Nếu để tồn tại các xe thùng cao, vấn nạn xe quá tải khó được giải quyết triệt để.
Chở bằng thùng cũng sai, cắt thùng cũng sai
Những ngày cuối tháng 7/2022, PV Báo Giao thông có mặt trên các tuyến QL1, QL7B… đoạn qua các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Yên Thành (Nghệ An) và ghi nhận, trên các tuyến đều có rất nhiều xe Howo chở vật liệu xây dựng. Các xe này đều có thành thùng cao khoảng 60cm.
Tuy nhiên, tìm hiểu của PV, trong số những xe này, có không ít xe đã phải cắt hạ thành thùng xuống thấp hơn so với thông số được ghi trong giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện.
Những xe này chủ yếu được sản xuất trước năm 2012, với thành thùng nguyên bản cao 1,6m, thậm chí hơn 2m.
Một xe thùng nguyên bản sau khi cắt bị từ chối đăng kiểm đến nay chủ xe đã cơi lại để sử dụng (Ảnh tư liệu)
Tuy nhiên, khi chở đất, đá, quặng… thì chỉ cần chở ngang bằng thành thùng là đã quá tải gấp nhiều lần so với quy định của tải trọng xe.
“Cùng một dòng xe, cùng một chủng loại nhưng xe Howo nhập trước khi Thông tư 32/2012 có hiệu lực thì thùng rất cao từ 1,6 - 2m, còn xe sau này chỉ có 60 - 70cm.
Một lần xe tôi bị lực lượng chức năng địa phương lập biên bản lỗi thành thùng, trong khi một xe khác có chiều cao thùng ngang nhau, cùng chạy đường TL537B thì không bị phạt. Lý do là xe đó thùng cao nguyên bản, còn xe tôi dù đã đi cắt thành thùng vẫn bị lập biên bản”, anh Nguyễn Văn H. (lái xe tải ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết.
Một doanh nghiệp vận tải ở huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, doanh nghiệp có 4 xe Howo, thành thùng được ghi trong giấy kiểm định có chiều cao hơn 1m, dùng để chở đá.
Xe có thành thùng nguyên bản hoạt động tại mỏ đất của công ty Bá Thiết, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang
Tuy nhiên, chỉ cần chở ngang với thành thùng xe đã quá tải. Ngược lại, doanh nghiệp đi cắt thành thùng xuống khoảng 60cm như phần lớn xe hiện nay thì cũng sai, vì điều đó có nghĩa tự ý thay đổi kích thước thành thùng.
“Xe nguyên bản thành thùng, cơ quan chức năng đã cấp phép cho mua về dùng. Vậy mà khi sử dụng, chở ngang thành thùng cũng sai mà cắt thành thùng để chở cũng sai”, vị giám đốc doanh nghiệp phân trần.
Cùng quan điểm, một doanh nghiệp vận tải ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) cho biết thêm: “Chưa nói việc cắt là sai so với thiết kế, kinh phí mỗi lần cắt thành thùng 1 chiếc xe Howo lên đến cả chục triệu đồng. Thế nhưng, khi đi đăng kiểm, doanh nghiệp lại phải hàn lại cho đúng nguyên bản. Đăng kiểm xong, muốn chạy ra đường lại phải mất thêm tiền để cắt bỏ… Rất phiền phức và tốn kém”.
Tìm hiểu của PV, thực trạng này không chỉ xảy ra ở Nghệ An mà ở còn nhiều địa phương khác trong cả nước như: Bắc Giang, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…
Thừa nhận trên địa bàn có những xe Howo có thành thùng cao 1,5 - 1,6m nhưng lãnh đạo các đội CSGT ở tỉnh Bắc Giang khẳng định: “Đơn vị đã kiểm tra nhiều lần, những phương tiện trên được cơ quan đăng kiểm cho phép sử dụng thành thùng cao như vậy nên không thể xử lý hay yêu cầu cắt bỏ thành thùng như các phương tiện khác.Trong khi đó, nếu để loại xe này tiếp tục tồn tại sẽ tiềm ẩn nguy cơ tái bùng phát xe chở quá tải”.
“Giờ có nhiều doanh nghiệp tìm mua lại những xe sản xuất từ năm 2008 - 2012 có thùng cao 1,6m về sửa chữa rồi sử dụng lại. Xe này tuy cũ nát nhưng rất lợi thế khi chạy chở hàng đường ngắn, trong huyện, vùng mỏ hoặc những tuyến đường CSGT, TTGT không đặt cân... Kể cả có dừng xe kiểm tra mà không cân cũng không xử lý được”, một cán bộ CSGT xin giấu tên chia sẻ.
Xử lý thế nào?
Xe HOWO sản xuất năm 2010 thùng nguyên bản cao 1.5m chở đầy đá 1 2 chạy trên QL46C
Trước thực tế này, một lãnh đạo Trạm CSGT Diễn Châu (Nghệ An) cho biết: “Ở Nghệ An hiện vẫn còn xuất hiện một số phương tiện có thùng cao nguyên bản chạy trên đường.
Với những xe này chúng tôi chỉ xử lý được khi cân mà phát hiện chở quá tải. Còn với những xe thùng cao nguyên bản mà chủ xe đã cho cắt thùng, xét về luật thì vi phạm. Nhưng thực tế, chúng tôi không ai xử lý họ cả”.
Thượng tá Phan Hồng Thái, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng cho rằng, đối với các xe nguyên bản, do vẫn được đăng kiểm nên chỉ yêu cầu các lái xe chở lưng thùng, đúng trọng tải cho phép. Nếu trường hợp nào chở quá tải thì lực lượng bắt buộc phải cân và xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi đó, lãnh đạo các Trung tâm Đăng kiểm 98-05D và 98-06D cũng khẳng định, năm 2016, 2017, đã có thông tư hướng dẫn, đưa các xe có thành thùng nguyên bản trên đi cắt bỏ 1 phần.
Sau đó, cơ quan đăng kiểm sẽ tính toán trọng lượng, kích thước phần thùng bị cắt bỏ để thay đổi thông số kỹ thuật, tải trọng cho phép và tự trọng bản thân của phương tiện. Tuy nhiên, rất ít chủ xe thực hiện nên đến nay các trung tâm vẫn phải đăng kiểm theo thông số kỹ thuật cũ.
Theo ông Nguyễn Quý Khánh, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Nghệ An, tất cả các xe khi vào kiểm định đều phải đảm bảo đúng theo hồ sơ của phương tiện.
Kể cả những xe thùng cao trước khi có Thông tư 32/2012, nếu kích thước thùng không đúng hồ sơ thì sẽ bị từ chối đăng kiểm. Riêng với những xe không muốn hàn lại thùng thì phải làm hồ sơ xin cải tạo giảm kích thước thành thùng.
Kiến nghị giải pháp tháo gỡ vấn đề này, ông Lê Hồng Vinh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An thẳng thắn: “Đã đến lúc cần có biện pháp khắc phục. Theo tôi, muốn làm được thì phải có cơ chế chính sách chung, hỗ trợ họ cắt thùng hoặc hỗ trợ thu hồi chuyển đổi phương tiện như thời chúng ta thu hồi xe công nông”.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, toàn quốc hiện có gần 32.000 xe tải tự đổ có trọng tải trên 10 tấn được nhập trước thời điểm ngày 1/10/2012 (thời điểm Thông tư 32/2012 có hiệu lực), có thể tích thùng xe lớn, điển hình là xe nhãn hiệu “hổ vồ” (Howo) do Trung Quốc sản xuất, với chiều cao thùng từ 1,6m đến hơn 2m. Do thùng xe lớn nên các chủ xe thường chất hàng “kịch thùng”, gây vượt quá tổng trọng tải cho phép tham gia giao thông, làm hư hại cầu, đường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận