Các giải đấu lớn đều đã bị hoãn trong khi Vòng chung kết EURO 2020 nhiều khả năng cũng chịu chung số phận, kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Bóng đá châu Âu tê liệt
Cuối tuần qua, Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đã công bố hoãn các trận đấu còn lại thuộc lượt về vòng 1/8 Champions League và lượt về vòng 1/8 Europa League vì dịch Covid-19 đang lan nhanh ở châu Âu. Vòng chung kết EURO 2020 đang đứng trước nguy cơ không thể tổ chức đúng hẹn bởi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa bóng sẽ lăn trong khi Covid-19 mới bước đầu “tấn công” châu Âu. Đương nhiên, UEFA Nations League 2020-2021 cũng sẽ bị ảnh hưởng, dù dự kiến tháng 9/2020 mới khởi tranh.
Về phần các giải vô địch quốc gia, 5 giải đấu hàng đầu châu Âu cũng đã chính thức lùi lịch. Serie A (Italia) đi đầu trong việc hoãn các trận đấu sau khi hàng loạt cầu thủ dương tính với Covid-19. Ngoại hạng Anh hoãn tới ngày 4/4; La Liga (Tây Ban Nha) hoãn hai vòng đấu 28 và 29; Bundesliga (Đức) tạm dừng cho tới ngày 2/4 còn Ligue 1 (Pháp) hoãn vô thời hạn. Bên cạnh đó, giải vô địch quốc gia Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ… cũng đang đứng trước sự đe dọa.
Tờ Financial Times còn đưa ra thông tin gây sốc khi cho rằng một vài đội bóng ở các giải đấu hàng đầu muốn hủy bỏ giai đoạn cuối mùa giải năm nay. “Dù khó khăn nhưng các nhà điều hành đã bắt đầu tính toán tới kịch bản chưa từng có trong lịch sử. Vấn đề đặt ra là, nếu kết thúc mùa giải ở thời điểm hiện tại, nhiều đội bóng sẽ chịu thiệt thòi và ngược lại có đội sẽ được hưởng lợi. Nhìn chung sẽ không công bằng nhưng với việc Covid-19 được dự đoán sẽ lên tới đỉnh điểm trong vài tuần nữa, kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Sức khỏe con người là quan trọng nhất”, Financial Times dẫn một nguồn tin giấu tên cho hay.
Theo thông tin của tờ Dailymail, ngày 17/3, UEFA và các liên đoàn thành viên sẽ tiến hành nhóm họp bàn về giải pháp xử lý khủng hoảng do virus Corona gây ra. Ở một diễn biến khác, FIFA thậm chí khuyến nghị tất cả các trận đấu quốc tế dự kiến diễn ra vào tháng 3 và tháng 4 nên bị hoãn vì đại dịch Covid-19 toàn cầu, đồng thời thông báo các CLB không bắt buộc nhả cầu thủ cho tuyển quốc gia. Như vậy, bóng đá châu Âu thời gian tới gần như bị tê liệt.
Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam cho rằng, việc các giải đấu ở châu Âu bị lùi lịch sẽ dẫn tới xáo trộn lớn: “Mỗi mùa giải ở châu Âu đều được tính toán chuẩn tới từng ngày. Hiện tại, mọi thứ đã bị xới tung, việc sắp xếp lại không hề dễ dàng bởi còn liên quan tới lịch thi đấu của các đội tuyển quốc gia”.
“Với tình hình này, tôi cho rằng EURO 2020 nhiều khả năng phải đợi 2021 mới tổ chức được bởi lịch thi đấu của các giải vô địch quốc gia chắn chắn kéo dài tới tháng 6, thậm chí tháng 7 tùy tình hình dịch bệnh sắp tới. Nếu kịch bản này xảy ra, cầu thủ sẽ có rất ít thời gian nghỉ ngơi trước khi bước vào mùa giải kế tiếp. Đó là chưa kể tới việc năm 2021 sẽ là cao điểm để các đội bóng chạy đua cho World Cup 2022, đá thêm EURO 2020 sẽ rất khó khăn”, ông Tú nhận định.
Thiệt hại nặng về kinh tế
Nhìn tổng thể, lịch thi đấu, kế hoạch của các đội bóng bị đảo lộn là điều đương nhiên. Nhưng quan trọng hơn, tài chính ở các giải đấu, các CLB cũng sẽ sụt giảm đáng kể. “Cái nhìn thấy đầu tiên là khi không tổ chức các trận đấu, CLB sẽ mất nguồn thu lớn từ bán vé, đồ lưu niệm. Tiền bản quyền truyền hình cũng không thoát khỏi vòng xoáy bởi khoảng thời gian không có bóng đá, các kênh truyền hình sẽ mất lượng khách lớn. Nếu kịch bản một giải đấu dừng thời điểm này xảy ra, nhà tổ chức có thể phải trả lại số tiền bản quyền tương ứng với các trận đấu bị hủy. Điều này đồng nghĩa với tiền chia cho CLB vào cuối mùa sụt giảm”, ông Trần Anh Tú phân tích.
Được biết, gói bản quyền truyền hình Ngoại hạng Anh trong 3 mùa 2019-2022 có giá trị hơn 5 tỷ USD, tức mỗi mùa tương đương 1,66 tỷ USD. Hiện, Ngoại hạng Anh đã đi đến vòng 29, tức còn khoảng 1/4 chặng đường. Nếu dừng lại, Ban Tổ chức sẽ phải “nhả” hơn 400 triệu USD cho đối tác sở hữu bản quyền truyền hình.
Thiệt hại kinh tế ở Champions League còn lớn hơn bởi giải đấu này có số tiền bản quyền truyền hình khổng lồ. Kênh truyền hình BT Sport đã phải trả 1,18 tỷ USD để giành quyền phát sóng Champions League trên lãnh tổ nước Anh tới năm 2021. Năm 2016, trận chung kết Champions League giữa Real Madrid và Atletico Madrid thu hút khoảng 350 triệu người theo dõi trực tiếp, tiền bản quyền truyền hình cho riêng trận đấu này đã có giá trị 1,6 tỷ USD.
Cùng quan điểm, ông Fausto Zanetton, Giám đốc điều hành Tifosy Capital Advisory, một công ty đầu tư thể thao cho biết: “Nguồn thu của các CLB phụ thuộc vào nhà tài trợ, bản quyền truyền hình và khán giả. Việc đình chỉ các trận đấu khiến doanh thu bán vé bằng không, bản quyền truyền hình cũng thiệt hại. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ là khó khăn trước mắt và sẽ được giải quyết nếu các giải đấu quay trở lại, đi tiếp hành trình còn lại của mùa giải”.
Trong khi đó, Financial Times khẳng định, nếu bất kỳ giải đấu nào bị lùi lịch hoặc dừng tổ chức, các nhà tài trợ sẽ không hài lòng. Điều này dễ hiểu bởi họ bỏ tiền ra để phủ sóng thương hiệu. Khi mục đích bị ảnh hưởng, họ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Riêng với Vòng chung kết EURO 2020, Financial Times lo ngại: “Ở EURO 2016, UEFA lãi khoảng hơn 1 tỷ USD và dự kiến EURO 2020 con số này còn lớn hơn. Tuy vậy, khoản thu này sẽ không tới nếu giải đấu bị lùi lại tới năm 2021. Không ai đảm bảo mọi thứ được bảo toàn sau 1 năm khi các nhãn hàng tài trợ lớn như Coca Cola, Heineken, Takeaway cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận