Thế giới

Bolivia sẽ ra sao sau khi Tổng thống Morales từ chức?

13/11/2019, 08:54

Bolivia đang lâm vào cảnh hỗn loạn chính trị khi Tổng thống Evo Morales bất ngờ từ chức sau ba tuần biểu tình bạo lực liên tiếp.

img
Cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales.

Nhà cựu lãnh đạo Bolivia và các chính trị gia cánh tả khác trên khắp thế giới đã tố cáo việc quân đội ép ông từ chức là một cuộc đảo chính, trong khi các đảng phái đối lập ở nước này nói rằng ông Morales đã gian lận bầu cử và cần phải ra đi.

Chuyện gì đã xảy ra?

Tạp chí Forein Policy cho hay, ông Morales tuyên bố từ chức Tổng thống Bolivia vào cuối tuần qua, chỉ vài giờ sau khi một báo cáo chi tiết về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử ngày 20/10 được Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) công bố.

Tổng thống Morales đã từ chức sau nhiều tuần biểu tình bạo lực nổ ra trên khắp đất nước, chứng kiến ​​nhiều người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và nhiều tài sản vật chất bị phá hủy.

Cơ hội cuối cùng cho ông Morales là phải từ chức. Yêu cầu này được cho là do người đứng đầu quân đội Bolivia đưa ra, trong đó nhấn mạnh rằng ông Morales phải ra đi để giữ gìn trật tự công cộng, trong khi cảnh sát Bolivia tuyên bố đứng về phía người biểu tình.

Việc từ chức của ông Morales và Phó tổng thống cũng như người đứng đầu cả hai cơ quan lập pháp cao nhất là Thượng viện và Hạ viện Bolivia đã để lại một khoảng trống chính trị ở quốc gia này. Giờ đây, sự ổn định của Bolivia tùy thuộc vào việc các đồng minh chính trị còn lại của ông Morales trong các cơ quan lập pháp và các phe phái đối lập có tìm ra phương cách hợp tác để thành lập ra một chính phủ lâm thời, tiền đề để tiến hành các cuộc bầu cử mới hay không.

Nếu hợp tác thành công, Bolivia sẽ ngăn chặn được tình trạng rối loạn và vạch ra một con đường chính trị mới sau gần 14 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo cánh tả Morales.

Ông Morales, Tổng thống bản địa đầu tiên của Bolivia, một nhà hoạt động vì quyền lợi người lao động và cựu nông dân trồng coca trước đây, tin rằng chính sách điều hành đất nước của ông đã mang lại một thời kỳ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi sản lượng khí đốt tự nhiên dồi dào và gia tăng nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ các nước như Trung Quốc.

Morales đã đưa ra nhiều cáo buộc rằng một cuộc đảo chính đã diễn ra vào ngày ông tuyên bố từ chức, cho rằng sự kiện này đã phá hủy các nguyên tắc luật pháp. Một số chính trị gia cánh tả khác ở châu Mỹ Latinh và phần còn lại của thế giới đã lặp lại cáo buộc đó, bao gồm cả các nhà lãnh đạo, cựu lãnh đạo và các chính trị gia cao cấp ở Cuba, Venezuela, Nicaragua, Argentina, Brazil, Tây Ban Nha, Hy Lạp và Minnesota.

Tuy nhiên, với góc nhìn của phe đối lập ở Bolivia, việc ông Morales từ chức không phải là một cuộc đảo chính. Quân đội Bolivia tuyên bố rằng họ không chịu trách nhiệm về việc ra đi của ông Morales, bất chấp sự phản đối của nhà lãnh đạo này khi ông tiết lộ rằng cảnh sát đã có lệnh bắt giữ, thậm chí chuẩn bị cả lệnh truy nã nếu ông không từ chức.

Theo phe đối lập, nguyên nhân khiến các cuộc biểu tình nổ ra vào lan đến đỉnh điểm ở Bolivia trong những ngày qua, khiến cho cả cảnh sát và quân đội bỏ rơi ông Morales có hai yếu tố: Ông Morales ra tranh cử nhiệm kỳ tổng thống thứ tư mặc dù điều đó là vi hiến và có những cáo buộc gian lận nghiêm trọng trong cuộc bầu cử ngày 20/10, trong đó ông Morales giành chiến thắng.

Nhiệm kỳ thứ tư gây tranh cãi

Theo Forein Policy, hiến pháp của Bolivia cũng giống như hiến pháp của Hoa Kỳ hiện nay, chỉ cho phép một người làm tổng thống tối đa hai nhiệm kỳ.Tuy nhiên, ông Morales lại không tính nhiệm kỳ đầu tiên của mình (từ năm 2006 đến 2009) vì cho rằng giai đoạn này diễn ra trước khi có hiến pháp mới. Tổng thống Morales coi nhiệm kỳ thứ hai và thứ ba của mình mới chỉ là nhiệm kỳ đầu.

Năm 2016, Morales chủ trương sửa đổi hiến pháp để mở đường nắm quyền thêm các nhiệm kỳ tiếp theo, tuy nhiên ý định này của ông đã thất bại trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Dù vậy, Tổng thống Morales đã không chịu thua, ông đã kháng cáo lên Tòa án tối cao do chính mình kiểm soát. Tòa này sau đó phán quyết rằng, bất cứ hành động ngăn chặn ông Morales ra tranh cử tổng thống sẽ là hành vi vi phạm nhân quyền. Vì vậy, Morales quyết định chạy đua tái cử vào năm 2019 dù không có căn cứ hiến pháp nào cho điều đó. Đó cũng được xem là một trong những yếu tố gây nên sự tức giận của phe đối lập ngay trước ngày 20/10.

Tiếp sau đó, tổ chức OAS đã công bố một báo cáo được các quan sát viên tổng hợp lại cho thấy, có bằng chứng về gian lận bầu cử, cụ thể là việc sử dụng máy chủ bên ngoài Bolivia để xử lý kết quả phiếu bầu của cử tri trên khắp lãnh thổ Bolivia. Kết quả là ông Morales thắng cử với hơn 80% số phiếu bầu và giữ vị trí dẫn đầu. Nhóm kiểm soát bầu cử sau đó không thể xác minh kết quả của cuộc bầu cử hôm 20/10 và do đó đề xuất một cuộc bỏ phiếu mới nhưng không được ông Morales đồng ý.

Hiện chưa rõ ai và thế lực nào sẽ đứng ra thành lập một chính phủ chuyển tiếp tạm thời làm tiền đề cho việc thành lập ủy ban bầu cử mới. Theo hiến pháp Bolivia, một cuộc bầu cử mới cần diễn ra trong 90 ngày kể từ khi chính quyền đương nhiệm từ chức, trong khi đó, phe đối lập có thể muốn bầu cử mới diễn ra sớm hơn.

Một số nhà lãnh đạo phe đối lập tại Thượng viện đề nghị rằng, Phó Chủ tịch của thượng viện nên là người tiếp quyền tổng thống tạm thời. Nhưng để đạt được điều đó, cơ quan lập pháp cần phải chính thức phê chuẩn việc từ chức của ông Morales và các trợ lý thân cận của ông ta, cũng như bầu những người đứng đầu mới của các cơ quan lập pháp - điều mà những đồng minh còn lại của ông Morales sẽ không chấp nhận ngay từ đầu.Cho đến nay, Bolivia vẫn chưa có người “cầm lái”. Những ngày tới được xem là khoảng thời gian rất quan trọng để chứng kiến những thay đổi xuất hiện nhằm đảm bảo rằng quốc gia Nam Mỹ này có được một tương lai ổn định và vững chắc sau sự ra đi của nhà cựu lãnh đạo Morales.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.