“Nhà máy của tương lai” của Boeing sẽ là tập hợp của các thiết kế kỹ thuật 3D thực tế ảo, robot tương tác và kỹ thuật cơ khí trên khắp thế giới, được liên kết qua công nghệ thực tế ảo tân tiến HoloLens (loại máy tính 3 chiều tiên tiến nhất từng được biết đến).
Tại đây, Boeing sẽ chế tạo và liên kết bản sao kỹ thuật số 3D thực tế ảo của mẫu máy bay mới với hệ thống sản xuất để vận hành mô phỏng. Bản sao kỹ thuật số sẽ bao gồm tất cả thông tin về máy bay từ khởi đầu bao gồm yêu cầu của các hãng hàng không, chi tiết thông số phụ tùng, giấy tờ chứng nhận.
Máy bay Boeing tại cơ sở sản xuất của hãng tại South Carolina, Mỹ. Ảnh: Reuters
Boeing dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào dự án này. Nhà sản xuất máy bay Mỹ kỳ vọng loại máy bay mới sản xuất dựa trên công nghệ thực tế ảo sẽ ra mắt thị trường trong 3 - 5 năm tới.
Kỹ sư trưởng Boeing Greg Hyslop cho biết, với quá trình sản xuất được đổi mới này, chất lượng sản phẩm cung cấp sẽ tốt hơn, các bộ phận của máy bay sẽ hoạt động nhịp nhàng và hạn chế tối đa công việc sửa chữa. Hơn 70% vấn đề về chất lượng sẽ được truy gốc dễ dàng.
Tuy nhiên, dự án đổi mới sản xuất dựa trên công nghệ kỹ thuật số của Boeing đã gặp phải nhiều hoài nghi. Một số ý kiến cho rằng, hãng cần cải thiện chất lượng sau một loạt sự cố liên quan tới tính an toàn của máy bay.
Hai vụ tai nạn liên quan tới dòng máy bay 737 MAX vào năm 2018 và 2019 đã khiến nhiều quốc gia trên thế giới cấm vận hành dòng máy bay này.
Tới đầu tháng 12, Trung Quốc đồng ý cho phép dòng Boeing 737 MAX đã cải tiến, vá lỗi được hoạt động trở lại. Hồi đầu năm, EU cũng có động thái tương tự. Còn Mỹ, Brazil, Panama và Mexico “bật đèn xanh” cho phép dòng máy bay trở lại với bầu trời từ cuối năm 2020.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận