Sau 9 vòng đấu, hai đội bóng xếp bét bảng V-League đều tới từ miền Tây, đó là Long An và Đồng Tháp. |
Cơn hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua đang khiến mảnh đất miền Tây màu mỡ trở nên khô cằn. Chống hạn chưa xong, người dân nơi đây còn phải lo đối phó với sự xâm nhập của nước mặn. Hàng ngàn héc ta lúa có nguy cơ mất trắng, xóm làng tiêu điều và nhiều người thậm chí đã phải bỏ quê, tha hương kiếm sống. Thật trùng hợp, khi miền Tây căng mình chống chọi hạn, mặn dồn dập thì bóng đá miền Tây cũng đang phải căng mình để chạy trốn khỏi suất xuống hạng đang treo lơ lửng trên đầu.
Sau 9 vòng đấu, hai đội bóng xếp bét bảng đều tới từ miền Tây, đó là Long An và Đồng Tháp. Long An từng được kỳ vọng khi tái cơ cấu trước mùa giải năm nay. Thế nhưng, những chuyển biến chỉ đi theo chiều hướng tiêu cực. Còn Đồng Tháp vốn là khách quen ở nửa cuối bảng xếp hạng. Nói thế để thấy rằng việc miền Tây “độc chiếm” hai vị trí cuối bảng không phải là điều gì quá ngạc nhiên. Thậm chí, nếu thẳng thắn, có thể gọi đây là “truyền thống” của các đội bóng tới từ vùng sông nước.
Năm mùa giải gần nhất, có tới bốn mùa miền Tây “đóng góp” đội xuống hạng. Năm 2014, An Giang sau khi phải xuống hạng đã tuyên bố giải thể vì thiếu kinh phí hoạt động. Hay trước nữa là Kiên Giang, Đồng Tháp, Đồng Tâm Long An đều phải xuôi buồm xuống hạng Nhất. Từ 2012 đến 2014, lần lượt Đồng Tháp, XSKT Cần Thơ và Long An đã trở lại V-League nhưng tới mùa 2015, cả ba đều thi đấu bết bát và ngấp nghé bên bờ vực. Rất may là Đồng Nai gặp quá nhiều vấn đề nên đã phải nhận vé xuống hạng.
Cha ông ta vốn có câu: “Qua cơn bĩ cực, tới hồi thái lai”. Chỉ là, sau ngần ấy cơn “bĩ cực”, bóng đá miền Tây vẫn chưa thấy ngày “thái lai”. Kịch bản một đội bóng miền Tây phải rời sân chơi V-League 2016 khi mùa giải khép lại đang trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết. Bóng đá miền Tây vốn không thiếu nhân tài nhưng cách làm bóng đá lạc hậu khiến các đội bóng vùng sông nước cứ mãi lận đận.
Bài toán kinh phí được coi là mẫu số chung của hầu hết các đội bóng miền Tây nhiều năm trở lại đây (trừ Cần Thơ). Trong thời buổi bóng đá kim tiền, túi không rủng rỉnh, đừng mong đến chuyện chơi tốt chứ chưa nói tới việc thành công. Không có tiền đồng nghĩa với việc để tuột những cầu thủ chất lượng vào tay các đội bóng giàu có. Không có tiền còn kéo theo sự bất ổn trong chính các đội bóng. Ở đâu cũng vậy, tiền không có, đầu óc đâu mà nghĩ tới việc đá hay, đá đẹp, đá cống hiến.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận