “Vận tải trên không tại đô thị”.
Chặng đường được công nhận pháp lý còn dài
Tuy nhiên, bất cứ công nghệ nào dù được nhận định là hiện đại và tiện lợi đến mấy nếu muốn đi vào đời sống đều cần phải được kiểm duyệt và chấp thuận từ cơ quan chức năng. Máy bay chở khách không người lái (drone) cũng vậy. Nhưng để xin giấy phép từ cơ quan hàng không cho drone chở khách sẽ tiêu tốn hàng triệu USD và mất nhiều năm liền, ít nhất là đến khi các cơ quan như Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) quyết định rõ tiêu chuẩn của các loại taxi bay. Hiện nay, chưa có tiêu chuẩn nào tương tự như vậy tồn tại.
“Chưa có phương tiện taxi bay nào được cấp phép”, ông John Hansman, chuyên gia về hàng không vũ trụ tại Viện Công nghệ Massachusetts nhận định và nói thêm: “Giới chức tại FAA đang lo ngại về cách quản lý, đến nay chưa ai biết cần phải kiểm soát loại phương tiện này như thế nào”.
Cũng theo ông John Hansman, “một trong những yếu tố quan trọng nhất để ngành Hàng không Mỹ không dính bất cứ vụ tai nạn thương tâm nào trong nhiều năm liền đó chính là quá trình cấp phép máy bay nghiêm ngặt. Tuy nhiên, chính những tiêu chuẩn cao đó đã cản trở những thiết kế mới mang tính cách mạng của các phương tiện do rô-bốt điều khiển trên con đường pháp lý để danh chính ngôn thuận xuất hiện trên đường”.
Hiện nay, Mỹ cùng nhiều cơ quan tương tự trên khắp thế giới bắt buộc các nhà sản xuất phải chứng minh được tỉ lệ xảy ra thảm họa sẽ vô cùng thấp, khoảng 1 trên 1 tỉ chuyến. Điều này đồng nghĩa, trong suốt thời gian hoạt động, sẽ không có chuyện cánh máy bay bị rơi hay hệ thống tự động lái bất ngờ đổi hướng lao xuống đất.
Một số chuyên gia cho rằng, trừ khi Quốc hội hoặc FAA nới lỏng các tiêu chuẩn đối với phương tiện tự lái, còn không Boeing và các nhà sản xuất khác sẽ phải chứng minh chắc chắn hệ thống cảm ứng được số hóa và hệ thống hướng dẫn bằng rô-bốt là đáng tin cậy.
Ông Steve Wallace, cựu quan chức FAA từng chịu trách nhiệm giám sát các cuộc điều tra tai nạn và làm việc trong chi nhánh cấp phép của cơ quan này cũng khẳng định: “Để cấp phép một máy bay mới sẽ tiêu tốn chi phí rất lớn”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận