Chuyên gia khuyến cáo Hà Nội cần thực hiện cách ly F1 tại nhà, chủ động thiết lập hệ thống điều trị khi dịch bùng phát mạnh.
Dịch Covid-19 có chiều hướng diễn biến phức tạp, Hà Nội vẫn duy trì cách ly F1 tập trung
Tính phương án 40.000 ca bệnh
Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh từng ngày. Chỉ tính từ ngày 11/10 - 6/11, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 800 ca mắc (trung bình khoảng 34 ca/ngày), trong đó có 310 ca ngoài cộng đồng (chiếm tỷ lệ 31,7%); 446 ca tại khu cách ly (chiếm 51,7%), 124 ca tại khu phong tỏa (chiếm 13,9%); 21 ca nhập cảnh (chiếm 2,7%).
Đáng nói hiện Hà Nội đã xuất hiện 10 chùm ca bệnh tại: Gia Lâm, Mê Linh, Hà Đông, Ba Đình, Đống Đa, Nam Từ Liêm… Do đó, từ ngày 5/11, Hà Nội đã nâng cấp độ trong phòng, chống dịch Covid-19 lên cấp 2.
Nếu tính theo xã, phường, thị trấn trong vòng 14 ngày gần đây, Hà Nội có 3 điểm đang ở cấp độ dịch số 3 vì có nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, gồm: Thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai; xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh; phường Cống Vị, quận Ba Đình.
Ở cấp độ dịch theo thôn, tổ dân phố, Hà Nội có tổ dân phố Ngô Sài, thị trấn Quốc Oai có nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng (274 ca), được xếp vào cấp độ 4.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội khuyến cáo, tất cả người dân trên địa bàn, khi có một trong các biểu hiện mắc Covid-19 cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi lưu trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm miễn phí.
Được biết, Hà Nội cũng đã lên phương án, lập kịch bản ứng phó với 40.000 ca nhiễm. Theo bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, dịch Covid-19 ở Thủ đô hiện vẫn trong tầm kiểm soát nhưng đã có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn khi xuất hiện nhiều ổ dịch cộng đồng do nới lỏng các biện pháp phòng, chống và thêm các ca F0 về từ địa phương có dịch.
“Dự báo, thành phố tiếp tục ghi nhận các chuỗi lây nhiễm phức tạp và có nguy cơ rất cao nếu không được quản lí chặt chẽ và có các biện pháp hành chính phù hợp”, bà Hà thông tin.
Qua đây, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng xác định y tế cơ sở là trọng yếu, trụ cột trong phòng, chống dịch giai đoạn mới, chăm sóc người dân ngay tại cơ sở.
Do đó, bà Hà đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cập nhật phác đồ điều trị, nhất là trong trường hợp có số ca nhiễm lớn để làm cơ sở chuẩn bị vật tư, trang thiết bị để ứng phó kịp thời.
Cần thực hiện cách ly F1 tại nhà ngay lúc này?
Theo Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ tư (tính từ ngày 29/4 đến nay), trên địa bàn thành phố đã ghi nhận khoảng 5.000 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng hơn 1.900 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly hơn 3.000 ca. Cũng trong thời gian này, tổng số F1 phải thực hiện cách ly tập trung tại Hà Nội lên tới gần 23.000 trường hợp.
Riêng về quy định cách ly tập trung F1, trong khi Bộ Y tế cho phép giảm thời gian cách ly xuống còn 14 ngày từ giữa tháng 7, thì Hà Nội từ ngày 4/9 lại nâng lên 21 ngày, sau khi hoàn thành cách ly y tế tập trung để tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.
Trước nguy cơ dịch Covid-19 tại Hà Nội có thể bùng phát mạnh trở lại, nhiều ý kiến lo ngại quá tải khu cách ly, song trao đổi với PV Báo Giao thông ngày 6/11, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc CDC Hà Nội vẫn khẳng định, thành phố chưa tính tới phương án cách ly F1, điều trị F0 tại nhà. “Hà Nội vẫn cách ly tập trung và điều trị tại cơ sở y tế”, lãnh đạo CDC Hà Nội cho biết.
Cũng theo ông Tuấn, hiện đã có sự chủ quan của một bộ phận người dân không thực hiện tốt 5K, đặc biệt người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19.
Trong khi đó, trao đổi với Báo Giao thông, PGS. TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam lại cho rằng, dù vẫn đủ cơ sở cách ly tập trung nhưng ngay bây giờ Hà Nội nên thí điểm cách ly F1 tại nhà, tránh lặp lại bài học của TP.HCM khi dịch bùng phát mạnh.
Theo ông Phu, thực tế cho thấy, khi nới nỏng giãn cách, số ca F0 tăng lên đồng nghĩa F1 tăng nhiều. Do đó, cách ly F1 tại nhà vừa tạo thuận lợi cho người bị cách ly đỡ tốn kém lại không bị nhiễm chéo tại khu cách ly.
Thứ hai, hiện nhiều nhà dân tại Hà Nội có điều kiện, đủ cơ sở vật chất để cách ly tại nhà theo quy định. Thứ ba, hệ thống y tế cơ sở và chính quyền từ thôn, xóm, tổ dân phố tại Thủ đô cũng đã đủ năng lực, có thể thực hiện tốt việc giám sát, theo dõi. Thứ 4, nhiều người dân thành phố đã có ý thức cao trong phòng, chống dịch…
“Chính vì vậy việc cách ly tại nhà là cần thiết, đối tượng nào không đủ điều kiện thì mới đưa đi cách ly tập trung. Hà Nội nên làm ngay, trong trường hợp dịch bùng lớn thì đã có kinh nghiệm, thiết lập được hệ thống xử lý, điều trị, nếu không dễ bị động như TP.HCM đợt trước”, PGS. TS. Trần Đắc Phu nói.
Tại cuộc họp mới đây với TP Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cùng với kế hoạch đã chuẩn bị, thành phố cũng phải tập dượt phương án khác, lường trước kịch bản xấu để có sự chuẩn bị. Ví dụ, công tác thu dung, cách ly, điều trị của Hà Nội vẫn thực hiện tốt nhưng cần chuẩn bị và thực hiện thí điểm phương án cách ly F1, điều trị F0 tại nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận