Thời sự

Bốn thách thức VN bảo vệ chủ quyền biển Đông 2016

12/02/2016, 09:23

Giáo sư Carl Thayer trao đổi với Báo Giao thông về vị thế ngày càng đi lên của Việt Nam trên trường quốc tế...

6
Giáo sư Carl Thayer

Giáo sư Carl Thayer - chuyên gia về chính trị Việt Nam và hiện làm việc tại Học viện Quốc phòng Australia, thuộc trường Đại học New South Wales trao đổi với Báo Giao thông về vị thế ngày càng đi lên của Việt Nam trên trường quốc tế qua một năm ngoại giao thành công.

Tôn trọng hệ thống chính trị của nhau

Giáo sư đánh giá như thế nào về kết quả những chuyến thăm đối ngoại con thoi của các lãnh đạo Việt Nam trong năm vừa qua?

Trong tất cả các chuyến công du nước ngoài của các lãnh đạo Việt Nam năm 2015, theo tôi, chuyến thăm được đánh giá quan trọng nhất là chuyến công du tới Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vì, thứ nhất, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo đảng của Việt Nam tới thăm Washington. Thứ hai, kết thúc chuyến thăm, hai nước đã ra được tuyên bố chung trong đó Tổng thống Barack Obama và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhất trí tôn trọng hệ thống chính trị của nhau. Nói cách khác, Mỹ thừa nhận tính pháp lý của hệ thống chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bên cạnh đó, chuyến thăm tới Cuba và Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là những minh chứng quan trọng cho chính sách ngoại giao luôn luôn gìn giữ quan hệ tốt đẹp với những người bạn truyền thống. Chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Đức đánh dấu lần đầu tiên người đứng đầu Nhà nước Việt Nam tới thăm Đức kể từ khi nước này thống nhất. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng trong quan hệ chiến lược Việt Nam - Đức. Theo tôi, mối quan hệ này cần được tăng cường hơn nữa.

Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu (COP21) cho thấy, Việt Nam rất nghiêm túc trước vấn đề biến đổi khí hậu.

Kể từ khi gia nhập ASEAN vào tháng 7/1995 tới nay, Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong ASEAN. Việc Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội Nghị thượng đỉnh ASEAN góp phần giúp Hội nghị đạt được kết quả, đặc biệt, trong vấn đề biển Đông.

Tất cả những chuyến thăm con thoi mà các lãnh đạo Việt Nam thực hiện trong năm 2015 vừa qua cho thấy, Việt Nam coi trọng và tiếp tục duy trì chính sách quan hệ ngoại giao đa phương, đa dạng.

Năm 2015, Việt Nam là một trong 12 nước thành viên của Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thoả thuận ở vòng đàm phán cuối cùng và cũng là một trong những nước ký Tuyên bố thành lập Cộng đồng chung ASEAN. Theo Giáo sư, cơ hội phát triển, kêu gọi đầu tư của Việt Nam thời gian tới qua hai sự kiện này?

Với việc thành lập cộng đồng ASEAN, Việt Nam không chỉ nhận được lợi ích tương đối trong giao thương với các nước Đông Nam Á khác mà còn tạo cán cân cho Việt Nam trong các thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề kinh tế. Vì ASEAN đại diện cho một thị trường lớn thống nhất. ASEAN càng thống nhất về mặt kinh tế thì càng mạnh mẽ hơn trong các thỏa thuận với các nước bên ngoài.

Còn về TPP, Hiệp định này còn cần Quốc hội Mỹ thông qua. Khi đó, các nhà kinh tế dự đoán, TPP sẽ giúp Việt Nam tăng GDP lên 11% và kim ngạch xuất khẩu lên hơn 25% trong vòng 10 năm tới và các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tìm đến Việt Nam.

7
Giàn khoan PV DRILLING V đang làm việc trên biển Đông cho Liên doanh Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Petrovietnam và Tập đoàn Dầu mỏ và Khí đốt Liên bang Nga Gazprom

Tránh phụ thuộc vào nước lớn

Năm 2015, vấn đề biển Đông hết sức phức tạp và căng thẳng khiến cả thế giới quan ngại. Sau những nỗ lực, biện pháp ngoại giao của Việt Nam - những biện pháp chính nghĩa này đang được thế giới ủng hộ. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình khu vực và quốc tế đang biến động phức tạp, Việt Nam sẽ còn phải đối mặt những thách thức gì trong xử lý vấn đề chủ quyền biển Đông?

Trong năm 2016, Việt Nam sẽ đối mặt với ít nhất 4 thách thức lớn liên quan tới vấn đề biển Đông. Đầu tiên là cách Việt Nam phản ứng với kết quả phiên điều trần của Tòa trọng tài quốc tế về việc Philippines kiện Trung Quốc. Không ai biết kết quả như thế nào nhưng Việt Nam phải chuẩn bị cho tất cả các tình huống kể cả việc Trung Quốc sẽ bác bỏ kết quả của tòa.

Thách thức thứ hai là cách Việt Nam phản ứng khi ASEAN và Trung Quốc không đạt được Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) năm 2016. Thách thức thứ ba đặt ra với Việt Nam là phản ứng thế nào trước việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng bồi đắp đảo nhân tạo, xây dựng các cơ sở hạ tầng trái phép cũng như những hành động gây hấn với tàu thuyền của Việt Nam trên biển Đông. Thách thức thứ tư là làm thế nào để dịu bớt ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề biển Đông trong quan hệ với Trung Quốc.

Theo Giáo sư, Việt Nam cần lưu ý gì trong chiến lược ngoại giao để luôn giữ được hoà bình, ổn định, độc lập, tự chủ, tạo đà cho kinh tế xã hội phát triển?

Khi nói về chiến lược ngoại giao, Việt Nam cần tránh quá phụ thuộc vào bất cứ nước lớn nào. Điều này có thể dẫn tới điều mà các chuyên gia về ngoại giao quốc tế thường gọi là “bẫy”.

Hay nói cách khác, nếu Việt Nam trở nên quá phụ thuộc vào một thế lực, rất có thể sẽ tự đưa mình vào mâu thuẫn với các thế lực khác. Ngoài ra, VN nên tăng cường quan hệ với tất cả các cường quốc lớn.

Chiến lược ngoại giao của Việt Nam cần phải có sự tham gia của nhiều Bộ như: Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an… Việt Nam nên mở rộng quan hệ đối tác và tăng cường các đối tác chiến lược hiện có. Cũng nên phát triển các mối quan hệ hợp tác và gần gũi hơn với Indonesia trong năm 2016. Việt Nam nên đóng vai trò xây dựng và tích cực trong các các tổ chức đa phương, đặc biệt là Liên hợp quốc.

Nên ưu tiên các quan hệ kinh tế có thể hỗ trợ sự phát triển của nước nhà; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực thông qua các chương trình giáo dục, đào tạo ở các bậc cao nhất của thế giới. Cân nhắc thành lập các tổ chức cố vấn, hỗ trợ đưa ra lời khuyên về chính sách ngoại giao lâu dài. Và các tổ chức này nên hợp tác chặt chẽ với các tổ chức cố vấn tầm cỡ thế giới có liên quan.

Việt Nam cần chủ động hơn trong Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) để tăng cường sức mạnh của Hiệp hội. Chẳng hạn, tại các Diễn đàn Hàng hải ASEAN, Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cùng với các tổ chức cấp dưới như Cuộc họp các quan chức cao cấp (Senior Officials Meeting-SOM), Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN… Việt Nam nên tăng cường các hoạt động và những cuộc tập trận giữa các lực lượng vũ trang ASEAN.

Việt Nam cũng nên chủ động trong các tổ chức đa phương khác như: ASEM, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á và các tổ chức ASEAN mở rộng khác như ADMM Plus và Diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng. Khi Việt Nam phát triển và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang, Việt Nam cần chủ động hơn trong không chỉ hợp tác quốc phòng mà cả các cuộc tập trận. Thường xuyên tập trận với các lực lượng quân sự hiện đại không chỉ giúp Việt Nam có thể thử nghiệm các chương trình đào tạo mà còn có thể phát triển các kỹ năng mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.